Tin tức - Sự kiện

Giải bài toán nguồn nhân lực của người Việt

Theo ông Vũ Khoan, giải pháp để thu hút hiền tài là thay đổi về chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để hiền tài sử dụng đúng chỗ.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan

 

Đánh giá về nguồn nhân lực của nước ta hiện nay, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: "Đối với cả nhân loại cũng như với mỗi quốc gia muốn phát triển thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông cha ta thường gọi nguồn nhân lực chất lượng cao là hiền tài. Đó là gồm những người không chỉ có tài năng mà phải có đức độ như “nguyên khí của quốc gia”.

 

Tuy nhiên, hiền tài ở nước ta hiện nay không phải là hiếm nhưng sự đóng góp của họ cho đất nước còn khiêm tốn dẫn đến nhìn tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

 

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan, Trung Quốc.

 

Năng suất lao động được đánh giá dựa vào chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đánh giá chung của Tổ chức Lao động thế giới, những yếu tố này của Việt Nam còn yếu nên nhìn chung năng suất lao động của nước thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực...".

 

Trao đổi về vấn đề đãi ngộ của Đảng và Nhà nước để thu hút nhân tài, giữ chân những người giỏi ở lại nước, tuy nhiên số lượng người ở lại hay quay trở về đất nước còn rất khiêm tốn, Phó Thủ Tướng bày tỏ quan điểm: "Nói là Đảng, Nhà nước chưa có chính sách gì để thu hút, đãi ngộ người hiền tài là không đúng.

 

 Các chính sách, chế độ được đưa ra đều đã có nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và rõ ràng. Nhiều giải pháp được đưa ra như một khẩu hiệu tuyên truyền nhưng thực hiện còn ít và chưa đúng mức...".

 

Phó Thủ tướng khẳng định đất nước muốn có nhiều hiền tài thì phải biết phát hiện, sử dụng và phát huy năng lực, đãi ngộ họ một cách thỏa đáng.

 

"Theo tôi, giải pháp bứt phá để thu hút hiền tài là chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ về chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để mỗi hiền tài của đất nước được trọng dụng đúng chỗ. Như vậy, “nguyên khí của quốc gia” mới không bị lãng phí và rơi vào tay nước khác hay kẻ “mạnh” hơn" - Phó Thủ tướng nói.

 

Năng suất lao động VN bằng 1/15 Singapore

 

Trước đó, nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) – thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

 

So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan.

 

Một xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.

 

Theo một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

 

Tại một cuộc hội thảo diễn ra tháng 8/2013, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức, báo cáo của Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai.

 

Do đó, người lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong việc sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, kỷ luật của lao động Việt Nam còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo