Giúp da giày xuất khẩu vượt rào cản kỹ thuật
Các doanh nghiệp (DN) da giày trong nước đang có nhiều cơ hội để tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết. Song làm thế nào để da giày Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật ở các thị trường này là bài toán không hề đơn giản, đặc biệt với DN vừa và nhỏ.
Thiếu tiêu chí an toàn sản phẩm
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu da giày sang thị trường EU suy giảm đáng kể, một phần do các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm ngày một nhiều. Kết quả điều tra 139 DN vừa và nhỏ ngành da giày, do Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện cho thấy DN da giày Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Hạn chế lớn của các DN da giầy hiện nay là thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU, đặc biệt là thiếu tiêu chí về an toàn sản phẩm (đặc trưng cho mức độ an toàn khi sản xuất hay tiêu dùng sản phẩm), chỉ tiêu an toàn sinh thái (phản ánh mức độ gây độc hại, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh trong quá trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm),v.v...
Có một thực tế là, an toàn sinh thái sản phẩm là vấn đề khá mới mẻ và khó đối với các DN cũng như các nhà sản xuất tiêu thụ nội địa. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ DN chưa quan tâm đến các tiêu chí an toàn sinh thái sản phẩm da giày khá cao, tập trung chủ yếu vào nhóm DN sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất da giày tiêu dùng nội địa.
Trong khi đó, Việt Nam cũng chưa có các thương hiệu mạnh, chứng nhận tiêu chuẩn của Việt Nam lại chưa được quốc tế thừa nhận, do vậy chi phí xuất khẩu tăng vì phải đánh giá nhiều lần. Bên cạnh đó, ngành da giày cũng chưa có đầu mối quản lý, cung cấp một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Một thực trạng khác là phần lớn các DN da giày hiện nay hoạt động sản xuất và xuất khẩu theo mô hình CMC, tức là khách hàng cung cấp mẫu thiết kế, nguyên liệu và bộ tài liệu hướng dẫn tuân thủ và yêu cầu kỹ thuật. Chính vì vậy, việc tuân thủ phần lớn bị động theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Hỗ trợ DN gỡ khó
Hiện có 800 DN hoạt động trong ngành công nghiệp da giày, trong đó có tới 70% là DN vừa và nhỏ. Theo các chuyên gia, khi các hiệp định thương mại tự do khu vực (ASEAN) và giữa Việt Nam với các đối tác (trong đó có EU) thực thi, việc cạnh tranh không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa. Khi đó, các DN vừa và nhỏ sẽ là đối tượng bị tổn hại lớn nhất khi mở cửa thị trường thông qua FTA, tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho các DN này.
Từ tháng 5/2010, Chính phủ đã triển khai Chương trình quốc gia về “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” với 9 dự án thành phần. Nằm trong khuôn khổ chính sách chung đó, tháng 9/2014, Viện Nghiên cứu da giày, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã liên kết với Đại học Northampton của Anh xây dựng Dự án “Hỗ trợ DN da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm”.
Dự kiến, dự án triển khai trong thời gian 30 tháng với kinh phí trên 314.000 euro sẽ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; tiếp cận dịch vụ kiểm nghiệm với giá cả phù hợp và được chứng nhận bởi khách hàng quốc tế. Có 3 phòng thí nghiệm hiện tại của Việt Nam sẽ được nâng cấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo và tập huấn thông qua dự án sẽ nâng cao năng lực xuất khẩu để có thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của EU.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, Điều phối viên dự án nhấn mạnh: “Một kết quả quan trọng của dự án là xây dựng trung tâm tư vấn, kiểm định dịch vụ, thử nghiệm đầu tiên của Việt Nam (Trung tâm OSSC) để tư vấn, cung cấp thông tin về quy chuẩn, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu cho DN”.
Trung tâm này cũng sẽ bù đắp được lỗ hổng về thông tin của DN da giầy, trong bối cảnh các DN này hiện vẫn đang phải tự xoay xở tìm kiếm, cập nhật thông tin về các quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm ở các thị trường Mỹ, EU.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng về lâu dài các cơ quan chức năng cần xây dựng được các quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm da, giày; xây dựng bộ quy định về chất lượng và yêu cầu về hóa chất, môi trường để các DN da giày trong nước áp dụng cho phù hợp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Báo Tin tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo