Gia cảnh kiệt quệ của cậu bé phải 2 lần ghép hộp sọ
Nằm một chỗ sau một lần ngã
Đó là hoàn cảnh của cháu Lê Đức Thắng (ở số nhà 25, ngõ 252/59 phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội). Khi chúng tôi tìm đến nhà, Thắng đang nằm ngơ ngác trên chiếc giường kê gần cửa. Chốc chốc thấy cháu nhăn mặt vì những cơn đau đầu, mẹ cháu lại đưa tay xoa đầu con. Chị TrầnThị Bình – mẹ Thắng cho biết, khi đang học lớp 8C Trường THCS Quang Trung, ngày 27/12/2013, trong giờ giải lao, Thắng đùa nghịch cùng các bạn thì không may sảy chân bị ngã. Thắng được thầy cô chuyển thẳng vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, Thắng bị chấn thương sọ não, kèm máu tụ màng cứng thái dương, cần tiến hành phẫu thuật ngay để giữ mạng sống. Vì nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt nên chi phí mỗi ngày lên đến 10 triệu đồng.
Để có tiền lo chữa chạy cho Thắng, gia đình đã phải đi vay nóng khắp nơi. Trước hoàn cảnh của gia đình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa, bà con lối xóm đã vận động, quyên góp để giúp Thắng có thêm tiền phẫu thuật. Tổng chi phí lần phẫu thuật này cũng ngót nghét hơn một trăm triệu đồng. Nằm ở Bệnh viện Việt Đức nửa tháng, Thắng được chuyển sang Bệnh viện Xanh Pôn điều trị.
“Trong nửa tháng nằm ở Bệnh viện Việt Đức, Thắng vẫn mê man, bất tỉnh. Chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, Thắng dần dần tỉnh lại nhưng chỉ nằm như người vô hồn. Khi đó các bác sĩ đã khuyên nên đưa cháu về nhà, lúc ấy tưởng rằng vợ chồng đã mất con. Nhưng rồi vợ chồng tôi vẫn hàng ngày thay nhau chăm sóc những mong con có thể hồi dần. Sau hơn 8 tháng nằm bất động con mới ú ớ trở lại”, chị Bình nghẹn lời trong nước mắt.
Mới đây, Thắng phải nhập viện trở lại để tiến hành ghép hộp sọ lần hai. Bác sĩ cho biết, Thắng bị ảnh hưởng thần kinh, liệt nửa người. Kể từ ngày Thắng bị tai nạn, trong căn nhà ấy người ta không còn nghe thấy tiếng cười đùa, họa chăng cũng chỉ là âm thanh rên rỉ của cậu con trai và những tiếng thở dài đến não lòng của bậc sinh thành. Từ một cậu bé nhanh nhẹn, giờ đây Thắng không thể tự di chuyển, từ chuyện ăn, uống, vệ sinh cá nhân hàng ngày đều phải có sự phụ giúp của người thân.
Không chỉ vậy, thần kinh của Thắng cũng không còn ổn định. Nhiều khi mẹ đang cho ăn, Thắng liền kêu gào, túm tóc đánh. Những hôm trở trời, cơn đau hành hạ Thắng, nước mắt chị Bình cứ chảy ra. Đêm xuống chị không sao ngủ nổi, cứ nhắm mắt là nghe con rên vì đau.
Nhìn con trai, chị Bình lau nước mắt nói: “Nó là đứa con ngoan hiền, biết nghe lời, thường ngày rất năng động, bây giờ thì nằm một chỗ chẳng biết gì, cứ ngây ngô. Đến nói với con cái gì cũng phải lựa, nếu không đúng ý là con lên cơn đánh cả mẹ… Giá mà tôi có thể gánh nỗi đau này thay con tôi cũng cam chịu”. Nhìn chị cẩn thận vệ sinh cá nhân, xoa bóp tay chân rồi vỗ về con mới thấy nỗi đau của chị khi cậu con trai duy nhất bỗng dưng nằm một chỗ.
Bốn người tá túc trong căn nhà 10m2
Trước đây, chị Bình làm tạp vụ, còn anh Lê Quốc Tuấn – chồng chị sửa chữa vặt ở nhà. Công việc của anh chị vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chắt chiu tằn tiện lắm mới đủ nuôi sống 4 miệng ăn trong gia đình. Nhưng đó là chuyện của ngày trước. Từ ngày Thắng bị tai nạn, gia đình vốn đã khó khăn càng lâm vào cảnh kiệt quệ.
Chị Bình phải nghỉ việc ở nhà để chăm con. Mọi thu nhập chỉ trông vào số tiền anh Tuấn kiếm được từ nghề sửa chữa vặt. Em gái Thắng cũng mất một năm nghỉ học, phần vì không có tiền đi học, phần vì ở nhà phụ mẹ chăm anh.
Xót xa hơn, cả gia đình đang sống trong căn nhà cấp 4, diện tích 10m2 mà cũng lồi lõm chứ không được vuông vức. Căn nhà chỉ kê được duy nhất một chiếc giường. Trên chiếc giường ấy, đứa con trai anh chị hết mực yêu thương và kỳ vọng đang nằm bất động. 10m2 này không chỉ là nơi sinh hoạt của cả gia đình, mà còn là “tiệm” sửa chữa của anh Tuấn. Đến đây, nhiều người không khỏi giật mình bởi dù là ban ngày nhưng trong nhà luôn tối om, ẩm thấp. Không gian chật hẹp, đi ra, đi vào đều chạm mặt nhau, nếu không để ý có thể va phải các vật dụng để trên nền nhà dù đã được chị Bình thu vén gọn gàng.
Theo các bác sĩ, sau phẫu thuật ghép hộp sọ lần hai, để sinh hoạt lại bình thường thì Thắng cần phải tiến hành tập vật lý trị liệu nếu không có thể lại nằm liệt. Nói đến điều này, chị Bình không giấu nổi nỗi lo lắng. Cả tháng chăm chỉ làm việc, anh Tuấn cũng chỉ kiếm đủ tiền thuốc thang cho con vì thường xuyên không có việc làm, chứ nói đến chuyện tích cóp tiền để cho con đi phục hồi chức năng thì càng không thể.
Nhà quá khó khăn, để theo đuổi việc chữa trị cho con, vợ chồng chị Bình đã phải dốc hết số tiền từng ngày chắt chiu, vay mượn thêm họ hàng, làng xóm. Số nợ của gia đình đã lên tới gần 200 triệu đồng, trong đó có vay người thân và cả vay nặng lãi mà không biết đến khi nào trả nổi. Hàng tháng, riêng chi phí thuốc men cho Thắng cũng mất gần 5 triệu đồng, dù đã giảm nhiều so với trước.
“Gia đình tôi không còn gì nữa rồi, con nằm một chỗ, công việc không ổn định, tài sản không có gì, anh em bà con ai cũng nghèo nên chẳng biết kiếm đâu ra tiền mà chữa trị cho con… Những đồ bán được tôi đã bán, quen ai có của, tôi cũng đã vay hết rồi. Bệnh con thì còn phải điều trị lâu dài, còn tốn kém nhiều nữa…”, chị Bình nghẹn ngào nói.
Một người hàng xóm của gia đình chị Bình cho biết: “Bố mẹ Thắng làm việc tự do, thu nhập không ổn định. Lần đầu phẫu thuật khi mới tai nạn cũng may có số tiền do anh em, họ hàng giúp đỡ. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Chúng tôi là hàng xóm cũng thường cố gắng tạo điều kiện cho gia đình cháu”.
Hơn lúc nào hết, gia đình cháu Thắng cần lắm những tấm lòng của mạnh thường quân xa gần để gia đình vơi bớt phần nào khó khăn trong lúc hoạn nạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo