Tin tức - Sự kiện

Giàn khoan Hải Dương 981 vướng 'núi đá ngầm' Việt Nam

Diễn biến trên Biển Đông mấy ngày qua cho thấy, với đối sách phù hợp dựa trên nền tảng “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang vấp phải “một núi đá ngầm” trong khu vực thềm lục địa, vùng EEZ của Việt Nam. Rút lui, với Trung Quốc không phải chỉ là vấn đề thời gian mà là vấn đề như thế nào.

Khẳng định chủ quyền kiểu Trung Quốc: Khắc dấu mạn thuyền!
 
Khẳng định chủ quyền dựa trên 2 yếu tố là pháp lý và thực địa mà trong đó về mặt pháp lý có thể không ai chấp nhận nhưng quốc gia nào đó đã làm chủ thực địa thì sự khẳng định có sức nặng và thực tế cao.
 
Hoàng Sa của Việt Nam và gần đây là bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền là minh chứng cho điều đó. Họ dùng vũ lực để đánh chiếm thực đia (đảo, bãi cạn…) và xây dựng, đồn trú lâu dài trên đó mặc dù về mặt pháp lý thì không ai công nhận, đó chính là cách khẳng định theo kiểu đại Hán của Trung Quốc.
 
Như vậy điều rút ra về mặt thực địa, với Trung Quốc chỉ có thể là đánh chiếm bằng vũ lực, do đó, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc chính là hành động tấn công đánh chiếm mà ta thường gọi là xâm lược, bành trướng
 
Nếu cho rằng, mục đích của Trung Quốc khi dùng giàn khoan khủng Hải Dương 981 là đề khẳng định chủ quyền là chưa chính xác. Bãi cạn Scarborough là một thực thể tồn tại vĩnh viễn trên một vùng biển, cho nên, chiếm được nó, đưa người ra đó sinh sống lâu dài để xác định quyền sở hữu vùng biển đó, còn giàn khoan Hải Dương 981 không phải là Scarborough, nó là của Trung Quốc chế tạo và có thể được kéo đi, kéo lại, vì vậy, dùng nó để khẳng định chủ quyền thì chẳng khác nào “đánh dấu trên cát”, :khắc dấu mạn thuyền".
 
Vấn đề ở đây là Trung Quốc dùng giàn khoan khủng Hải Dương 981 để chứng minh chủ quyền theo cách cực kỳ ngang ngược, cậy mạnh: “Biển Đông là của Trung Quốc nên Trung Quốc có thể đặt giàn khoan bất cứ đâu Trung Quốc muốn”. Đây là hành động mà ngay cả chính phủ Mỹ cung đã đánh giá rất chính xác là “hành động khiêu khích rất nguy hiểm…”
 
Để bảo vệ cho ý tưởng chính trị cường quyền, ngang ngược này, tất nhiên Trung Quốc phải huy động một lực lượng lớn bao gồm tàu quân sự, dân sự, để “lấy thịt đè người” và đe dọa sử dụng vũ lực nhằm để ngăn cản việc thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam.
 
Nếu không buộc Trung Quốc phải trả giá đắt cho sự ngang ngược này là Trung Quốc đã thành công và tất nhiên, trên Biển Đông, họ sẽ tiếp tục khoan bất kỳ vị trí nào mà họ muốn hoặc hiện tại đó là điều họ đã chứng minh.
 
“Dãy núi đá ngầm Việt Nam” trên Biển Đông
 
Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là một cuộc chiến kiểu mới, không có tiếng súng, của Trung Quốc. Nhưng ngoài ra, đây cũng là hành động khiêu khích rất nguy hiểm, rất dễ châm ngòi cho một cuộc chiến cổ điển mà nếu xảy ra thì hậu họa khôn lường cho khu vực và thế giới.
 
Ban đầu, gồm 80 chiếc tàu cỡ lớn bao gồm cả tàu chiến, máy bay, ngang ngược kéo đến để bảo vệ cho giàn khoan thực hiện ý tưởng “khoan đâu cũng không sợ”, trong khi lực lượng chấp pháp Việt Nam thì như ta đã biết là ít và nhỏ.
 
Như vậy lịch sử lại được lặp lại trong cuộc đối đầu Việt Nam-Trung Quốc trên Biển Đông qua vụ giàn khoan Hải Dương 981 là: Ít địch nhiều, nhỏ chống lớn.
 
Trên khu vực giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta có thể hiểu rằng trong thời gian qua, hành động của lực lượng CSB Việt Nam đối đầu với lực lượng phi pháp Trung Quốc là theo sách lược mưu kế đã vạch ra trong nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” của Việt Nam.
 
Một số người cảm thấy lo lắng khi nghe và nhìn thấy các tàu CSB ta bị các tàu lớn của Trung Quốc ức hiếp, đâm húc, một số người sợ ta không kiềm chế sẽ mắc mưu Trung Quốc…Nhưng cho đến giờ này, ai mắc mưu ai trên Biển Đông?
 
Hải quân Việt Nam được “núi sông ban cho địa lợi”, đủ sức chặt đứt tuyến hàng hải quan trọng, “đường sinh mạng” của Trung Quốc nếu xung đột biển xảy ra
 
Hành động của CSB Việt Nam đã buộc Trung Quốc phải tự lột mặt nạ. Một Trung Quốc hung hăng, ngang ngược, bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế đã được khẳng định trong nhận thức của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
 
Hoạt động của CSB Việt Nam dưới sự chỉ huy của Bộ tham mưu tối cao để thực thi pháp luật Việt Nam trên biển đã tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ, vị thế là người chủ vùng biển là sự khẳng định quyết tâm cao độ của toàn dân Việt Nam, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc dù kẻ thù có đông, mạnh, hung hãn bao nhiêu.
 
Nhiều người tỏ ra lo lắng khi biết tin Trung Quốc đã tăng cường lực lượng lên 134 tàu gồm cả tàu quân sự, so với 80 tàu lúc đầu để bảo vệ giàn khoan, nhưng thực ra điều này chứng tỏ sự bế tắc, bất lực của Trung Quốc trước sự hoạt động có hiệu quả của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam.
 
 Liệu Trung Quốc còn bao nhiêu tàu hải giám, tàu tên lửa…điều sang để đối phó với CSB và Kiểm Ngư Việt Nam? Trung Quốc, quả là rất tôn trọng đối thủ, tôn trọng lực lượng CSB chấp pháp của Việt Nam!
 
Cương quyết ngăn chặn và đặc biệt luôn mang tư tưởng tiến công, tiến công liên tục, trên nền tảng nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” luôn là những “núi đá ngầm” cho con tàu bành trướng nào hung hăng đi vào vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển đã có chủ.
 
Vì sao Trung Quốc chưa dùng sức mạnh quân sự?
 
Nhiều nhà phân tích quan sát thời cuộc trên thế giới và trong nước cho rằng Việt Nam đã hành động chuẩn xác, không mắc mưu, mắc bẫy của Trung Quốc đã giăng ra trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, rằng, chỉ cần Việt Nam đáp trả hành động khiêu khích của Trung Quốc trước là chỉ chờ có thế, Trung Quốc lợi dụng để tạo cớ gây xung đột quân sự, gây ra chiến tranh trên Biển Đông…
 
Nói thế, xem ra Trung Quốc đang rất muốn trên Biển Đông “không đánh nhau một trận không xong”…như lũ diều hâu, quá khich và báo chí Trung Quốc sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã phát ngôn, đăng tải trong suốt thời gian qua.
 
Tuy nhiên, muốn là một chuyện và làm được hay không lại là chuyện khác. Chẳng lẽ Trung Quốc không tiến hành chiến tranh dù rất, rất muốn chỉ vì chưa có cớ sao? Chẳng lẽ Trung Quốc sợ dư luận, sợ phải trái đến vậy sao? Trung Quốc tấn công Ấn Độ năm 1962, Liên Xô năm 1969 và Việt Nam năm 1979 thì đâu có chờ cớ gây ra từ đối phương…
 
Trung Quốc, vốn ngang ngược, bất chấp đạo lý và pháp lý, hung hăng và cậy mạnh thì gây chiến tranh hay xung độ quân sự có gì là khó khăn với Trung Quốc đâu. Vấn đề ở đây chúng ta nên hiểu là, Trung Quốc chỉ chưa muốn chiến tranh hay xung đột quân sự trên Biển Đông với Việt Nam lúc này, thế thôi. Một con hổ đói thấy mồi ngon đời nào chúng bỏ qua mà chỉ lượn lờ thèm thuồng chưa dám vồ vì sợ mắc bẫy hay điều gì đó mà thôi.
 
Tại sao Trung Quốc chưa gây chiến tranh với Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản là vì giá đắt không thể chịu đựng nổi hay nói cách khác là Việt Nam đang có sức răn đe ngăn ngừa chiến tranh mạnh nên đang khiến Trung Quốc phải “suy nghĩ 2 lần”.
 
Trung Quốc chưa dám gây chiến với Việt Nam bây giờ nhưng bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, Trung Quốc đều luôn luôn dùng các thủ đoạn thâm hiểm để làm suy yếu Việt Nam, chờ thời cơ để ra tay. Có thể nói dã tâm của nhà cầm quyền Bắc Kinh với Việt Nam là không bao giờ thay đổi.
 
Việt Nam không muốn chiến tranh nhưng không sợ chiến tranh. Câu Tiễn là người Trung Quốc nhẫn nhục đòi nợ nước bằng cách nếm phân của kẻ thù (Ngô Phù Sai) nhưng người Việt Nam thì không, giặc đến nhà thì ngay đàn bà “còn cái lai quần cũng đánh”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước...”
 
Đừng ai lấy chiến tranh ra để dọa người Việt Nam và nên nhớ rằng, khi sự khiêu khích của kẻ thù đã đến hết giới hạn của sự kiềm chế thì Việt Nam sẽ chấp nhận chiến tranh, chấp nhận “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo