Đời sống

Giảm phát thải của PetroVietnam đem lại hàng triệu USD

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ký kết hợp đồng đầu tiên để chuyển giao “Chứng chỉ giảm phát thải được xác nhận” mang lại nguồn thu lớn

Ông có thể cho biết các hành động cụ thể của PetroVietnam về việc thực hiện các dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) để góp phần làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ?

 

Việt Nam đã chấp thuận hơn 100 dự án CDM và trong đó có 24 dự án đã được Ban chấp hành CDM quốc tế (CDM EB) phê duyệt. Các dự án CDM ở Việt Nam thuộc về một số lĩnh vực điển hình là Sản xuất năng lượng tái tạo (thủy điện, phong điên); Xử lý chất thải/nước thải; Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; và Thu hồi và sử dụng khí phát thải từ hoạt động khai thác mỏ. Ngành Dầu khí có các hoạt động đa dạng từ đầu nguồn (khai thác dầu, khí) tới cuối nguồn (sản xuất các sản phẩm dẫn xuất từ công nghiệp chế biến, lọc hóa dầu, cung cấp năng lượng), trong đó có nhiều dự án nằm trong nhóm các lĩnh vực điển hình này.

 

Xuyên suốt mọi kế hoạch xây dựng, sản xuất, chúng tôi luôn đặt yếu tố hàng đầu là phải đảm bảo an toàn và môi trường. Khi xét tới CDM, việc đảm bảo môi trường không chỉ là việc tuân thủ các qui định về môi trường của quốc gia và quốc tế mà còn là những hoạt động chủ động đầu tư chiều sâu theo hướng giảm được phát thải so với mức phát thải thông thường được chấp thuận mà vẫn đảm bảo các mục tiêu sản suất, kinh doanh.

 

Đây là một trong những định hướng và cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất của PetroVietnam qua các thời kỳ và được nghiên cứu, đề xuất sớm từ các đơn vị thành viên nơi có hoạt động dự án và Ban An toàn-Sức khỏe-Môi trường của PetroVietnam khi đánh giá tác động môi trường của các dự án công nghiệp.

 

Điều này đã đem lại kết quả cụ thể là dự án Thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng đông đã được CDM EB phê chuẩn là dự án CDM đầu tiên của ngành Dầu Khí và của Việt Nam. Một loạt các dự án khác trong ngành cũng đã đăng ký kế hoạch phát triển CDM và đang được tích cực triển khai như các dự án Thu hồi và sử dụng khí đồng hành tại các mỏ Chim sáo, mỏ Rồng-Đồi mồi, mỏ Hải sư trắng-Tê giác trắng, mỏ Vòm bắc-Bạch hổ, các dự án Nhiệt điện khí như dự án Nhơn trạch II, các dự án Phong điện, các dự án xử lý nước thải và sử dụng khí biogas tại các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol của ngành...

 

Đó là nỗ lực và quyết tâm của các đơn vị công nghiệp chủ lực của PetroVietnam như TCT Thăm dò Khai thác (PVEP), TCT Khí (PVGas), TCT Dầu (PVOil), TCT Điện (PVPower) phối hợp cùng với các đối tác và các Nhà đầu tư. PetroVietnam cũng đã phân công TCT Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) là đầu mối phối hợp cùng các đơn vị trong ngành thực hiện việc khảo sát đánh giá tiềm năng, phát triển và quản lý các dự án CDM trong danh mục đầu tư của ngành.

 

- Theo ông, ý nghĩa sự thành công của dự án CDM Rạng Đông ?

 

Ngày 4/2/2006, dự án Thu gom và sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông đã chính thức được CDM EB phê duyệt và trở thành dự án CDM tiên phong trên thế giới thuộc loại này. Dự án này nhằm tránh đốt bỏ khí đồng hành gây phát thải khí nhà kính và tăng thêm nguồn nhiên liệu cho khu chế biến khí tại Dinh cố và khu công nghiệp Phú Mỹ.

 

Theo thiết kế, dự án giúp làm giảm khoảng 6,77 triệu tấn CO2 tương đương trong chu kỳ CDM 10 năm của dự án, từ 2001 tới 2011, và chiếm hơn 50% tổng số giảm phát thải theo thiết kế của các dự án CDM đã được phê duyệt tại Việt Nam cho đến nay. Chỉ cần bán với giá 10 USD/tấn, dự án này còn đem lại nguồn thu hàng triệu USD



Ngày 28/2/2008, dự án đã được cấp CERs đợt đầu tiên và hơn 2 triệu CERs thuộc sở hữu của PetroVietnam và PVEP theo thỏa thuận phân chia CERs của dự án. Quá trình tổ chức đấu giá bán số CERs này đã được PetroVietnam tổ chức minh bạch, nhận được sự quan tâm của nhiều Nhà đầu tư, tổ chức công nghiệp quốc tế và ngày 10/5/2010 hợp đồng đầu tiên chuyển giao một phần số CERs này đã được ký kết giữa PetroVietnam với Bên mua CERs.

 

Điều này minh chứng rằng dự án CDM Rạng Đông đã được thực hiện đúng theo thiết kế, góp phần cụ thể vào việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời PetroVietnam đã đáp ứng được những chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong thị trường Tín dụng Carbon khi thương mại hóa CERs là một loại hàng hóa mới lần đầu tiên có tại Việt Nam.



Việc bán thành công CERs của dự án CDM Rạng Đông cũng sẽ làm tăng thêm sự tin cậy của các Nhà đầu tư Tín dụng Carbon quốc tế vào các dự án CDM tại Việt Nam đồng thời củng cố niềm tin về nguồn thu trong tương lai từ CERs và có thể chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong việc thương mại hóa CERs cho các chủ dự án CDM của Việt Nam.

 

- Định hướng của ngành Dầu Khí về phát triển các dự án CDM và giảm phát thải khí nhà kính như thế nào, thưa ông ?

 

Hình thức phổ biến phát triển các dự án CDM là người mua CERs chủ động tìm đến các chủ dự án có tiềm năng CDM để đề xuất phát triển dự án và mua CERs. Thành công của dự án CDM Rạng Đông cũng như việc các đơn vị thành viên của PetroVietnam đang chủ động đánh giá và phát triển các dự án CDM mới đã chứng minh rằng các dự án CDM trong ngành Dầu khí đang phát triển về quy mô và chất lượng, phía Việt Nam chủ động phát triển danh mục đầu tư CDM và chào bán sản phấm CERs đến người mua, nhằm đạt được những hiệu quả cao hơn.

 

Trong quá trình phát triển dự án CDM Rạng Đông và các dự án CDM nói chung, PetroVietnam đã nhận được sự hợp tác rất tích cực và hiệu quả của các đối tác tham gia dự án đồng thời nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ vô cùng giá trị của Cơ quan có thẩm quyền quốc gia về CDM của Việt Nam (DNA) thuộc sự điều phối của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

PetroVietnam bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới DNA Việt Nam, tới các đối tác đầu tư và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được hợp tác để cùng PetroVietnam phát triển thành công các dự án CDM mới.

 

Từ tầm nhìn của các cấp lãnh đạo, quản lý, đến những hành động và nỗ lực của các đơn vị thành viên của PetroVietnam, các hoạt động sản xuất trong ngành Dầu khí đang được xem xét và thực hiện một cách có hệ thống trên khía cạnh giảm phát thải, phát triển các dự án CDM, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong thế kỷ XXI là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu đạt tới ngưỡng của một nền công nghiệp tăng trưởng bền vững, an toàn và phát thải ít carbon trong một tương lai gần./.

 

Bài đăng trên báo Đầu tư Chứng khoán

PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo