Giá điện thấp "đẻ" ra tiêu cực(!?)
“Thị trường điện Việt Nam phát triển nửa vời, gía bán lẻ điện thấp sẽ dễ phát sinh tiêu cực..."
Nhận định của ông T.Kirkeby Garstad – Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á Tập đoàn SN Power (Na Uy) tại hội thảo về cải cách thị trường điện tại Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức ngày 19/3 đã khiến không ít chuyên gia, giới phân tích bất ngờ.
Vị này nhận xét, hiện Việt Nam có mục tiêu rất lớn, tăng gấp 3 lần công suất vào 2020 là thách thức rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu điện quốc gia tăng trưởng 15%/năm, Chính phủ Việt Nam cần suy nghĩ hai điểm, trước tiên phải có cơ cấu kinh tế bền vững để chi phí và doanh thu hài hòa với nhau. Thứ hai là đảm bảo công suất, vận hành phù hợp với nhau và khách hàng đủ trả tiền điện.
“Thị trường điện của Việt Nam hiện nay phát triển theo kiểu nửa vời, mục tiêu đề ra xa quá như vậy rất nguy hiểm. Nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Làm sao đẩy nhanh thị trường điện cạnh tranh chứ không kéo dài 10 năm nữa”- ông Garber thẳng thắn.
Cắt nghĩa rõ hơn, ông Garstad nhấn mạnh, thị trường bán buôn cạnh tranh mà Việt Nam đang theo đuổi chưa phải thị trường hoàn hảo, vì theo nguyên tắc thị trường là phải thuận mua vừa bán, nên cần phải để thị trường tự vận hành.
Thêm vào đó, giá điện tại thị trường Việt Nam quá thấp sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực, nên khó có thị trường bán lẻ - bán buôn cạnh tranh. Nếu người sử dụng chịu giá cao hơn thì sẽ có ý thức tiết kiệm điện tốt hơn và cách hành xử tốt hơn.
“Lộ trình mà Việt Nam với 3 giai đoạn để hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là khá phù hợp, nhưng Việt Nam cần phải xác định đang ở chỗ nào cụ thể trong từng giai đoạn của lộ trình. Bước đầu tiên thành công sẽ là “bước đệm” để giai đoạn sau phát triển thuận lợi hơn” – ông nói.
Không thể nhảy cóc
Không ngạc nhiên với cách nói dễ gây mất lòng từ phía nhà đầu tư Na Uy, ông Đinh Thế Phúc – Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, về thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Việt Nam đang là nước đang phát triển, việc triển khai thị trường bán buôn rất phức tạp.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 26 và 63 về phát triển thị trường điện cạnh tranh từ đơn giản đến phức tạp. Giai đoạn 2015-2017 sẽ thực hiện thí điểm mô hình bán buôn cạnh tranh. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thành lập 3 tổng công ty phát điện, đã hạch toán độc lập chi phí phát điện trong khâu sản xuất điện nhằm tách bạch chi phí, không để “trộn lẫn” các loại chi phí sản xuất như trước đây EVN đã làm để tăng cường tính cạnh tranh của thị trường phát điện.
“Thị trường điện bán lẻ cạnh tranh của Na Uy (còn gọi là Nordpool) đã quá tiên tiến nên họ nhìn thị trường điện Việt Nam với con mắt của những “người đã trưởng thành” thì rất khó. Dưới góc nhìn của các chuyên gia Na Uy thì có thể thị trường điện Việt Nam mới đang chập chững ban đầu, chúng ta phải đi từng bước chứ không thể nhảy cóc được vì thiếu nhiều điều kiện cần thiết” – ông Phúc khẳng định.
Điều kiện thiếu mà Cục Phó Cục Điều tiết Điện lực đưa ra, cụ thể là cơ sở hạ tầng của Việt Nam quá thiếu và yếu, con người và công nghệ nhà máy điện… khó đáp ứng đòi hỏi cao ngay được.
“Ngay như việc triển khai thị trường bán điện cạnh tranh thì cũng phải mất 1 năm sau các nhà máy mới quen được với nhịp điệu thị trường, vận hành cạnh tranh mức cao như của Na Uy thì Việt Nam phải tiến từ từ từng bước”- ông Phúc nhấn mạnh.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Cột tin quảng cáo