Giá cả hàng hóa tháng 11 đứng trước sức ép tăng giá
Mặt khác, do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển mùa lạnh) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình tăng, có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá. Ngoài ra, dự kiến giá Dịch vụ khám chữa bệnh tại một số địa phương có thể được điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, tháng 11/2015 có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: giá nhiều nguyên nhiên vật liệu thị trường thế giới dự báo chỉ biến động nhẹ; nguồn cung hàng hoá trong nước vẫn đồi dào trong khi nhu cầu dự báo không cao; các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện công tác bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2015, triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm 2015 và Tết Nguyên Đán 2016; các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện trong những tháng cuối năm...
Báo cáo về tình hình giá cả thị trường tháng 10/2015, Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng giá cả một số mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, phân ure, đường, muối, xi măng ổn định giá thức ăn chăn nuôi và thép giảm; ngược lại, giá LPG và giá xăng dầu tăng. Riêng đối với mặt hàng thóc lúa gạo thì ở các tỉnh miền Bắc giảm do vụ lúa Hè Thu ở Miền Bắc đã thu hoạch xong nên nguồn cung dồi dào, tại một số tỉnh phía Nam giá gạo tăng nhẹ do Việt Nam thắng thầu cung cấp gạo sang Philippines, Indonexia.
Cụ thể tình hình giá một số mặt hàng thiết yếu như sau:
Mặt hàng thóc, gạo: Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000 - 6.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 7.500 - 8.500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000 - 13.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lúa dao động khoảng 5.000 - 5.600 đồng/kg (tăng khoảng 350 - 450 đồng/kg so với tháng 9/2015); giá gạo thành phẩm xuất khẩu tháng 10/2015 tăng so với tháng 9/2015, cụ thể: loại 5% tấm giá trong khoảng 7.200 -7.450 đồng/kg (tăng khoảng 100 - 300 đồng/kg); loại 25% tấm giá ở mức 6.750 -7.000 (tăng khoảng 50 - 150 đồng/kg).
Giá thực phẩm tươi sống tháng 10/2015 tương đối ổn định so với tháng 9/2015, riêng giá rau củ quả biến động trái chiều ở hai miền Bắc và miền Nam. Cụ thể: Thịt lợn hơi: Tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 44.000 - 46.000 đồng/kg; tại Miền Nam, giá phổ biến khoảng 42.000 - 44.000 đồng/kg. Thịt bò thăn giá phổ biến khoảng 250.000 - 265.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg; Tại miền Nam, giá phổ biến khoảng 110.000 - 115.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản: Cá chép phổ biến 75.000 - 85.000 đồng/kg; tôm sú phổ biến 182.000 - 185.000 đồng/kg; cá quả phổ biến 115.000 -125.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau, củ, quả: Tại miền Bắc giảm khoảng 10 - 15%, do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, các loại rau xanh vụ Đông bắt đầu vào vụ; Ngược lại, tại các tỉnh phía Nam, giá rau xanh tăng khoảng 15 - 25%, do mưa nhiều nên sản lượng giảm tác động làm giá rau xanh tăng. Cụ thể như sau: Bắp cải giá phổ biến 12.000 - 16.000 đồng/kg; khoai tây phổ biến 17.000 - 20.000 đồng/kg; cà chua phổ biến 18.000 - 22.000 đồng/kg.
Giá phân urê trong nước ổn định so với tháng 9/2015, cụ thể: Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 8.150 - 8.300 đồng/kg; Tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.800 - 8.400 đồng/kg.
Giá bán lẻ đường tại thị trường trong nước tháng 10/2015 ổn định so với tháng 9/2015, phổ biến ở mức 17.000 - 19.000 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi: Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều giảm so với tháng trước, mức giảm từ 08 - 7,5%, riêng bột cá tăng 1,8% so với tháng trước. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm dẫn tới thức ăn thành phẩm giảm. Cụ thể: Giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt phổ biến khoảng 9.890 đồng/kg (giảm 120 đồng/kg); giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt phổ biến khoảng 8.650 đồng/kg (giảm 230 đồng/kg).
Giá muối phía Bắc và tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ổn định, cụ thể: miền Bắc từ 1.200 - 2.500 đồng/kg; Nam Trung Bộ: muối thủ công từ 300 - 950 đồng/kg, muối công nghiệp từ 500 - 900 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long từ 600 - 1.000 đồng/kg.
Giá xi măng: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 10/2015 vẫn giữ ổn định so với tháng 9/2015; cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 - 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 - 1.850.000 đồng/tấn.
Giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường tháng 10/2015 tại một số tỉnh miền Bắc giảm khoảng 100 - 200 đồng/kg so với tháng 9/2015. Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động phổ biến ở mức 12.800 - 14.100 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động phổ biến ở mức 12.900 - 14.200 đồng/kg.
Giá LPG: Do giá CP trên thế giới tăng (32,5 USD/tấn), các doanh nghiệp kinh doanh LPG trong nước đã điều chỉnh tăng giá từ 833 - 858 đồng/kg, tương ứng với mức tăng khoảng 10.000 - 10.296 đồng/bình 12kg (đã có VAT) tùy từng doanh nghiệp và từng địa điểm bán hàng; thời gian thực hiện từ 01/10/2015. Cụ thể giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng như sau: Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 275.000 - 277.000 đồng/bình 12kg tùy từng khu vực, công ty (tăng khoảng 10.000 đồng/bình 12kg); Khu vực Hà Nội khoảng 266.000 -299.000 đồng/bình 12 kg tùy từng doanh nghiệp (tăng khoảng 10.000 đồng/bình 12kg).
Giá xăng, dầu: Trong tháng 10/2015, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới biến động giảm, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Công Thương đã có văn bản về điều hành kinh doanh xăng dầu trong 2 đợt: ngày 3/10/2015 (Công văn 10225/BCT-TTTN) giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG và ngày 19/10/2015 (Công văn số 10755/BCT-TTTN), trích lập quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng khoáng là 200 đồng, giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu khác. Hiện giá các mặt hàng xăng dầu cụ thể như sau: xăng RON 95: 18.700 đồng/lít; xăng RON 92: 18.000 đồng/lít; xăng E5 17.610 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S: 13.940 đồng/lít; dầu hỏa: 13.000 đồng/lít; dầu madút 3,5S: 9.880 đồng/kg.
Giá vàng: Trong tháng 10/2015, giá vàng trong nước diễn biến phù hợp xu thế giá thế giới: nửa đầu tháng 10/2015 giá vàng tăng; nửa cuối tháng giá giảm trở lại. Cụ thể: Ngày 01/10/2015, giá vàng SJC (mua vào - bán ra) ở mức 33,60 - 33,86 triệu đồng/lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hà Nội ở mức 33,60 - 33,85 triệu đồng/lượng. Đến ngày 15/10/2015, giá giảm 0,88 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 0,34 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với ngày 01/10/2015, ở mức 33,94 -34,2 triệu đồng/lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh và 33,94 - 34,19 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.
Từ sau ngày 15/10/2015 trở về cuối tháng, giá vàng liên tục giảm, giá giảm thấp nhất vào ngày 30/10/2015 và sang đến ngày 31/10/2015 mức giá vẫn giữ nguyên, giá giao dịch mua vào - bán ra ở ngưỡng 33,55 - 33,81 triệu đồng/lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hà Nội giá ở ngưỡng 33,55 - 33,8 triệu đồng/lượng; mức giá giảm 0,39 triệu đồng/lượng so với ngày 15/10/2015.
Giá Đô la Mỹ: Trong tháng 10/2015, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng của đồng Việt Nam so với Đôla Mỹ ổn định ở mức 21.890 đồng/USD. Tại Ngân hàng thương mại, tỷ giá Đôla Mỹ đầu tháng được niêm yết ở mức 22.445 - 22.505 đồng/USD (mua vào - bán ra); đến cuối tháng, tỷ giá giảm 165 đồng/USD chiều mua vào và 145 đồng/USD chiều bán ra so với đầu tháng ở mức 22.280 -22.360 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá Đôla Mỹ giao dịch bình quân trong tháng ở mức 22.354 - 22.386 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát thị trường, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó điều hành tỷ giá, lãi suất, điều tiết lượng cung tiền hợp lý phù hợp với diễn biên kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tỷ giá hạch toán ngoại tệ giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 11/2015 được Kho bạc Nhà nước công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.890 đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)