Giá xăng còn “tăng nhanh, giảm chậm”?
Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành. Người dân băn khoăn liệu có khắc phục tình trạng giá xăng “tăng nhanh, giảm chậm”, thiếu minh bạch trong cơ cấu giá?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thế Ruệ - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu - phân tích:
- Theo quy định của nghị định 84/2009 hiện đang áp dụng, doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá nếu giá cơ sở (gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức...) tăng đến 7%.
Nếu giữ mức này, mỗi lần tăng giá doanh nghiệp được tăng tới khoảng 1.500 đồng/lit. Như vậy có thể tạo cú sốc cho nền kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận nguyên tắc thị trường với xăng dầu, lên xuống theo xu hướng giá thế giới, doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, do xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, Nhà nước quản lý, nên chúng tôi đề xuất cho doanh nghiệp quyền tự điều chỉnh tăng nếu giá cơ sở tăng đến 3%. Mức này là phù hợp bởi như vậy, mỗi lần tăng sẽ chỉ khoảng 500-600 đồng/lít.
Việc tăng giá mạnh sẽ cơ bản không còn. Nghị định mới có nêu nếu giá cơ sở tăng từ trên 3-7% doanh nghiệp phải xin ý kiến liên bộ Tài chính - Công thương.
Nhưng tôi cho rằng nếu điều hành tốt, đúng theo thị trường, giá trong nước sẽ chỉ tăng mỗi lần từ 300-400 đồng/lít như thời gian gần đây, ít khi phải tăng đến 7%, trừ trường hợp thế giới có chiến tranh hoặc cú sốc lớn khiến giá dầu tăng vọt.
* Với quy định mới này, theo ông sắp tới có hạn chế được tình trạng xăng tăng nhanh giảm chậm không?
- Trước đây, điều người dân bức xúc là giá thế giới tăng trong nước tăng, giá thế giới giảm thì trong nước “chờ mãi không thấy”. Thậm chí có thời điểm giá thế giới đang giảm thì ta phải điều chỉnh tăng.
Có lý do nghị định 84/2009 quy định thời gian tính giá cơ sở (làm căn cứ điều chỉnh giá) phải theo bình quân 30 ngày. Tức là có độ trễ rất lớn.
Trong nghị định mới, thời gian tính giá cơ sở chỉ là bình quân 15 ngày. Điều này giúp giá trong nước sẽ bám sát hơn giá thế giới. Thời gian giữa hai lần tăng giá tối thiểu phải 15 ngày.
Như vậy có nghĩa dù giá cơ sở có tăng đến 3% nhưng cứ phải sau 15 ngày doanh nghiệp mới được tự tăng giá thêm. Người dân sẽ được lợi là thời gian giữa hai lần giá tăng được tăng thêm năm ngày.
Theo nghị định mới, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng sẽ được trích, sử dụng rõ ràng, đúng tính chất bình ổn hơn. Quỹ này là người dân đóng góp, nó là một trong các nhân tố hình thành nên giá cơ sở.
Hiện tại quỹ xả bất cứ khi nào cơ quan chức năng có quyết định hành chính, hoặc trích lập thường xuyên.
Tới đây, nếu giá tăng đến 3% thì không xả. Chỉ xem xét xả khi giá tăng từ trên 3-7%. Việc trích quỹ cũng chỉ có thời hạn thôi.
* Cơ chế giảm giá thế nào, liệu còn tình trạng tăng chiết khấu đại lý thay vì giảm giá cho người tiêu dùng?
- Nghị định mới quy định rõ nếu giá cơ sở giảm đến 3% thì bắt buộc phải giảm giá, rất rõ, chứ không chỉ tăng. Thời gian qua, có doanh nghiệp muốn tăng chiết khấu đại lý để tăng thị phần.
Tuy nhiên, nó chỉ là nhất thời. Không doanh nghiệp nào chịu được mãi, cho nhiều quá thì lỗ. Với cơ chế mới, thị trường sẽ thúc đẩy họ phải cạnh tranh giảm chi phí.
* Dù quy định mới có những điểm “thân thiện” hơn với người tiêu dùng, nhưng thực tế việc tăng, giảm có minh bạch hay không còn phụ rất lớn vào điều hành của liên bộ?
- Đúng vậy. Ngay nghị định 84/2009 đã quy định doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh, hay thuế ổn định nhưng thực tế lại khác. Bây giờ nghị định mới đã có rồi, nhưng thực hiện vẫn phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện và điều hành thực tế. Nghị định mới sẽ cần thông tư hướng dẫn.
Theo tôi, tới đây liên bộ Tài chính - Công thương cần một thông tư liên tịch, tránh tình trạng như nghị định 84/2009, hai bộ mỗi bộ có một thông tư riêng, trong đó có những điểm còn mâu thuẫn nhau.
Thông tư thì chỗ nào nghị định chưa nói rõ phải nói rõ ra, tránh hai cách hiểu. Ví dụ như thuế. Thông tư cần quy định rõ thuế nhập khẩu xăng dầu ổn định là bao lâu.
Chứ nếu giá thế giới giảm, Bộ Tài chính quyết tăng thuế thì coi như mất cơ hội giảm giá cho dân. Tôi cho rằng thuế nhập khẩu xăng dầu phải ổn định ít nhất trong sáu tháng.
* Quỹ bình ổn theo ông để ở doanh nghiệp có ổn không, nên quy định thế nào để dân không bị thiệt?
- Nguyên tắc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn cần hướng dẫn một cách minh bạch. Nếu để ở kho bạc theo tôi không ổn, vì đây không phải tiền ngân sách, cần sử dụng linh hoạt. Để ở doanh nghiệp thì họ sẽ nắm được cụ thể còn bao nhiêu, có thể trích, xả thế nào để kiến nghị.
Tuy nhiên, tiền trong quỹ bình ổn cần quy định rõ phải sử dụng như một quỹ tài chính. Nghĩa là tiền lãi có được cũng phải tính gộp vào quỹ... Quỹ bình ổn chỉ nên dùng khi tăng đột biến thôi, cũng không nên bắt trích quỹ thường xuyên, vì trích quỹ bao nhiêu đều được tính vào giá bán.
* Theo ông, nghị định mới đã thúc đẩy cạnh tranh đến đâu và cần làm gì để thúc đẩy cạnh tranh?
- Nghị định mới quy định sẽ có thêm thương nhân phân phối, cho phép thương nhân này có thể mua xăng dầu từ các đầu mối khác nhau. Như vậy có nghĩa các đầu mối sẽ phải cạnh tranh với nhau để bán cho thương nhân phân phối. Và thương nhân phân phối cũng có thể cạnh tranh lại với chính đầu mối.
Chẳng hạn họ mua của đầu mối A giá 26.000 đồng/lít, mua được đầu mối B 25.000 đồng/lít, thì họ có thể chỉ bán với giá 25.500 đồng/lít. Thúc đẩy thương nhân này sẽ có lợi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, theo tôi, thông tư hướng dẫn cần quy định rõ một số điểm để thúc đẩy cạnh tranh. Ví dụ doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá đến 3% thì phải quy định rõ, tăng 3% so với giá nào. Nên so với giá cơ sở.
Giá cơ sở cần theo phương án để cho mỗi doanh nghiệp có thể có một giá khác, vì có doanh nghiệp mua được thời điểm giá thấp, có doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm được chi phí... Thúc đẩy doanh nghiệp có giá khác nhau sẽ thúc đẩy cạnh tranh.
Chứ nếu tất cả một giá cơ sở, rồi tăng giảm theo giá đó không hẳn tốt. Tóm lại, từ nay đến ngày 1-11-2014 khi nghị định mới có hiệu lực, cần có thông tư ngay.
Cần tránh có nghị định mà cả năm sau không có thông tư hướng dẫn, thậm chí có nghị định không có hướng dẫn, hay khi ra thông tư thì quy định đã lạc hậu...Ông Phan Thế Ruệ
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn):Giá bán ở từng cây xăng có thể khác nhauĐiểm khác biệt lớn nhất ở nghị định mới về kinh doanh xăng dầu nằm ở tư cách thương nhân phân phối. Nếu như trước đây, các tổng đại lý chỉ được nhập xăng của duy nhất một doanh nghiệp đầu mối thì giờ đây họ có thể mua được từ nhiều đầu mối.Điều này trước hết tốt cho họ, bởi thương nhân phân phối có hệ thống phân phối lớn, mạng lưới khách hàng rộng.Nếu theo quy chế 1:1 (một tổng đại lý chỉ quan hệ với một doanh nghiệp đầu mối) như hiện nay sẽ rủi ro rất lớn cho tổng đại lý. Nếu đầu mối không kịp giao hàng, tổng đại lý gặp khó.Việc nhập từ nhiều đầu mối có thể sẽ có các mức giá khác nhau, dẫn tới cạnh tranh và trong tương lai có thể giá bán ở các cây xăng trong các hệ thống khác nhau sẽ khác nhau. Người tiêu dùng khi đó sẽ có thể lựa chọn cây xăng nào có lợi cho mình hơn.Ở chiều ngược lại, khi bắt đầu cạnh tranh như vậy, người bán sẽ chú trọng nhiều hơn tới chất lượng phục vụ như ở các mặt hàng khác, phải nhắm tới khách hàng để kéo họ về mua cho mình. Điều này có lợi cho người tiêu dùng.
Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo