Tin tức - Sự kiện

Giá thuốc ở Việt Nam không cao (!?)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế

* Phóng viên: Thưa ông, Cục Quản lý dược có nắm được việc một số công ty như Zuellig Pharma, Alcon Pharmaceuticals… đã thông báo điều chỉnh giá một số mặt hàng dược phẩm?

 

- Ông Nguyễn Thành Lâm: Trong thời gian qua, một số mặt hàng thuốc do Công ty Dược phẩm Pfizer và Công ty Alcon Pharmaceuticals sản xuất cung ứng vào thị trường Việt Nam như Amlor cap 5 mg, Dalacin C 300 mg, Medrol 4 mg và 16 mg, Protolog, Zitromax, Maxidex, Maxitrol, Qinax Drop… đã thực hiện việc kê khai lại giá thuốc trước khi điều chỉnh giá.
 
Giá kê khai lại đã được Tổ Công tác liên ngành về giá thuốc của liên bộ Y tế - Tài chính xem xét theo quy định hiện hành. Đây đều là các mặt hàng thuốc nhập khẩu, được kê khai giá từ các năm 2008-2009 với tỉ giá ngoại tệ áp dụng là 16.980 đồng - 17.482 đồng/USD, trong khi tỉ giá hiện tại ở mức gần 21.000 đồng/USD nên các doanh nghiệp đã đề nghị điều chỉnh giá bán với tỉ lệ dưới 10%. Đề nghị này đã được cơ quan quản lý chấp thuận vì theo giá bán cũ thì các doanh nghiệp đang bị lỗ.
 

* Có thông tin giá thuốc tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng đặc trị và nhập khẩu, đang được bán không đúng với giá trị thực?

 

- Trong hai tháng 5 và 6 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác liên ngành nhằm nghiên cứu, khảo sát mô hình quản lý giá, đấu thầu và khảo sát giá thuốc tại Thái Lan và Trung Quốc.

 

Kết quả, Trung Quốc có 23/36 mặt hàng khảo sát cùng tên thương mại, cùng hoạt chất, cùng nồng độ và hàm lượng có giá trúng thầu cao hơn Việt Nam với tỉ lệ trung bình 2,25 lần. Mặt hàng có giá chênh lệch thấp nhất là 1,03 lần và  cao nhất là 4,64 lần. Tại Thái Lan, 25/36 mặt hàng khảo sát có giá cao hơn Việt Nam với tỉ lệ trung bình 3,17 lần. Mặt hàng có giá chênh lệch thấp nhất là 1,64 lần và cao nhất là 6,64 lần.

 

Điều này cho thấy nhiều loại thuốc đặc trị tại thị trường Việt Nam có giá cung ứng cho bệnh nhân thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc. Như vậy, thông tin cho rằng giá thuốc tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng đặc trị, nhập khẩu đang được bán không đúng với giá trị thực là không có căn cứ.

 

* Thế nhưng, dư luận lại cho rằng thuốc là một trong những mặt hàng có nhiều biến động trong thời gian qua?

 

- Theo số liệu khảo sát và thống kê hằng tháng của Tổng cục Thống kê và báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường dược phẩm cơ bản được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị, không để xảy ra tăng giá đồng loạt, đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2012 đối với nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế là 2,08%, đứng thứ 9 trong tổng số 11 nhóm hàng trọng yếu và thấp hơn so với chỉ số tăng giá chung (CPI) là 2,52%.

 

* Có nhiều ý kiến cho rằng Thông tư liên tịch số 50 ngày 30/12/2011 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về quản lý giá thuốc chỉ là “bình cũ rượu mới”?

 

- Thông tư nói trên đã bổ sung, sửa đổi một số nội dung còn bất cập của Thông tư liên tịch số 11 ngày 31/8/2007. Cụ thể là bổ sung đối tượng phải thực hiện kê khai giá như cơ sở gia công, cơ sở ủy thác nhập khẩu vì đây là đối tượng quyết định giá bán. Ngoài ra, thông tư này cũng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và làm rõ việc phân công trách nhiệm các bộ, ngành trong việc khảo sát thông tin giá CIF tại các nước trên thế giới; sửa đổi biện pháp quản lý Nhà nước khi các đơn vị vi phạm kê khai, kê khai lại giá thuốc…

 

Tôi cho rằng Thông tư liên tịch số 50 sẽ tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn trong công tác quản lý giá thuốc.

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo