Tin tức - Sự kiện

Giăng câu ở vựa cá Hoàng Sa

Không ngẫu nhiên mà bao đời nay, ngư dân miền Trung vẫn bất chấp nguy hiểm của cả thiên tai lẫn nhân tai để vượt nghìn trùng xa ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Bởi đơn giản, ngoài việc khẳng định chủ quyền, vùng biển Hoàng Sa còn là một vựa cá.


 Đi về phía mặt trời


Mặc dù đã chuẩn bị tâm thế từ trước, nhưng khi nhận lệnh từ tòa soạn lên đường ra Hoàng Sa tác nghiệp, một cảm giác hồi hộp cứ dâng trào trong tôi khó tả thành lời. Chuyến ra Hoàng Sa lần thứ tư của đoàn nhà báo chúng tôi dù ngắn ngủi nhưng thật đặc biệt, khi được chứng kiến việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam 8003, sau một đêm rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đã đưa chúng tôi chạm tới vùng biển Hoàng Sa khi trời vừa rạng sáng. Chưa đến 5 giờ sáng, mặt trời đã nhô lên đỏ như hòn lửa, lúc ẩn lúc hiện, chấp chới trên từng ngọn sóng.

Đã nghe, đọc nhiều về Hoàng Sa, nhưng khi nhìn thấy màu nước xanh thẫm ở vùng biển này vẫn khiến tôi trào dâng xúc động khi nghĩ về bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu để khai phá và xác lập cương thổ quốc gia. Chỉ có nước và trời, một không gian mênh mông như vô tận. Dưới độ sâu từ 1 đến 2 km kia không biết bao nhiêu là cạm bẫy khôn lường, rồi những giông gio bất thường trên mặt biển…

Tàu CSB 8003 vẫn thẳng tiến về phía mặt trời. Giữa mênh mông sóng nước, thi thoảng lại bắt gặp những tốp tàu đánh cá của ngư dân miền Trung kiên gan bám trụ trên vùng biển chủ quyền. Những lá quốc kỳ đỏ thắm tung bay trong gió, những cái vẫy tay chào nhau trên biển cũng trở nên thiêng liêng, ấm áp. Anh em CSB cho biết, đây là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân miền Trung, sản vật phong phú và chất lượng. Đặc biệt ở những rạn san hô thuộc quần đảo Hoàng Sa hải sản chất lượng, ngon nức tiếng và nhiều vô kể.

Cá nhảy lên boong


Thông thường, sau một ngày quần thảo đấu tranh đòi chủ quyền với các tàu Trung Quốc, các biên đội tàu CSB Việt Nam thường thả trôi để nghỉ ngơi, do không thể thả neo ở độ sâu từ 1-2km. Nếu hôm nào tình hình ở thực địa bớt “nóng”, thì đây cũng là thời điểm anh em CSB, những ai không phải ca trực ra boong tàu giăng câu, vớt mực, vừa nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, vừa cải thiện bữa ăn.

Sau bữa cơm chiều, màn đêm vừa buông xuống, tôi lẽo đẽo theo sau mấy anh em CSB ra boong tàu phía sau để xem mọi người giăng câu. Thủy thủ Nguyễn Viết Công, sinh năm 1984, quê ở Nghệ An, một tay vợt cá thiện nghệ của tàu CSB 9001 rỉ tai tôi nói: “Hôm nay, anh tha hồ mà xem. Biển động thế này kiểu gì cũng trúng đậm”.

Chiếc đèn cao áp ngay mạn tàu được bật lên, Công cầm chiếc vợt đan bằng cước, có chiếc cán dài đợi sẵn để vớt cá đóng đèn cho đồng đội làm mồi câu. Thật lạ cho loài cá biển, cứ thấy ánh sáng là thi nhau lao tới. Bình thường nhanh nhẹn, vùng vẫy là vậy, nhưng khi gặp ánh sáng lóa mắt, cứ nằm đơ ra, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chỉ trong chốc lát, Công đã vớt đủ mồi cho chục tay câu đang đứng đợi.

Đóng đèn nhanh và nhiều nhất vẫn là loài cá chuồn, một loài cá có thể bay trên mặt nước hàng trăm mét. Chúng như con thiêu thân, cứ lao vào nơi có ánh sáng. Nhiều con lỡ trớn đâm đầu vào mạn tàu lăn quay, có con quá đà nhảy lên cả boong tàu. Kế đến là loài mực, cứ từng cặp lừ đừ tiến vào, thả mình dưới bóng đèn cao áp. Công nói, loài mực rất chung thủy, chúng thường đi từng cặp. Nếu bắt được một con, thì kiểu gì cũng bắt được con thứ hai, chúng không chịu rời đi nếu không có bạn. Nhìn những chú mực mất bạn nhiều khi đến tội nghiệp, cứ loay hoay, vòng đi, vòng lại tại nơi con bạn vừa mới bị bắt.

Để được anh em tôn vinh là tay vợt cá thiện nghệ, Công có bí quyết riêng của mình. Bao giờ cũng vậy, Công luôn là người tạo mồi để anh em giăng câu. “Nếu là cá thì phải vợt từ trước đầu, còn mực thì phải vợt từ sau đuôi. Bởi đặc tính của loài cá, nếu thấy động bao giờ cũng quẫy đuôi lao về phía trước, còn loài mực thì ngược lại. Nói vậy thôi, chứ muốn bắt được chúng phải rất khéo léo, đưa vợt xuống nước thật nhẹ nhàng, tránh gây động. Khi đặt đúng vị trí rồi thì phải đưa vợt thật nhanh và dứt khoát nếu không thì xôi hỏng, bỏng không” - Công xởi lởi nói về bí quyết của mình.

Phía kia, gần chục anh em CSB đứng dọc theo mạn tàu trên tay mỗi người một ống câu chuyện trò rôm rả. Những chú mực to bằng bắp tay, liên tục dính câu bị đưa lên khỏi mặt nước. Quân y Trần Đức Anh, sinh năm 1973, quê ở Hà Tĩnh vừa gỡ con mực ra khỏi lưỡi câu, vừa nói: “Hôm nay anh em chủ yếu tập trung câu mực để các nhà báo thưởng thức chất lượng mực Hoàng Sa thế nào thôi, chứ cá hôm trước câu được ăn chưa hết. Ở Hoàng Sa cá nhiều vô kể, nhiều hôm ban ngày, chưa bắt được mồi, anh em dùng mồi giả (là các sợi dây của bao lác, xanh đỏ, tím vàng ghép thành chùm - NV), thả xuống nước cũng bắt được đầy cá”.

Anh Trần Đức Anh lấy ra một ống câu, găm mồi vào, hướng dẫn cách câu, rồi bảo tôi thả xuống nước. “Ống câu này chủ yếu dùng câu cá thu và cá ngừ đại dương đó. Nếu chú không cẩn thận, sẽ vuột mất ống câu khi cá ăn mồi, hoặc bị lôi người xuống nước như chơi nếu gặp phải cá to. Khi cá cắn câu, chú phải giật mạnh để lưỡi câu găm vào miệng cá, sau đó nới dây để cho cá chạy, lúc nào nó mệt thì kéo lên” - anh Anh dặn dò tôi tỉ mỉ.

Dòng chảy ở Hoàng Sa rất xiết. Ngoài con cá làm mồi bằng ngón tay cái, ở gần lưỡi câu còn được buộc thêm một cục chì to cũng bằng ngón tay cái, vậy mà dòng nước cuốn lưỡi câu ra xa, căng như dây đàn. Chỉ trong chốc lát, cá đã đớp mồi, tôi giật mạnh dây câu. Một tiếng “bong” phát ra, dây câu chùng lại, nhẹ tênh. Thu câu về, thì ra dây câu đã bị đứt. Có lẽ vì chưa có kinh nghiệm, dây câu đã không chịu nổi cú giật quá mạnh của tôi. Trần Đức Anh đứng cạnh, cười hồn hậu: “Câu như chú thì tốn lưỡi câu lắm!”.
 

Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo