Góc nhìn

Vụ chia tài sản ly hôn tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: Tại sao người phụ nữ không được quyền sở hữu cổ phần?

DNVN - Điều không thể phủ nhận là quá trình phát triển của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên gắn liền với cuộc hôn nhân của vợ chồng “vua cà phê”. Thế nhưng, khi ly hôn, tại sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại không được quyền sở hữu cổ phần của mình tại các công ty của tập đoàn này?!

Cuộc ly hôn nghìn tỷ của đế chế cà phê Trung Nguyên làm hải quan bị "vạ lây" / Chuẩn bị xử phúc thẩm vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên

Vụ ly hôn được coi là kết thúc khi Tòa án ND tối cao phát hành Quyết định Giám đốc thẩm ngày 7/5/2021. Tài sản chung của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên là bất động sản được chia theo tỉ lệ 50-50, thế nhưng tài sản chung là cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vàng, ngoại tệ, tiền... được tòa tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia 60% và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia 40% tổng giá trị tài sản chung. Như vậy, sau khi ly hôn, tài sản bà Thảo được chia là 3.245 tỷ đồng và ông Vũ được chia số tiền là 4.687 tỷ đồng.
Sự hình thành và phát triển của tập đoàn cà phê Trung Nguyên gắn liền với cuộc hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Diệp Hoàng Thảo.

Sự hình thành và phát triển của tập đoàn cà phê Trung Nguyên gắn liền với cuộc hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Diệp Hoàng Thảo.

Dưới danh nghĩa bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên và để đảm bảo cho hoạt động ổn định của Tập đoàn Trung Nguyên, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán giá trị cổ phần cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo Luật Hôn nhân gia đình (khoản 3 Điều 59), tài sản chung vợ chồng được chia bằng hiện vật, trường hợp không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Điều 64 Luật Hôn nhân gia đình cũng quy định vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng.

Cổ phần và phần vốn góp trong công ty là tài sản có thể chia được bằng hiện vật theo quy định. Cả bà Thảo và ông Vũ đều có quyền ngang nhau về yêu cầu được nhận tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 64 trên. Chính vì vậy, Viện Kiểm sát ND tối cao đã có Kháng nghị giám đốc thẩm chỉ ra rằng Bản án sơ thẩm của Tòa án ND TP.HCM và Bản án phúc thẩm của Tòa án ND cấp cao tại TP.HCM đã có nhiều vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.
Kháng nghị giám đốc thẩm khẳng cũng chỉ ra rằng cổ phần tại các công ty là tài sản chia được bằng hiện vật. Việc hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đáng tiếc, kháng nghị của Viện Kiểm sát ND tối cao đã không được Hội đồng xét xử (HĐXX) giám đốc thẩm chấp nhận. HĐXX giám đốc thẩm lập luận một cách suy diễn không có căn cứ pháp lý rằng: “Trong vụ án cụ thể này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để đảm bảo cho hoạt động của các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên được ổn định. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán giá trị cổ phần cho bà Thảo là có căn cứ, phù hợp ...” (mục [4.3.4] trang 40 Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/03/2021).
Bà Lê Diệp Hoàng Thảo không được quyền sở hữu cổ phần của mình tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Bà Lê Diệp Hoàng Thảo không được quyền sở hữu cổ phần của mình tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Điều nghiêm trọng nữa là nguyên tắc bình đẳng Nam – Nữ, Vợ - Chồng được quy định trong hệ thống pháp luật và Luật Hôn nhân gia đình đã bị phá vỡ trong vụ án ly hôn này. Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Khoản 2 Điều 213 Bộ Luật Dân sự quy định: “Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm và cả Quyết định giám đốc thẩm đều có nhận định rằng: “Từ khi vợ chồng ông Vũ, bà Thảo xảy ra mâu thuẫn, giữa bà Thảo với ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đã phát sinh 18 vụ kiện dân sự và kinh doanh, thương mại, Tòa án đã ban hành 11 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mâu thuẫn giữa bà Thảo không chỉ với ông Vũ mà với tất cả các cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông và cùng quản lý điều hành các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định, việc làm của hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên” (mục [4.3.3] trang 40 Quyết định giám đốc thẩm).

Theo các chuyên gia pháp lý, nhận định trên mang tính chủ quan và không có cơ sở. Bởi trước đó, bà Thảo đã bị nhóm thao túng trong Tập đoàn Trung Nguyên lợi dụng sự không bình thường của ông Vũ tiến hành bãi nhiệm hàng loạt các vị trí quản lý điều hành tại tất cả các công ty và không cho bà Thảo bước chân vào Tập đoàn Trung Nguyên.

Do vậy, buộc lòng bà Thảo phải khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, điều này là phù hợp với các quy định của pháp luật. Đáng lẽ ra, HĐXX giám đốc thẩm và hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm phải nhìn nhận việc kiện tụng của các bên là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tòa án là nơi đem lại công lý, xét xử theo pháp luật và lẽ công bằng.

Theo các chuyên gia pháp lý, HĐXX Giám đốc thẩm và hai cấp tòa trong vụ án này đã xâm phạm đến quyền pháp định của đương sự trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật tố tụng dân sự đó là đương sự có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015).

Có thể nói, tiến trình tố tụng vụ ly hôn đình đám của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên đã khép lại, nhưng câu hỏi về quyền của người phụ nữ trong sở hữu tài sản, quyền kinh doanh... vẫn bỏ ngỏ với dư luận (?)
Nam Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm