Giáo viên thừa nhận đánh trẻ là người có bản lĩnh
"Những giáo viên dám thừa nhận việc đánh trò là những lời nói thật. Những câu nói trơn tru và khẳng định chắc chắn không có chuyện đó xảy ra thì chưa hẳn đã là lời nói thật, có khi chỉ là ngụy biện”, TS Trịnh Xim - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) chia sẻ.
Đặc biệt chú trọng đến chữ “tâm”
TS Trịnh Xim cho biết, đứng trước thực tế ngày càng nhiều những vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành, điều đáng nói là xã hội càng lên án thì dường như số các vụ việc càng tăng, với mức độ càng nghiêm trọng, dã man hơn. Điển hình gần đây là vụ việc hai bảo mẫu tại TP.HCM đánh đập, dúi đầu... 5 trẻ; trẻ 1 tuổi bị bảo mẫu giẫm đạp đến chết tại quận Thủ Đức (TP.HCM).
Đi tìm câu trả lời lý giải cho những vụ việc này, TS Xim cho rằng, có nguyên nhân từ nhiều phía. Và nguyên nhân quan trọng là khả năng quan sát.
Phụ huynh bỏ qua hết việc quan sát cảm xúc, phản ứng của con cái mà chỉ quan tâm tới việc con phải ăn cái gì, ăn nhiều hay ít mà không đặt ngược lại “con ăn có ngon miệng không?”.
Giáo viên chỉ quan tâm tới việc trẻ phải ăn, ăn thật nhiều mà không hỏi con có thích ăn không.
Để xảy ra những vụ việc như vậy, cô Xim cho rằng lỗi trước tiên thuộc về người giáo viên, đồng thời vai trò của người quản lý cũng không thể phủ nhận. Đã lựa chọn, được đào tạo theo nghề đặc biệt này thì bản thân giáo viên phải xác định rõ cái tâm với nghề.
Giáo viên không được đánh trẻ em, phụ huynh không được đánh con. Tất nhiên, trên thực tế có thể phải chịu tác động từ nhiều yếu tố mà chữ “tâm” bị hoen ố, biến chất. Điển hình là những vụ việc bạo hành liên tiếp xảy ra như báo chí phản ánh.
Về phía nhà trường, cô Xim thừa nhận những trăn trở, cũng nhìn thấy cái lỗi của mình sau mỗi vụ việc như vậy. Cô thường lấy ví dụ đưa ra cho sinh viên thảo luận, phân tích để nhìn nhận lại cái đúng cái sai, cách xử lý tình huống cho hài hòa.
Cô Xim đặc biệt nhấn mạnh tới chữ tâm trong nghề. Theo cô, một cô giáo mầm non ngoài kiến thức, trình độ thì phải có một tình cảm đặc biệt với nghề với trẻ.
Nhận thức rõ điều này nên trong hầu hết chương trình giảng dạy chữ tâm luôn được chú trọng ngoài chương trình chuyên sâu còn được lồng ghép ở hầu hết các môn dạy khác.
“Ngay từ những ngày đầu vào học, sinh viên đã được giảng viên trò chuyện, định hướng để sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề mà mình lựa chọn. Cùng với đó là chương trình giảng dạy, xuyên suốt trong chương trình là những môn học chuyên sâu, đều hướng sinh viên tới cái tâm của nghề. Nguyên tắc là đã lựa chọn nghề này thì phải yêu nghề, kiên trì, làm chủ được tình huống.
Thực tế cũng có nhiều sinh viên khi lựa chọn có cái tâm thật, nhưng cũng có những sinh viên lựa chọn vì gia đình, vì an nhàn…”, cô Xim cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra những mâu thuẫn lý thuyết thì hay còn thực hành lại dở. Cô Xim cho rằng, một phần có lỗi của truyền thông. Nếu tôn vinh điều tốt thì sẽ trở thành những tấm gương tốt.
Thứ hai là bản lĩnh, bản thân mỗi cô giáo, một sinh viên phải có sự đấu tranh, tự suy xét. Lý giải việc đào tạo thì tốt, chữ tâm luôn được chú trọng nhưng những vụ bạo hành lại ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, cô Xim giải thích: Khi vào thực tế sẽ có nhiều điều phát sinh ví dụ như áp lực từ công việc, từ giáo viên, nhà trường, từ phụ huynh… Chính vì vậy khó tránh khỏi có những giáo viên sẽ có những câu mắng chửi, thậm chí đánh học sinh.
“Tôi cho những giáo viên dám thừa nhận việc đánh trò là những lời nói thật, có bản lĩnh. Những câu nói trơn tru và khẳng định chắc chắn không có chuyện đó xảy ra thì chưa hẳn đã là lời nói thật, có khi chỉ là ngụy biện”, cô Xim thẳng thắn.
Không chắc chắn sẽ là cô giáo tốt
Mặc dù được đào tạo bài bản, chữ tâm luôn xuyên suốt trong quá trình học tập nhưng nhiều sinh viên tại trường này lại không dám tự tin khẳng định sẽ trở thành một giáo viên tốt.
Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, chia sẻ điều quan trọng nhất của một cô giáo mầm non là phải yêu nghề, yêu thương trẻ con như con mình. Bên cạnh đó, cô giáo mầm non cũng phải có cái tâm thì mới chăm sóc được cho những đứa trẻ tốt.
Hằng cho biết, do là sinh viên năm đầu nên những môn chuyên ngành các em chưa được học.
Trong khi đó nhóm sinh viên của lớp A2, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ khá tích cực.
Những cô giáo trẻ hào hứng nói về tâm huyết, lòng yêu nghề và tình cảm đặc biệt của một cô giáo trẻ.
Sinh viên Nguyễn Hải Yến chia sẻ niềm vui khi thi được vào trường này. Theo sinh viên này điều khó khăn nhất là các em phải thi những môn năng khiếu. Vì trong suốt thời gian học tại đây, những môn năng khiếu sẽ là những môn chủ đạo chạy suốt chương trình học của các em tại trường.
“Chúng em phải học hát cho thật hay, kể chuyện thật truyền cảm, múa thật đẹp…”, Yến chia sẻ.
Yến cho biết, trong chương trình học em cũng được học những môn kỹ năng, xử lý tình huống thực tế, ví dụ trẻ nôn, trớ, bị bỏng… cô giáo mầm non sẽ phải xử lý như thế nào.
Mặc dù các kỹ năng này các em đã được học và thực hành nhuần nhuyễn trong nhà trường, nhưng khi đứng trước hoàn cảnh thực tế thì hầu hết nhóm sinh viên này đều bày tỏ sự bỡ ngỡ.
Theo Yến, cách xử lý tình huống trên lớp khác hoàn toàn với thực tế, ví dụ với một trẻ bị nôn trớ, trong khi học lý thuyết các em sẽ được học phải đỡ trẻ thế nào, lau bao nhiêu lần, quét dọn ra sao… nhưng khi đi thực hành tại các trường, thì cách xử lý của các em là lau cho trẻ và “cuốn chiếu”.
Sinh viên Trần Thanh Tú thì cho biết, ở trường các em luôn được dạy phải là một cô giáo có tâm, phải biết yêu thương trẻ và đặc biệt phải biết kiềm chế trong mọi tình huống.
Khi được hỏi về tình huống của hai cô giáo bạo hành trẻ tại TP.HCM, cô giáo tương lai này thật thà, lý thuyết là vậy nhưng khi ra thực tế em vẫn bị bất ngờ: “Em không chắc sau này ra trường sẽ không có cái bạt tai, cái phát mông hay có lời nói nặng với trẻ vì có nhiều tình huống cộng với áp lực công việc khiến mình khó kiềm chế”.
Trong khi đó, sinh viên Hoàng Linh lựa chọn ngành này vì em yêu trẻ, phù hợp với con gái và cơ bản là rất dễ lấy chồng. Nhưng sinh viên này cũng gặp khó khăn và không tự tin khi cho rằng “em thấy có nhiều tình huống khiến em muốn nổi cáu nhưng em chưa tìm ra cách giải quyết”.
Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên này đều mong muốn khi ra trường sẽ trở thành những cô giáo mầm non có tâm. Quan niệm về chữ tâm của các cô giáo trẻ cũng rất đơn giản, rõ ràng: như 5 nguyên tắc đã được học trên trường. Mặc dù các sinh cho biết, chữ tâm được lồng ghép thường xuyên, hàng ngày trong tất cả các môn học để nhắc cho một giáo viên luôn nhớ đến cái tâm của nghề nhưng khi được hỏi về 5 nguyên tắc đó là gì thì cả nhóm 5 sinh viên này đều không nhớ.
Khá bất ngờ là có mong muốn như vậy nhưng các sinh viên này đa phần đều không tự tin để khẳng định mình sẽ là một giáo viên mầm non thật sự tốt và có cái tâm với nghề. Theo lý giải là còn phụ thuộc và nhiều yếu tố thực tiễn như môi trường, phụ huynh và áp lực với công việc.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo