Tin tức - Sự kiện

Giới chủ nói chuyện lương tối thiểu

Trong điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2015 thêm 15,1% khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Ý kiến một số doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

Nếu áp dụng quy định lương tối thiểu với những ngành thâm dụng lao động thì cũng cần chú ý đến thực tế rằng đây là ngành bị ảnh hưởng khá nặng nề trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay

Ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn:

Hãy nhìn vào doanh nghiệp để làm chính sách
 
Nếu xét về khía cạnh nhân văn thì đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động là đúng. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh kinh tế còn trì trệ, doanh nghiệp làm ăn rất khó khăn như hiện nay thì việc tăng lương tối thiểu là chưa đúng thời điểm.
 
Theo tôi, doanh nghiệp nào cũng muốn tăng lương cho nhân viên để giữ người và kéo thêm lao động giỏi, nhưng cũng còn tùy vào từng giai đoạn làm ăn. Hiện tại, Giấy Sài Gòn có 1.500 lao động, thu nhập bình quân của người lao động có cao hơn so với mức lương tối thiểu vừa được đề xuất nhưng chi phí đóng bảo hiểm xã hội hiện thấp hơn do áp dụng theo khung lương cũ. Chúng tôi cũng chỉ có thể chịu đựng đến mức này trong lúc tình hình làm ăn rất khó.
 
Nếu Nhà nước muốn bảo đảm quyền lợi cho người lao động thì trước mắt nên căn cứ vào "sức khỏe" của doanh nghiệp để đưa ra chính sách. Thay vì quyết định tăng thêm lương tối thiểu - một quyết định tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp, Nhà nước nên làm cho nền kinh tế vĩ mô tốt hơn để doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, sau đó mới buộc doanh nghiệp phải tăng lương, tăng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
 
Ngoài ra, nếu Nhà nước bắt doanh nghiệp phải thực hiện quy định mới thì cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tình hình hiện tại và phải tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Những người làm ăn chân chính thường phải gánh đủ mọi loại thuế, phí trong khi đó những cơ sở sản xuất khác lại không thực hiện đúng quy định.
 
Bà Dương Thanh Thủy - Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy:
 
Không nên đẩy gánh nặng cho doanh nghiệp
 
Theo tôi, rất nhiều công ty không áp dụng quy định lương tối thiểu vì lỗi thời so với cách trả lương. Chẳng hạn, tại công ty tôi, lương của một nhân viên bình thường đã cao hơn quy định lương tối thiểu và chúng tôi đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương thực tế này. Tùy vào điều kiện kinh doanh và giá trị từng nhân viên mang lại mà chúng tôi có mức lương phù hợp để giữ chân người lao động.
 
Trong tình hình hiện tại, nếu Chính phủ vẫn muốn đưa ra quy định về lương tối thiểu thì nên phân chia lĩnh vực doanh nghiệp để áp dụng. Theo tôi, quy định này có thể phù hợp với một số ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may - nơi có khá nhiều lao động phổ thông vốn được xem là cần bảo vệ trong điều kiện thu nhập không đủ sống. Ở những lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi chất xám cao thì hầu như không ai trả lương cho người lao động theo quy định này.
 
Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định lương tối thiểu với những ngành thâm dụng lao động thì cũng cần chú ý đến thực tế rằng đây là ngành bị ảnh hưởng khá nặng nề trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay. Nếu bắt những doanh nghiệp này phải chịu thêm gánh nặng của chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn thì việc làm ăn của họ càng khó khăn và có thể người lao động chính là đối tượng gánh chịu hậu quả.
 
Giám đốc một công ty gia công giày xuất khẩu tại Bình Dương (không muốn nêu tên):
 
Nhà nước nên quản lý chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
 
Nếu tăng lương tối thiểu 14-15% so với hiện nay vào năm 2015, tức lên 3,1 triệu đồng/tháng, thu nhập của người lao động chắc chắn sẽ tăng. Bởi vì, ngoài lương tối thiểu, các khoản thưởng, tăng ca cũng tính dựa trên mức tối thiểu này. Hiện thu nhập của mỗi công nhân mới vào làm đã ở mức 6-7 triệu/tháng (nếu có làm thêm ca).
 
Trong bối cảnh phải tính từng đồng từng cắc để giá gia công sản phẩm cạnh tranh với các nước khác, đảm bảo lợi nhuận chút đỉnh để duy trì hoạt động của công ty thì đề xuất này làm chúng tôi lo lắng. Trong bốn năm qua, giá gia công của công ty gần như không tăng.
 
Quỹ lương của công ty mỗi tháng hiện khoảng 10 tỷ đồng và sẽ tăng lên 11-12 tỷ đồng nếu lương tối thiểu tăng thêm 15%. Công ty đang có bốn chuyền (sản xuất), với 1.200 công nhân, nếu chi phí nhân công quá cao, công ty có thể tính đến chuyện giảm chuyền sản xuất. Khi ấy những công nhân bị nghỉ việc sẽ đi đâu?
 
Tôi cho rằng, không cần tăng lương, chỉ cần Nhà nước quản lý làm sao cho giá cả hàng hóa, thực phẩm không tăng để người lao động đảm bảo được đời sống, doanh nghiệp cũng yên tâm vì sản phẩm của mình có lợi thế cạnh tranh so với những nước khác trên thị trường quốc tế.
 
Trước đó, Hiệp hội Da giày có lấy ý kiến của doanh nghiệp trong ngành và đồng ý 5-10% là mức tăng lương tối thiểu mà doanh nghiệp trong ngành có thể chịu được trong tình hình hiện nay. Nhưng tôi không hiểu Hội đồng Tiền lương quốc gia căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất 15%.
 
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng:
 
“Túi” doanh nghiệp đang co hẹp
 
Công ty chúng tôi có đến 2.000 lao động nên chi phí sẽ tăng nhiều nếu lương tối thiểu tăng thêm 15%. Tăng lương thì giá thành sản xuất cũng sẽ tăng. Điều này sẽ giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá bán. Nếu sức mua của thị trường đi xuống thì doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm theo và sẽ ảnh hưởng trở lại đối với người lao động.
 
Theo tôi, tuy cơ quan quản lý nói việc tăng thêm 15% lương tối thiểu là hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động nhưng thực chất là doanh nghiệp đang bị “móc túi”.
 
Việc tăng lương phải đi liền với việc tăng năng suất lao động nhưng điều này không đúng trong trường hợp của lao động Việt Nam nên tăng lương sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp.
TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo