Giáo dục đại học Việt Nam chưa thể hội nhập
Rào cản
Hệ thống Giáo dục đại học Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. Từ năm 2001 - 2011 tỷ lệ sinh viên hằng năm tăng là 9%. Trung bình mỗi năm có 8 trường đại học và 12 trường cao đẳng được thành lập và tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân tăng từ 162 vào năm 2001 lên thành 251 năm 2011.
Thế nhưng, Giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa hội nhập quốc tế. GS Martin Hayden, Trường Đại học Southern Cross (Úc) cho rằng: Hệ thống Giáo dục đại học Việt Nam đang ở thời điểm đòi hỏi một cuộc cải cách căn bản. Các trường công cần nhiều tự chủ hơn, cũng như một khuôn khổ hiện đại hơn về trách nhiệm giải trình với xã hội.
Tài trợ cho nghiên cứu cần có tính cạnh tranh hơn, học phí cần phải tăng, cùng với việc bảo vệ sinh viên nghèo, và cần có một cơ quan bảo đảm chất lượng độc lập.
PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, đại diện Trường UPC Sydney tại Việt Nam cho rằng, tiếng Anh là trở ngại lớn nhất trong hội nhập. Phần lớn lãnh đạo các trường đại học không giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh. Việt Nam đã hội nhập về mặt kinh tế hơn 20 năm nhưng một thế hệ lãnh đạo trường thông thạo tiếng Anh vẫn chưa hình thành.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Đào Văn Khanh, Phạm Thị Ly, Nguyễn Văn Tuấn về “Thực trạng và giải pháp cho việc đẩy mạnh năng lực nghiên cứu khoa học ở Việt Nam” thì nguyên nhân khiến giáo dục đại học Việt Nam chưa hội nhập là sự bất cập và chồng chéo trong quản lý hệ thống; thiếu hụt các nhà khoa học tài năng; các trường đại học đang tách rời giữa giảng dạy và nghiên cứu; đầu tư và phân bổ kinh phí nghiên cứu chưa hợp lý…
Lỗi do cơ chế quản lý
GS Martin Hayden, Trường Đại học Southern Cross (Úc) cho rằng, sự mở rộng của hệ thống Giáo dục đại học Việt Nam đòi hỏi một nguồn tài chính khổng lồ. Chi phí trung bình cho mỗi sinh viên để theo học bậc đạ học sẽ phải tăng 3 - 4 lần vào năm 2015 so với năm 2007 và từ 5-6 lần vào năm 2019.
Sinh viên Đại học Việt Đức trong giờ thực hành. Ảnh: QP
Trong khi năng lực của Chính phủ trong việc đầu tư mạnh cho hệ thống Giáo dục đại học thì khá giới hạn nên tăng học phí dường như là lựa chọn duy nhất đang có. Nhà nước đã và đang duy trì cam kết lâu dài miễn giảm học phí đối với sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số và trong một số ngành nhất định.
Tuy có những sáng kiến như vậy nhưng, bình đẳng trong tiếp cận đại học vẫn còn là một vấn đề.
Năm 2009, 1/5 số gia đình nghèo nhất Việt Nam đã chi tiêu đến 70,1% thu nhập của gia đình cho việc học đại học của con cái, trong lúc có 1/5 số gia đình giàu nhất chỉ chi khoảng 29,6% cho việc học của con cái.
Ông Trịnh Tiến Dũng, nguyên trợ lý giám đốc chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng: Tác động chính sách của việc chi ngân sách cho Giáo dục đại học ở tầm vĩ mô là khá hạn chế.
Hơn nữa, chủ trương xã hội hóa trong Giáo dục đại học bị triển khai lệch lạc, làm tăng vọt số lượng tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục công lập và giảm chi ngân sách trên mỗi sinh viên.
Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc) lại nêu một thực tế khác ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học của nước ta đang bị tụt hậu.
GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Từ năm 1970 đến 2011, Việt Nam công bố 10.745 bài báo khoa học trên tập san quốc tế và chỉ bằng 22% so với Thái Lan, 11% của Singapore, 27% của Malaysia.
Đáng nói hơn là tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam ở mức thấp so với những nước vừa nêu.
Trong Top 400 trường đại học hàng đầu thế giới, khu vực Đông Nam Á có 11 trường nhưng không có trường nào của ta.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, 2% kinh phí dành cho khoa học công nghệ (13.000 tỷ đồng) chỉ có khoảng 10% dành cho nghiên cứu từ đề tài cấp cơ sở đến cấp nhà nuớc, phần còn lại chi cho chi phí sự nghiệp (nuôi bộ máy cán bộ khoa học cũng như các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu).
Ngoài việc đầu tư thấp, việc phân phối ngân sách cũng chưa hiệu quả. Năm 2007, Bộ Khoa học & Công nghệ phải hoàn trả 125 tỷ đồng cho Nhà nước, vì không thể phân phối hết cho nghiên cứu khoa học. Năm 2011, số tiền hoàn trả lên đến 321 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD).
Theo các đại biểu, để Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập cùng quốc tế phải từng bước nâng cao được giá trị của văn bằng theo chuẩn quốc tế; đổi mới về công tác tổ chức, quản lý và điều hành của các trường đại học, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của giảng viên; ứng dụng các thành tựu mới nhằm phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ trong giáo dục; từng bước xác lập hệ thống kiểm định, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo theo chuẩn quốc tế…
Thảo Nguyên (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khẩu súng đắt nhất thế giới trị giá hơn 110 tỷ: Chỉ vài người có khả năng mua, làm bằng chất liệu độc nhất
Người đàn ông mua chiếc ấm nứt vì đam mê, nào ngờ là đồ cổ 250 năm được định giá hơn 17 tỷ đồng
Không phải người ngoài hành tinh, con người có thể là sinh vật có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ?
Ngôi chùa cổ sở hữu 4 chiếc cột gỗ quý hơn 'kim cương' giá 3400 tỷ: Người người xếp hàng vào xem!
Cặp vợ chồng sững sờ phát hiện chiếc bình sứ chắn cửa nhà suốt 36 năm lại có giá trị đến 30 tỷ đồng
Chiếc giường gỗ có giá trị nhất miền Tây: Chế tác bằng gỗ quý hàng đầu Việt Nam, trả 3 tỷ không bán