Năm 2023: Doanh nghiệp kỳ vọng vào một "lực đẩy" mạnh mẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế
Nghị quyết 01 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ / Nghị quyết 01 của Chính phủ: Quyết liệt hành động ngay từ ngày đầu tiên
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, đầu tháng 1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết 01).
Nghị quyết đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong đó khẳng định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Ông Tuấn lưu ý, thông lệ vào những ngày đầu năm mới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết 02 về các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy vậy, năm nay, lần đầu tiên Nghị quyết 02 được tích hợp vào Nghị quyết 01.
“Nếu nhìn vào nhóm giải pháp thuộc Nghị quyết 01 sẽ thấy những trọng tâm ưu tiên, định hướng của Chính phủ, nhiệm vụ các địa phương và bộ ngành cần thực hiện trong năm, nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này thể hiện tầm nhìn và mong muốn thay đổi của Chính phủ.
Cho nên, các doanh nghiệp và nhiều bên có liên quan kỳ vọng Nghị quyết 01 sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra. Thực thi tốt và có cơ chế giám sát thực thi tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đối với nền kinh tế”, ông Tuấn nói.
Cũng theo Phó Tổng Thư ký VCCI, năm 2022, Việt Nam đã rất thành công trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều, đã có những tín hiệu không lạc quan về bối cảnh kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều ngành hàng, đơn hàng có dấu hiệu giảm, thậm chí giảm mạnh trong quý 4/2022 và trong một vài tháng vừa qua. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và quý 4/2022 đã chứng kiến sự tác động mạnh từ các chính sách về tài chính, ngân hàng được điều chỉnh.
Tác động có những lúc rất căng thẳng và nghiệt ngã đối với doanh nghiệp, nhất là trên lĩnh vực bất động sản. Năm 2023 tiếp tục là giai đoạn có nhiều thử thách trên lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia nói về giải pháp để thị trường bất động sản phục hồi. Trong đó, phía các cơ quan Nhà nước phải tiếp tục phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp một cách hợp lý và chấp nhận được.
Những kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp đã và đang khó khăn. Nếu vốn vay qua kênh trái phiếu thì lĩnh vực này đang trong quá trình điều chỉnh. Vốn vay qua ngân hàng lãi suất rất cao, hạn mức thấp.
“Việc tìm ra giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nhiều nguồn vốn là rất quan trọng trong năm 2023. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tái cơ cấu, đổi mới mạnh mẽ. Các doanh nghiệp phải chấp nhận một điều thị trường không còn như trước, giải pháp phải mạnh mẽ mới phù hợp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách do dịch COVID-19, ông Tuấn cho rằng, việc này sẽ tạo lực đẩy lớn cho những ngành như du lịch quốc tế của Việt Nam. Nhiều địa điểm du lịch có tỷ trọng người Trung Quốc tham quan rất lớn. Đây cũng là tin vui cho nhiều ngành dịch vụ của Việt Nam.
Các hoạt động giao thương sẽ thuận lợi hơn. Những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên liệu cũng như doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn ở khía cạnh thị trường tốt hơn. Nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc tăng. Thủ tục xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ thông thoáng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại. Đầu tiên là về biến thể mới COVID-19, nếu Trung Quốc mở cửa sẽ tạo thách thức rất lớn. Cùng với đó, Trung Quốc khởi động lại nền kinh tế với tốc độ cao thì những nhu cầu về nguyên nhiên liệu tăng, nhu cầu tăng giá về nguyên vật liệu sẽ lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.
"Về lâu dài, khi Trung Quốc mở cửa mạnh mẽ thì mức độ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường quan trọng của Việt Nam sẽ mạnh. Điều mà khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang quan sát và lo ngại. Kịch bản về kinh tế Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong sự phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2023”, ông Tuấn nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo