Triển khai Nghị quyết 01: Gắn tăng trưởng với hiệu quả thực chất
Nghị quyết 01 đã nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng, có nhiều điểm mới đáng chú ý để ứng phó với những diễn biến khó lường trong năm nay.
Khơi thông thị trường, hóa giải chuỗi cung ứng hậu COVID-19 (Bài 5) / Động lực tăng trưởng kinh tế
(Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Nghị quyết số 01 được ban hành hằng năm, là văn bản mang tính định hướng của Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra tại các Kết luận, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển KTXH.
Nhận diện tình hình quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong Nghị quyết 01 đã nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng, có nhiều điểm mới đáng chú ý để ứng phó với những diễn biến khó lường trong năm nay.
Những điểm mới trong Nghị quyết 01
Nghị quyết số 01 năm 2023 của Chính phủ đã về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu...thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 tập trung nghiên cứu, xây dựng bám sát các kết luận của Trung ương, Nghị quyết số 68 và 69 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH, Dự toán NSNN năm 2023.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết số 01 đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khoá 15 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Nghị quyết 01 nêu rõ tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Đặc biệt, Nghị quyết 01 năm 2023 đã lồng ghép nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết 01 xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với trách nhiệm của cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá theo mốc thời gian hoàn thành cụ thể theo từng tháng, từng quý trong năm, tạo thuận lợi cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác theo dõi, chỉ đạo điều hành.
Gắn tăng trưởng với hiệu quả thực chất
Năm nay là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Nghị quyết 01 nêu rõ, các bộ ngành, địa phương bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Sau khi nghị quyết được ban hành, nhiều bộ ngành, Hậu Giang đã ngay lập tức xây dựng Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này. Những khu công nghiệp tại Hậu Giang đã dần được lấp đầy. Từ một địa phương tăng trưởng chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì nay tỷ trọng công nghiệp đã dần tăng lên. Năm 2022, Hậu Giang đã đón nhận thêm 12 dự án, với tổng vốn gần 19.000 tỉ đồng. Với nghị quyết 01 của Chính phủ, năm 2023 địa phương này đang đặt những mục tiêu lớn hơn với tổng diện tích khu công nghiệp của tỉnh hơn 2.200 ha.
Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Tỉnh xây dựng tiêu chí thu hút những ngành nghề có tính lan tỏa, có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường".
Hiện nhiều địa phương trong cả nước cũng như các bộ ngành đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay sau khi Nghị quyết 01 được ban hành.
Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai 108 nhiệm vụ, trong đó 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì. Song song với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì trọng tâm là tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá.
Tại Nghị quyết 01, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao 09 chỉ tiêu Kế hoạch cho năm 2023, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8-9%, tăng trưởng xuất khẩu 6-6,5%... Bộ đã cụ thể hóa thành 09 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nói: "Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ chủ động tham mưu với chính phủ xây dựng chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tham gia có chọn lọc và thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường, mở rộng các hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới".
Các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 01 có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm, bám sát các kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội. Đặc biệt, Nghị quyết 01 năm 2023 đã lồng ghép nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: "Với nghị quyết 01 này, nhiệm vụ sẽ ít hơn nhưng sẽ tập trung vào hiệu quả, đặc biệt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả triển khai nghị quyết".
Năm 2023 được dự đoán là năm tồi tệ thứ 3 đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thế kỷ này. Điều này cũng đồng nghĩa thách thức với nền kinh tế Việt Nam không hề nhỏ. Nhận diện thách thức này, việc triển khai nhanh chóng và đưa ra các kế hoạch hành động cho năm 2023 của các bộ ngành địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Trước ngày 20/01/2023, bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023.
Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nêu rõ: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục".
Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo