Tin tức - Sự kiện

Giao lưu trực tuyến giữa ngànhTài nguyên và Môi trường với nhân dân và doanh nghiệp

Sáng nay, 28/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức Giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp đợt 2 năm 2014 với chủ đề "Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường".

Đợt giao lưu trực tuyến này là đợt giao lưu trực tuyến lần thứ 15 do Bộ Tài nguyên và Môi trường  tổ chức nhằm giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt những quy định mới ban hành. Có sự tham gia của 63 Sở Tài nguyên và Môi trường trên cả nước.

Tính đến 17h ngày 27/10, hệ thống giao lưu trực tuyến đã nhận được tổng số 351 câu hỏi, trong đó 141 câu hỏi gửi đến Bộ và 210 câu hỏi gửi đến các Sở Tài nguyên và Môi trường .

Giao lưu trực tuyến  bắt đầu từ 8h sáng đến 17 giờ chiều ngày 28/10. Hệ thống Giao lưu trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường  có địa chỉ gltt.monre.gov.vn.

Giao lưu trực tuyến được triển khai từ năm 2005 cho đến nay, đã tổ chức thành công 14 đợt giao lưu trực tuyến

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Minh cho biết, trong thời gian qua, nhiều chính sách mới thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đã được ban hành và triển khai thực hiện như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai…thu hút được sự quan tâm của nhân dân và doanh nghiệp.

Để tiếp tục giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt những quy định mới ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường  cùng 63 Sở  trên cả nước tiếp tục tổ chức giao lưu trực tuyến về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường .

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quang Minh, Kết quả giao lưu đợt 1 ngày 15/4/2014, đã nhận được hơn 1.400 câu hỏi của nhân dân và doanh nghiệp gửi đến.

Thông qua các câu hỏi trong các đợt giao lưu trực tuyến, Bộ và Sở đã nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời thông qua đó các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở trực tiếp giải quyết, tháo gỡ ngay  những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, doanh nghiệp.

Giao lưu trực tuyến về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
 

Các câu hỏi bắt đầu được gửi về:
- Ông Nguyễn Thanh Bình, 40 tuổi ở Ninh Kiều, TP Cần Thơ đặt câu hỏi: Tôi đang là chủ một doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Thủy. Công ty chúng tôi nằm trong KCN Trà Nóc. Công ty chúng tôi chưa có các giấy tờ liên quan về môi trường (Giấy phép MT). Công ty chúng tôi đã hoạt động trước (5/6/2011), Theo nghiên cứu tài liêu trong Phụ Lục II của nghị định 29 thì công ty chúng tôi sản xuất với quy mô nằm dướii nghị định này. Theo đúng luật thì công ty chúng tôi phải lập ĐỀ ÁN Bảo vệ môi trường đơn giản (không phải chi tiết). Vậy xin hỏi khi công ty chúng tôi lập xong ĐỀ ÁN thì phòng ban nào chịu trách nhiệm thẩm định, Phòng Tài nguyên Moi trường quận BÌNH THỦY hay Ban Quản lý Khu công nghiệp- Khu chế xuất thẩm định. Và cho tôi xin văn bản nào quy định.

+Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 1 của Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.


Nội dung, thành phần cấu trúc của đề án bảo vệ môi trường được hướng dẫn tại Thông tư số 22/2014/TT-BTNMT ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định và hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; và Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Nếu trường hợp cơ sở của ông thuộc đối tượng phải lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản và có vị trí cơ sở thuộc địa bàn quận Bình Thủy, đề nghị ông lập và gửi hồ sơ về Ủy ban nhân dân quận Bình Thủy (phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy là cơ quan thường trực trong việc tổ chức đăng ký, xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản của quận Bình Thủy) để được xem xét, thẩm định và cấp giấy xác nhận theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 22/2014/TT-BTNMT ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định và hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; và Khoản 2, 6, 7 Điều 16 của Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Thời gian thực hiện đề án bảo vệ môi trường phải được thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2014.

-Ông Vũ Mạnh Tú, 32 tuổi có câu hỏi liên quan đến khai thác khoáng sản: Việc quy định trữ lượng địa chất để tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dẫn đến Doanh nghiệp phải nộp tiền cho cả phần trữ lượng không được phép khai thác (đai, trụ, bờ...bảo vệ mỏ). Như vậy có phù hợp không?

+Bộ Tài nguyên và Môi trường: Theo quy định Khoản 2 Điều 3 Nghị định 203/2013/NĐ-CP: "trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất nằm trong ranh giới khu vực được phép khai thác".

Như vậy, toàn bộ trữ lượng trong khu vực được cấp phép đều phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Liên quan đến phương pháp khai thác: Nghị định 203 quy định: hệ số thu hồi khoáng sản K1 cụ thể như sau: khai thác lộ thiên K1=0,9; khai thác hầm lò K1=0,6. Tức là khi cấp phép khai thác, nếu khai thác lộ thiên đã trừ 10% để làm bờ moong khai thác, không tính tiền 10% này. Ngoài phần này, nếu đai, trụ, bờ....bảo vệ mỏ thuộc các khối trữ lượng được cấp phép khai thác thì vẫn phải tính tiền.

-Anh Lê Công Thanh, 25 tuổi ở Phùng Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên hỏi: Cháu xin hỏi bác bộ trưởng là: bao nhiêu năm nữa sẽ tổ chức chia lại đất ruộng? Thưa bác, cháu sinh năm 1989, bản thân cháu đã có đất ruộng để canh tác nhưng cháu thấy rất thiệt thòi cho các em sinh sau năm 1993, các em cũng là công dân Việt Nam cũng tuân thủ mỗi quyền và nghĩa vụ của công dân VN mà phải chịu thiệt thòi vậy. Trong khi một số gia đình thừa đất không dùng đến, ví như gia đình cháu ông bà nội đã mất cách đây 7 năm mà giờ vẫn còn gần 3 xào ruộng để cho các cô các bác cháu những người đã có đất ruộng của mình rồi lại chia chác cho nhau.


+Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Đảng ta đã chủ trương: “Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng với hiệu quả cao nhất”...

Thực hiện chủ trương này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai thì đối với những trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có đất sản xuất thì Nhà nước xem xét giao hoặc cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển hoặc đất khai hoang, đất đã thu hồi do sắp xếp lại các nông, lâm trường,đất thu hồi do không còn nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai thì "Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm".

Trường hợp cháu nêu: ông bà nội cháu đã mất thì 3 sào ruộng của ông, bà cháu sẽ được phân chia thừa kế cho các thành viên trong gia đình cháu theo di chúc của ông, bà; trường hợp không có di chúc thì phân chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

-Ông Lê Đình Nghĩa, 65 tuổi ở Xuân Hòa đặt câu hỏi: Tôi là một doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, năm 2012 doanh nghiệp tôi có nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của một số hộ gia đình, cá nhân tại phường Phúc Thắng, có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa gia đình và doanh nghiệp được UBND phường Phúc Thắng xác nhận tại hợp đồng. Đến năm 2014 doanh nghiệp tôi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với số diện tích mà tôi đã nhận chuyển nhượng. Vậy tôi xin hỏi quý sở trình tự, thủ tục cụ thể cấp giấy CNQSD đất đối với trường hợp của doanh nghiệp tôi (chúng tôi có phải nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để chuyển hồ sơ ra chi cục thuế để tính thuế chuyển nhượng giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức hay nộp tại ban giải phóng mặt bằng để làm thủ tục bồi thường)gia đình tôi đã trả tiền đầy đủ cho các hộ gia đình trước khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của tỉnh.


+Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc: Theo nội dung câu hỏi thì doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng của các hộ gia đình, cá nhân nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình, cá nhân cho doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính để nộp thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hay thuế thu nhập cá nhân).

Vì vậy, căn cứ quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đề nghị các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp phải đến Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thị xã Phúc Yên để được hướng dẫn nộp hồ sơ xin xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân. Sau khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì đề nghị doanh nghiệp đến Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất cấp tỉnh để được hướng dẫn nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ 1 cửa tại Sở)

-Lê Đăng Chung, 45 tuổi ở Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa có hỏi: trong cộng đồng khu dân cư có được phê xây dựng khu chế biến nước mắm hay không?

+Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa trả lời: Về lĩnh vực môi trường, các cơ sở sản xuất nước mắm nếu được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng trong khu vực dân cư phải đảm bảo các quy định sau:


1. Theo quy định tại mục 4, phần II, Quyết định số 3733/QĐ-BYT ngày 10 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động, Dự án đầu tư xây dựng lò mổ, nơi chế biến cá phải có khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư là 500 m; theo đó, dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm cũng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu đến khu dân cư là 500 m.


2. Theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 14/2009/TT-BNN ngày 12/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý môi trường trong chế biến thủy sản, trong đó quy định các tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở chế biến thủy sản khi tiến hành xây dựng mới hoặc mở rộng cơ sở chế biến thủy sản của mình cần phải:


- Lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển thủy sản đã được Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Thực hiện thiết kế, bố trí mặt bằng nhà xưởng, thiết bị, bao gồm cả hệ thống xử lý chất thải nhằm bảo đảm hoạt động của cơ sở đạt được các chỉ tiêu quy định về môi trường.
- Lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm giảm mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở và khu vực xung quanh.


3. Theo Luật BVMT năm 2005:
- Căn cứ vào quy mô, công suất của dự án, chủ dự án phải trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư dự án (quy định tại Điều 18) hoặc lập cam kết bảo vệ môi trường (quy định tại Điều 24) trình cấp có thẩm quyền xác nhận.
- Tại khoản 1, Điều 37, quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
+ Có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Trường hợp nước thải được chuyển về hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung.
+ Có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn và phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn;
+ Có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường và các tác động khác gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;
+ Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

-Đào Đình Trọng, 38 tuổi ở Na Hang, Tuyên Quang hỏi về cấp phép khai thác khoáng sản: Công ty tôi được UBND tỉnh cho thuê đất khai thác đất đồi để khai thác đất san nền các dự án, với dự án này của công ty tôi có phải làm giấy phép khai thác khoáng sản không?


+Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang: Có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp sau đây (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản): Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư.


Trước khi tiến hành khai thác đất (san nền hoặc đào đắp), tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp thứ hai: khai thác đất đồi (thuộc đối tượng là vật liệu xây dựng thông thường) để phục vụ san nền các dự án và kinh doanh khác (ngoài trường hợp thứ nhất) thì phải lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản.


Cả hai trường hợp trên đều phải đảm bảo tuân thủ các quy định về đổ thải, san nền,.. theo các quy định về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.

-Anh Vũ Mạnh Tú, 32 tuổi, tiếp tục hỏi về khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp A được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và đã thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi cấp giấy phép khai thác. Trường hợp doanh nghiệp A chưa khai thác (hoặc mới khai thác được một phần trữ lượng được cấp phép), hiện không còn nhu cầu khai thác tại vị trí này và làm thủ tục trả giấy phép khai thác thì có được trả lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không?

++Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo trữ lượng cấp phép khai thác và được thu theo hàng năm và thu gọn trong nửa thời gian đầu số năm khai thác. Số tiền nộp trước khi cấp phép phải bằng số tiền lần đầu. Số tiền đã nộp không được hoàn trả nếu doanh nghiệp không còn nhu cầu khai thác.

-Anh Vũ Mạnh Tú, 32 tuổi đặt câu hỏi: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014, đối với trường hợp tổng số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ≤ 50 tỷ đồng thì phải nộp một lần trước khi cấp giấy phép khai thác. Quy định như thế thì đa số các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực để tham gia đấu giá, chỉ có các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc những doanh nghiệp mang tính chất tập đoàn mới tham gia đấu giá được. Quy định về đấu giá như thế có phù hợp với tình hình kinh tế của nước ta trong thời điểm hiện tại không?

++Bộ Tài nguyên và Môi trường: Điểm mới của Luật khoáng sản 2010 là "đấu giá quyền khai thác khoáng sản", chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính khi tham gia hoạt động khoáng sản, hạn chế các tổ chức, cá nhân không có năng lực nhưng lại "giữ mỏ" không đảm bảo phát triển ngành khai thác khoáng sản bền vững.

Quy định Thông tư 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC chính là đạt được các yêu cầu trên.

-Anh Ngô Duy Anh Tùng, 31 tuổi ở Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Hiện nay Cty tôi đang có một mỏ đá xây dựng tại Vĩnh Cửu-Đồng Nai, diện tích cấp phép 20ha, trữ lượng địa chất 25.101.600 công xuất 200.000m3/năm, cote khai thác sâu 30m. Căn cứ nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ thì tổng số tiền Cty tôi phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quá lớn nên Cty muốn áp dụng theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 xin điều chỉnh Giấy phép khai thác về công suất và trữ lượng. Vậy Cty muốn hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường là thủ tục xin giảm công suất và trữ lượng như thế nào?


- Bây giờ giảm trữ lượng bằng cách giảm độ sâu khai thác từ cote 30m xuống còn cote 15m được không? thủ tục ra sao? hay là giảm diện tích cấp phép từ 20ha xuống 8ha mà cote khai thác vẫn giữ ở 30m và thủ tục như thế nào?


++Bộ Tài nguyên và Môi trường: Luật Khoáng sản không quy định về hồ sơ điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, về nguyên tắc, để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải có Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phù hợp với quy hoạch được phê duyệt theo quy định; có Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo Dự án cải tạo phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Để có cơ sở xem xét đề nghị điều chỉnh Giấy phép; đề nghị Công ty cần rà soát, điều chỉnh công suất và thời gian khai thác ghi trong Dự án đầu tư khai thác khoáng sản (có thể bao gồm cả cos sâu khai thác và diện tích khai thác); báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường, Giấy chứng nhận đầu tư; lập báo cáo tổng hợp kết quả khai thác từ khi được cấp Giấy phép, nộp về cơ quan có thẩm quyền cấp phép để xem xét, quyết định.

-Nguyễn Việt Phương, 20 tuổi ở Thanh Xuân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét kiến nghị của người dân thuộc Phường Khương đình, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội 5 năm qua đến các cơ quan chức năng về việc xử lý Công ty nhựa Xuân Sơn đóng tại khu vực này do hoạt động của công ty gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng vẫn chưa được xử lý.


+Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm của Công ty nhựa Xuân Sơn như phản ánh.

Nhận được thông tin phản ánh của anh (chị)tại buổi giao lưu trực tuyến này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ phối hợp với UBND quận Thanh Xuân tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty nhựa Xuân Sơn. Kết quả kiểm tra cụ thể sẽ được thông báo đến chính quyền địa phương (UBND phường Khương Đình).

-Nguyễn Thị Mây, 30 tuổi hỏi: Công ty chúng tôi được cơ quan chức năng kiểm tra về môi trường, kết quả phân tích mẫu nước thải ra môi trường có chỉ tiêu: pH = 4,1; COD vượt quy chuẩn 1,1 lần, các thông số khác đều đạt quy chuẩn. Vậy Công ty chúng tôi bị xử phạt theo Điều 13 hay Điều 14 của Nghị định số 179/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Có phải Điều 14 chỉ phạt thông số pH vượt quy chuẩn khi có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn hay không ?

+Bộ Tài nguyên và Môi trường: Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pH là thông số môi trường nguy hại (theo QCVN 07:2009/BTNMT nếu pH < 2 hoặc pH > 12,5 thì chất thải đó là chất thải nguy hại). Như vậy, nếu nước thải của Công ty có pH = 4,1 và COD = 1,1 (vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép) thì sẽ bị xử phạt theo Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đối với pH và phạt tăng thêm theo Khoản 9 Điều 14 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đối với COD.
Nguyên tắc áp dụng xử phạt đối với hành vi xả thải vượt QCVN được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.

-Anh Nguyễn Cảnh Toàn, 31 tuổi, ở Ba Đình hỏi về các dự án chung cư ở Hà Nội chưa triển khai và kéo dài nhiều năm gây ra những thiệt hại về mặt xã hội cũng như người góp vốn mua nhà. Vậy Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm thế nào trong việc này? Định hướng giải quyết vấn đề này ra sao?

+Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Về trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường luôn xác định công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, thu hồi đất đối với các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai là công tác thường xuyên trong quản lý nhà nước về đất đai.

Ngày 31/7/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND về kiểm tra, kết luận để xử lý, khắc phục các dự án chậm triển khai thực hiện, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố. Theo tổng hợp kết quả, từ năm 2009 đến năm nay các Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất của 54 dự án, trong đó đối với dự án nhà ở là 12 dự án với tổng diện tích là 1.748 ha.

Một số giải pháp và định hướng của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện trong năm 2014 trong việc kiểm tra với các dự án chậm triển khai. Theo đó, tập trung rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường nhằm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các tổ chức, người dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã theo đúng Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố. Thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Triển khai đề án cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, các dự án chậm triển khai trên địa bàn Thành phố.

-Lò Thị Sinh, 30 tuổi ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang hỏi về tần suất giám sát môi trường: Công ty chúng tôi sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Công ty có làm bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong phần cam kết giám sát môi trường có cam kết là tần suất giám sát môi trường không khí là 4 lần / 1 năm, nước thải là 4 lần / 1 năm. Vậy nếu giờ chúng tôi xin đăng ký lại bản cam kết và muốn thay đổi tần suất giám sát môi trường không khí và nước thải xuống 2 lần / năm có được không?

+Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang: Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc thực hiện giám sát môi trường.

Việc công ty của bà thực hiện cam kết tần suất giám sát môi trường không khí 4 lần/ 1 năm, nước thải là 4 lần / 1 năm là rất đáng khuyến khích. Theo quy định tại thông tư số 26/2011/TT-BTNMT, Công ty có thể thay đổi giảm tần suất giám sát khí thải, nước thải xuống 2 lần/1 năm (tần suất giám sát tối thiểu 1 lần/ 6 tháng) là phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên do bản cam kết của công ty đã được xác nhận. Để thực hiện được theo đề nghị thì công ty phải lập và đăng ký lại bản cam kết tại UBND huyện, thành phố sở tại theo luật định, đồng thời hồ sơ đó là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc giám sát theo quy định.

Đề nghị công ty liên hệ với phòng Tài nguyên và môi trường nơi đơn vị bà đóng trên địa bàn hoặc đến Chi cục bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể.

-Nguyễn Đăng Phát, 44 tuổi ở Bình Sơn hỏi về sử dụng đất, sử dụng không đúng mục đích: Đối với doanh nghiệp đã được nhà nước cho thuê đất nhưng không sử dụng hết phần diện tích được thuê, đơn vị có được quyền cho thuê lại để những đơn vị kinh doanh khác thuê đất để đầu tư hay không? Nếu sau 24 tháng, doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư phần tích được nhà nước cho thuê thì nhà nước có thu hồi lại hay không, Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi?

+Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi: Thứ nhất, đối với Doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất nhưng không sử dụng hết phần diện tích được thuê, như vậy sẽ gây lãng phí đất và đã vi phạm Luật Đất đai 2013 “ Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng...”, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất

Việc cho thuê lại quyền sử dụng đất là những đơn vị có chức năng theo quy định của pháp luật, những đơn vị này được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng theo dự án được duyệt thì được kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp để cho thuê lại theo quy định của pháp luật, trường hợp đơn vị không có chức năng mà vẫn tổ chức cho thuê lại đất là vi phạm pháp luật đất đai.

Thứ hai, nếu sau 24 tháng doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư trên phần diện tích được Nhà nước cho thuê và không được cho gia hạn thời gian thực hiện dự án thì Nhà nước sẽ tổ chức thu hồi lại đất trên cơ sở đề nghị của địa phương và cơ quan tham mưu là Sở Tài nguyên và Môi trường.

-Thi, 28 tuổi ở TP Thái Nguyên đặt hai câu hỏi: Thứ nhất, các gia trại, trang trại chăn nuôi ( chủ yếu của hộ gia đình, cá nhân) nằm trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch có được chấp nhận bản cam kết bảo vệ môi trường hay xác nhận đề án bảo vệ môi trường không? Vì thực tế chưa thể di dời các cơ sở này vào vùng quy hoạch được, do chưa giải phóng được mặt bằng hoặc hộ gia đình ko đủ tiền để mua đất trong vùng quy hoạch. Nếu cứ buông lỏng cho các đối tượng hoạt động tự do mà ko có hồ sơ về môi trường sẽ ko đảm bảo nghiêm minh của pháp luật, những cơ sở khác cũng theo đó không lập DTM, đăng ký CKBVMT hay đề án bảo vệ môi trường, nhưng nếu không cho hoạt động thì lại kìm hãm sự phát triển kinh tế của hộ gia đình và của địa phương...Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn.

Câu hỏi thứ hai, Các đối tượng phải nộp phí nước thải công nghiệp, đã được phòng Tài nguyên và Môi trường gửi công văn đôn đốc kê khai, nộp phí lần 2 nhưng vẫn ko thực hiện việc kê khai, nộp phí thì bị xử lý như thế nào?

+Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên: Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các phòng Tài nguyên và Môi trường cụ thể như sau: Tại Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 đã nêu rõ: Các địa phương thực hiện giải pháp quy hoạch gồm: xác định lại quỹ đất, xác định cụ thể những vùng trang trại chăn nuôi theo quy hoạch; quy hoạch đất phát triển chăn nuôi tập trung phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương, gắn với quy hoạch nông thôn mới theo Nghị Quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; các trang trại chăn nuôi tập trung xây dựng trước, không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của địa phương, có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, không khắc phục được buộc phải giải thể hoặc ưu tiên di dời trước đến vùng quy hoạch.

Như vậy, theo quyết định của UBND tỉnh các cơ sở chăn nuôi nêu trên không thuộc quy hoạch thì không được chấp thuận bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, phải thực hiện di dời đến vùng quy hoạch chăn nuôi của địa phương. Khi xây dựng cơ sở chăn nuôi tại vị trí mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 12 và Điều 29, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã quy hoạch sử dụng đất theo tinh thần Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên, xây dựng kế hoạch, phương án di dời các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn vào vùng quy hoạch để phát triển kinh tế trên địa bàn.

Trả lời cho câu hỏi thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, chậm nộp, cố tình trốn không thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, bị xử lý theo quy định tại Điều 37 nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

- Phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền phí chậm nộp đối với hành vi chậm nộp phí;

- Phạt 10% số tiền phí thiếu đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phí phải nộp;

- Phạt từ 2 đến 3 lần số tiền phí đối với hành vi trốn nộp phí. Trong trường hợp bạn nêu, phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương cần căn cứ quy định tại Điều 37 nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành lập biên bản và trình cấp có thẩm quyền xử phạt và truy thu số phí chậm nộp, trốn nộp theo quy định.

-Cao Tư Đỉnh, 48 tuổi ở Thanh Hóa hỏi: Một Công ty khai thác và chế biến khoáng sản được UBND tỉnh cấp QĐ về việc: Cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đât để Công ty có điều kiện đánh giá trữ lượng mỏ làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện chì kẽm 5000 tấn/năm. Khi có QĐ Công ty này không tổ chức thăm dò mà làm tài liệu và bản đồ giả để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Sau đó Công ty tung tin là kết quả thăm dò cho trữ lượng mỏ cực lớn, làm 300 năm mới hết. Về hàm lượng cực cao, sản xuất lợi nhuận 100%, công ty kêu gọi các cá nhân tổ chức tham gia mua cổ phần và đầu tư, nhà máy xây dựng xong, chạy thử, Giấy chứng nhận đầu tư đã được UBND tỉnh cấp, nhưng do không làm thăm dò nên mấy năm nay Công ty này mò mẫm phương án khai thác và phương án sản xuất đều không thực hiện được, hiện nay Công ty này nợ nần chồng chất, Nợ thuế, nợ đầu tư, nợ lương, sản phẩm không có, nợ tiền đặt cọc của khách hàng, cổ tức cổ đông không có lợi nhuận. Kết quả: Do làm tài liệu và bản đồ giả về kết quả thăm dò nên đến nay Nhà máy vẫn không hoạt động, công ty nguy cơ phá sản, cổ đông và nhà đầu tư nguy cơ mât trắng. Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai? Cơ quan nào giải quyết? Cổ đông và nhà đầu tư kêu với ai, cơ quan chức năng nào?

+Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: Trường hợp bạn hỏi không nêu rõ tên Công ty, địa điểm mỏ. Tuy nhiên nếu Công ty làm giả tài liệu trữ lượng để báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường thì Sở  sẽ không bao giờ chấp nhận và tài liệu này không có giá trị. Việc Công ty tung tin trữ lượng nhiều để kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp vốn, mua cổ phần nhưng các tổ chức, cá nhân này không tìm hiểu trữ lượng này được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa, có đảm bảo độ tin cậy hay không nên khi đầu tư vào không hiệu quả, thua lỗ là thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đó. Cơ quan nhà nước không có trách nhiệm giải quyết.

-Ông Nguyễn Hào Hùng, 43 tuổi ở Phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hỏi: Bãi rác Trảng Dài bao giờ được di dời đi. Hoạt động của bãi rác này phát sinh mùi rất hôi thối, nhất là vào ban đêm. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này đến nhiều cơ quan chuyên môn liên quan nhưng đến nay vẫn tồn tại bãi rác lớn trong lòng thành phố.

+Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai: Bãi rác Trảng Dài được hình thành từ năm 1988 theo quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai, nhằm thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh của thành phố Biên Hòa. Khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom về bãi rác Trảng Dài hiện nay trung bình khoảng 550 tấn/ngày. Theo thời gian, tốc độ phát triển dân cư vùng xung quanh bãi rác Trảng Dài tăng nhanh, áp sát vào vành đai của bãi rác, không còn đảm bảo theo quy định về môi trường và xây dựng.

Mặc dù thời gian qua Chủ đầu tư của bãi rác Trảng Dài là Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý các vấn đề môi trường phát sinh, cải thiện tình hình ô nhiễm tại bãi rác rất nhiều so với trước đây, đặc biệt là vấn đề mùi hôi. Nhưng do đặc thù của rác thải nên vào một số thời điểm, nhất là thời điểm tiếp nhận rác, vẫn còn mùi hôi phát sinh phát tán theo chiều gió làm ảnh hưởng đến dân cư xung quanh bãi rác.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch di dời bãi rác này về xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục và tiến hành xây dựng bãi rác Vĩnh Tân đúng tiến độ để đến cuối

-Công ty cổ phần Phú Hà, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai hỏi: Năm 2012, Công ty tôi đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Do đó, năm 2012 Công ty tôi đã thực hiện ký quỹ lần đầu theo Quyết định được phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian trong Dự án cải tạo phục hồi môi trường (30 năm) khác thời gian được cấp trong giấy phép khai thác (5 năm) nên Công ty tôi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh tổng số tiền ký quỹ (căn cứ Quyết định 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng chính phủ). Theo đó thì số tiền Công ty tôi đã ký quỹ lần đầu (năm 2012) đủ cho Ký quỹ lần đầu (năm 2012), năm 2013 và thừa ra một khoản tiền là “A”. Đến năm 2013, Công ty tôi đã chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH MTV Trung Anh và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép chuyển nhượng. Như vậy, Công ty tôi có được phép rút số tiền thừa “A” hay không? Và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vấn đề trên cho Công ty tôi?

+Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nếu trước thời điểm chuyển nhượng công ty đã thực hiện ký quỹ đầy đủ theo quy định và số tiền thừa ra là A thì công ty được phép rút số tiền thừa ra. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề trên là cơ quan thẩm định, phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường của Quý công ty.

Tính đến 17h chiều 28/10, hệ thống giao lưu trực tuyến đã nhận được tổng số là 993 câu hỏi, trong đó có 513 câu hỏi được gửi đến Bộ, 480 câu hỏi gửi đến các Sở Tài nguyên và Môi trường. Như vậy tỷ lệ khoảng 50% Trung ương, 50% địa phương. Các câu hỏi gửi đến thuộc lĩnh vực đất đai: 442 chiếm tới trên 45% tổng số câu hỏi, lĩnh vực môi trường: 75; lĩnh vực khoáng sản: 28; còn lại là các câu hỏi thuộc các lĩnh vực: tài nguyên nước; đo đạc bản đồ, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo.

Về lĩnh vực đất đai: các câu hỏi, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp tập trung chủ yếu liên quan tới trình tự thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó cũng có một số câu hỏi về công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư và giá đất; điều kiện thực hiện quyền sử dụng đất, chuyển nhượng và cho thuê đất,...

Về lĩnh vực môi trường: các câu hỏi tập tập trung giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Ngoài ra, vấn đề chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; quan trắc mẫu nước thải cũng được nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Về lĩnh vực khoáng sản: các vướng mắc tập trung giải đáp các vấn đề liên quan đến phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước: các câu hỏi quan tâm tới các quy định về xả nước thải vào nguồn nước ngầm, hồ sơ cấp phép xả nước thải.

Ngoài ra, các lĩnh vực biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và  bản đồ cũng bắt đầu được người dân và doanh nghiệp quan tâm.

 Phát biểu kết luận buổi giao lưu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển  chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở  Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khẩn trương hoàn thiện việc giải đáp các câu hỏi được người dân và các doanh nghiệp gửi đến, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong thời hạn 01 tuần. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung xem xét và rà soát lại việc thực thi các chính sách pháp luật, kiểm tra thực thi chính sách pháp luật và hoàn thiện thể chế, qua đó, rút kinh nghiệm về những khiếm khuyết trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ và của ngành tài nguyên môi trường.

 

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo