Tin tức - Sự kiện

Giá đất đô thị cao nhất 162 triệu đồng/m2

Đề xuất điều chỉnh khung giá đất sẽ không ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản như nhiều người lo ngại.

Giá đất ở cao nhất áp dụng tại đô thị loại đặc biệt sẽ là 162 triệu đồng/m2 (theo quy định hiện hành là 67,5 triệu đồng/m2). Tại nông thôn, giá đất ở cao nhất là 29 triệu đồng/m2 (hiện nay chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/m2). Với các loại đất nông nghiệp, mức giá cao nhất chỉ tăng khoảng hai lần, không tăng nhiều như đất ở. đó là nội dung dự thảo nghị định về khung giá đất do Bộ TN&MT trình Chính phủ.

Tăng để sát giá thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, khung giá đất hiện nay đã tồn tại quá lâu (Nghị định 188/2004 - PV) mà không có sự điều chỉnh. Do phải căn cứ theo khung giá đất này nên bảng giá đất của các địa phương ban hành hằng năm trong thời gian qua trở nên rất lạc hậu so với thị trường.

Đơn cử, lâu nay giá đất cao nhất trong bảng giá đất hằng năm ở TP.HCM và Hà Nội chỉ ở mức 81 triệu đồng/m2 (đã điều chỉnh tăng 20% so với quy định - PV). Trong khi trên thực tế, có thời điểm giá thị trường của những khu đất vàng gần Hồ Gươm (Hà Nội) hay đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) lên tới khoảng 1 tỉ đồng/m2. Chính vì thế, việc xác định lại khung giá đất cho sát thực tế hơn là cần thiết.

Đường Đồng Khởi là tuyến đường có giá đất cao nhất ở TP.HCM. Ảnh: HTD

 

 

 

Theo ông Hiển, nếu khung giá đất mới được Chính phủ thông qua, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để ban hành bảng giá đất mới của mình. Bảng giá đất này chủ yếu được dùng để tính nghĩa vụ của người dân với Nhà nước như nộp thuế, phí. Cụ thể là tính tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân; tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

“Về nguyên tắc, khung giá đất, bảng giá đất phải phù hợp với giá thị trường. Nếu bảng giá đất của địa phương ban hành thấp hơn giá thị trường, địa phương phải điều chỉnh tăng theo khung giá đất mới” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhấn mạnh.

Tăng thuế, phí

Ông Võ cho rằng việc tăng giá đất lần này có tác động chủ yếu tới người dân có đất ở đô thị, không ảnh hưởng nhiều đến người dân ở khu vực nông thôn và miền núi.

“Ở ta, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong đó đất ở hiện quá thấp, chỉ có 0,03% theo bảng giá đất, trong khi ở nước ngoài là 1% giá đất trên thị trường. Nếu địa phương tăng bảng giá đất theo khung mới lên gấp đôi, mức thuế này cũng tăng lên gấp đôi nhưng vẫn còn là quá thấp. Cụ thể, với quy định hiện nay, nếu sử dụng 100 m2 đất tại những khu đất vàng của Hà Nội thì chỉ phải nộp 1 triệu đồng tiền thuế/năm. Nếu có tăng gấp đôi thì cũng chỉ 2 triệu đồng/năm” - ông Võ phân tích.

Theo ông Võ, vì thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thấp như vậy nên người có đất sử dụng hay giữ đất như thế nào cũng được. Điều này dẫn tới tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không hiệu quả. Do vậy, tăng khung giá đất là giải pháp tốt để quản lý đất đai hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm tăng nguồn thu cho Nhà nước.

Đối với thị trường bất động sản, ông Phan Văn Thọ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Tổng cục Quản lý đất đai, đánh giá: Việc điều chỉnh khung giá đất sẽ không tác động lớn đến thị trường bất động sản như nhiều người lo ngại. Lý do là phạm vi áp dụng hẹp, chủ yếu liên quan đến nghĩa vụ tài chính của người dân với Nhà nước như đã nói ở trên.

Địa phương nào vẫn lấy bảng giá đất để áp bồi thường cho người dân bị thu hồi đất là không đúng. Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ những trường hợp phải thẩm định giá cụ thể. Nếu ai đó cứ căn cứ bảng giá đất để tính tiền bồi thường thì người dân bị thu hồi đất có quyền kiện ra tòa.

GS ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo