Giàn khoan HD 981 và chiến dịch dầu loang của Trung Quốc
‘Nếu việc dựng giàn khoan HD 981 thành công, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến dịch vết dầu loang với việc độc chiếm biển Đông”.
Ông Trần Sơn Lâm, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ những nhận định và lo lắng của mình với chúng tôi trước việc Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông. Theo ông Lâm: “Không chỉ có vậy, nếu không dè chừng nước này sẽ chiếm cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với triết lý chân lý thuộc về kẻ mạnh và cuối cùng Trung Quốc sẽ độc chiếm biển Đông”.
PV: - Trước hết ông nhận định thế nào về tình hình hiện nay trước việc Trung Quốc hung hăng đưa giàn khoan ra Biển Đông vi phạm Luật Biển 1982 như vậy?
Ông Trần Sơn Lâm: - Tôi cho rằng Trung Quốc lại hung hăng thực hiện các hành vi như vậy có thể có mấy lý do như sau:
Tình hình Ucraina đang diễn biến phức tạp, dư luận thế giới và toàn bộ châu Âu, Mỹ, Nga, và các nước lớn đang tập trung vào chủ đề này;
Tình hình Trung Quốc đang nẩy sinh sự bất an ở Tây Tạng, ở Tân Cương và một loạt các địa phương qua các vụ nổ bom và chém giết làm nhiều người chết và bị thương; để giải quyết các bất an này Trung quốc thường gây ra các vụ xung đột nhằm kích động tinh thần dân tộc để đoàn kết nhân dân trong nước, củng cố nội bộ và tập trung dư luận trong nước vào các cuộc xung đột này;
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đi thăm 4 nước châu Á Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines. Mỹ vừa ký một loạt các hiệp định nhằm hỗ trợ và bảo vệ Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines trong trường hợp có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc;
Chủ tịch Tập Cận Bình vừa có cuộc viếng thăm một loạt các nước châu Âu cùng hàng loạt các hợp đồng kinh tế nhiều tỷ USD đã được ký kết. Nga đang có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong vấn đề Ukraine. Mỹ cũng có nhiều mối quan hệ kinh tế gắn chặt với Trung Quốc với tỷ trọng thương mại 2 chiều lên tới trên 100 tỷ Đô la Mỹ.
Việt Nam mặc dù đã vượt qua suy thoái kinh tế nhưng nền kinh tế vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn ổn định, vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn. Việt Nam với phương châm kiên trì làm bạn với tất cả các nước, không liên minh quân sự với bất cứ nước nào.
Vì vậy việc đưa giàn khoan dầu vào thăm dò ở thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong thời điểm hiện nay là việc Trung Quốc cảm thấy dễ dàng hơn vì Việt Nam không tham gia vào một liên minh quân sự nào, Việt Nam lại nằm sát cạnh ngay Trung Quốc, thực lực kinh tế, quân sự của Trung Quốc lại mạnh hơn Việt Nam nhiều lần, nếu làm nhanh gọn được việc này thì coi như việc đã rồi, thế giới nếu muốn cũng khó có thể can thiệp.
Nếu việc dựng giàn khoan HD 981 thành công, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến dịch vết dầu loang với việc độc chiếm biển Đông. Và không dè chừng sẽ chiếm cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với triết lý chân lý thuộc về kẻ mạnh và cuối cùng Trung Quốc sẽ độc chiếm biển Đông.
PV: - Ông có cho rằng Việt Nam nên kiện ra tòa án quốc tế? Liệu có trở ngại gì không nếu Việt Nam làm động tác này?
Ông Trần Sơn Lâm: - Lịch sử đã cho ta thấy, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần sang xâm chiếm Việt Nam, đặc biệt nhằm vào lúc các chế độ này đang gặp các khó khăn trong nước và đang suy yếu. Ngay sau chiến thắng 1975, trong lúc nước ta đang gặp nhiều khó khăn vì vừa trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, Trung Quốc đã kích động Chính quyền Khơ me đỏ tấn công biên giới phía Nam, giết hại hàng vạn dân thường của ta trong một thời gian dài.
Sau khi ta phản kích theo lời kêu gọi của những người yêu nước Campuchia, Trung Quốc lại tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học, ngày 19/3/1979 Trung Quốc mở một cuộc tấn công trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc, giết hại hàng vạn dân thương vô tội.
Trước đó tận dụng chúng ta đang huy động toàn bộ lực lượng trong chiến tranh chống Mỹ nhằm thống nhất đất nước, được sự bật đèn xanh của Mỹ, Trung Quốc dã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa trực thuộc sự quản lý của Chính quyền Miền Nam. Năm 1988 lại chiếm đảo Gạc ma và một số đảo và bãi đá ngầm thuộc quyền quản lý của Việt Nam.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc lại luôn gây hấn với Việt Nam như cắt cáp ngầm của các tầu thăm dò địa chấn, xua đuổi, bắt bớ, tịch thu, đánh đập ngư dân Việt Nam, thậm chí ra các lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông trái với luật pháp quốc tế, bị dư luận thế giới phản đối và gần đây nhất, những này đầu tháng 5 lại đưa giàn khoán HD 981 vào thăm dò tại vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc luôn tuyên bố mong muốn giữ gìn quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.
Về phía Việt Nam, cha ông chúng ta sau mỗi lần chiến thắng quân xâm lược, luôn tỏ tinh thần nhân đạo, chạy chữa vết thương cho các kẻ bị thương, cung cấp lương thực và phương tiện để đưa chúng về nước, thậm chí còn cho lập đền thờ để cầu cho các vong tử sĩ.
Việt Nam ta với phưong châm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để giải quyết mọi bất đồng thông qua tình hữu nghị và tình đồng chí, tránh mọi cảnh chiến tranh thảm khốc mang lại cho cả nhân dân 2 nước.
Trong một đất nước phải có luật pháp, quan hệ giữa các nước cũng phải tuân theo luật pháp quốc tế và chỉ có thể giải quyết mọi cuộc xung đột theo luật pháp quốc tế để tránh nguy cơ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ví dụ như Thái Lan và Campuchia đã giải quyết ổn thỏa xung quanh việc tranh chấp ở ngôi đền Pretvihia nằm giữa biên giới Thái Lan và Campuchia thông qua toà án quốc tế cua Liên Hợp quốc.
Theo tôi, Việt Nam chỉ có thể giải quyết các vấn đề ở biển Đông như chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển và vùng thềm lục địa Thông qua toà án quốc tế. Làm được điều này sẽ giải tỏa tâm lý dân tộc của cả nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Có người nói, nếu Trung Quốc thua họ cũng sẽ không thực hiện, nhưng trong thế giới văn minh ngày nay, nhân dân thế giới sẽ nhìn Trung Quốc dưới con mắt khác đi và tôi tin rằng cuối cùng nhân dân Trung Quốc sẽ nhận thức được vấn đề đâu là đúng đâu là sai.
Nhân dân Việt Nam sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để đòi lại chủ quyền đối với các hòn đảo đã bị Trung Quốc chiếm giữ. Sự phát triển của nền văn minh thế giới sẽ đủ sức ngăn chặn triết lý chân lý thuộc về kẻ mạnh và chính quyền xây dựng trên nòng súng.
Việc đưa ra toà án quốc tế sẽ tạo cơ hội để học giả của cả hai nước nhìn rõ thực chất của vấn đề và đây là phương pháp đấu tranh bằng biện pháp hoà bình để làm rõ đúng sai và để dẹp bỏ tất cả các khuynh hướng dân tộc cực đoan của cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc.
Việc chúng ta mong chờ giải quyết các bất đồng trên cơ sở anh em đồng chí sẽ không thể nào có kết quả nếu không có trọng tài quốc tế đứng làm trung gian và không thể giải tỏa nổi tâm lý dân tộc nếu bên này thiệt hơn bên kia.
Vấn đề trở ngại có lẽ phía Trung Quốc luôn nêu việc giải quyết vấn đề chủ quyền ở biển Đông là việc làm giữa các nước có liên quan và luôn muốn giải quyết vấn đề này theo quan điểm song phương và không muốn quốc tế hoá vấn đề Biển Đông.
Về phía Việt Nam đây là một cơ hội để đoàn kết mọi học giả người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, các học giả quốc tế tập trung các bằng chứng để chứng minh trước toà án quốc tế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng như quyền chủ quyền của của các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam mà Trung Quốc đang đòi tranh chấp.
PV: - Có ý kiến cho rằng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc do đó đôi khi ứng phó với tình hình "hơi mềm" khiến họ ngày càng lấn tới. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Trần Sơn Lâm: - Như trên tôi đã nói, dân tộc Việt Nam là dân tộc tình nghĩa, chúng ta luôn dành tình cảm và biết ơn đối với nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dành độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc, theo tôi nghĩ có lẽ vì lý do này mà chúng ta luôn mong muốn giải quyết theo phương châm hữu nghị và tình đồng chí mà bạn nói " đôi khi ứng phó với tình hình " hơi mềm " khiến họ càng lấn tới ".
Còn về lý do quan hệ kinh tế, theo tôi nghĩ thương mại 2 chiều giữa 2 nước đã trên trên 40 tỷ Đô la Mỹ, thậm chí ta còn nhập siêu trong quan hệ thương mại này. Chúng ta chủ yếu nhập các nguyên liệu từ phía Trung Quốc và các thiết bị máy móc cho các dự án ODA mà các công ty của Trung Quốc đang thực hiện ở Việt Nam.
Đây là quan hệ kinh tế 2 chiều, giải quyết công ăn việc làm cho ngưoi lao động của cả 2 nước trên cơ sở kinh tế thị trường phụ thuộc lẫn nhau.
Theo tôi biết cuối những năm 80 và đầu những năm 1990 thế kỷ trước nền kinh tế Việt Nam bị lam vào khủng hoảng trầm trọng vì chiến tranh ở biên giới với Trung Quốc, chúng ta đang giúp bạn ở Campuchia, Mỹ bao vây cấm vận, khối XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, ngân quỹ của ta có lúc hầu như trống rỗng. Nhưng trong khó khăn dân tộc Việt Nam vẫn vươn dậy, đứng vững và phát triển.
Hiện nay, mặc dù còn có những khó khăn về kinh tế nhưng thế và lực của chúng ta khác trước nhiều, chỉ là nhịp độ phát triển kinh tế của chúng ta có giảm nhưng không phải không có lực để bảo vệ Tổ quốc, vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chỉ còn một vấn để là huy động sức mạnh của lòng dân như Bác Hồ đã dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Đó là lòng yêu nước cửa người dân sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu đựng sự hy sinh, mất mát để giữ dìn sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo