GS Đặng Cảnh Khanh nói về bệnh “chửi” của người Việt
Trước thực trạng một số độc giả hiện nay "cứ lên mạng là chửi" "cứ đọc báo là chửi"... đúng sai gì cũng chửi, cứ thấy người nước ngoài dù là khen hay chê Việt Nam cũng buông miệng chửi, PV đã có buổi trao đổi với GS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển, xung quanh vấn đề này.
Với tư cách là một chuyên gia truyền thông, giáo sư có thể lý giải giúp bạn đọc hiểu vì sao lại có “bệnh” chửi đó?
Ngoại trừ những người bị lạc ngoài hoang đảo một mình như Robinson, ai chẳng có nhu cầu được giao tiếp, được giãi bày và lắng nghe từ những người xung quanh. Sống mà âm thầm chẳng được nói, được nghe thì khổ lắm. Trước đây do không có phương tiện thông tin đa dạng, nên người ta thường chỉ biết nói, biết nghe ở những chốn đông người, nơi họp chợ, chỗ đình đám, quán nước, gốc đa. Việc trao đổi thông tin chủ yếu chỉ thông qua dư luận, thông qua đám đông… Vậy nên mới sinh ra cái sự ví von là “thông tấn xã vỉa hè”.
Còn ngày nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển, các phương tiện truyền thông nhiều, con người có điều kiện để nói, để nghe khắp nơi. Đó là một sự tiến bộ ghê gớm. Phương tiện thông tin không chỉ để nghe, để nói mà còn để biểu đạt quan điểm trước mọi vấn đề của cuộc sống xã hội. Sự phát triển đa dạng của thông tin, truyền thông nói lên sự phát triển của nền dân chủ. Trong điều kiện này cần phải suy xét kỹ. Theo tôi, chúng ta không nên dùng từ “chửi” để chỉ ý kiến người này hoặc ý kiến người kia, ngoại trừ những câu viết thô tục, vô văn hóa, lại càng không nên quy kết người này là “chửi” người kia là “nghiêm túc”. Mà nên suy nghĩ xem người ta đã viết gì và nói gì. Đó là thái độ đúng đắn trước mọi thông tin đa chiều.
Tóm lại là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, hành động chia sẻ thông tin, trao đổi thông tin trên các diễn đàn là một điểm tốt. Trong điều kiện đó, về phía người nói cần phải biết cân nhắc trước khi đưa ý kiến của mình lên các trang thông tin, phải biết nói lên ý kiến của mình làm sao để dư luận nghe được và không cho là chửi bới. Còn người nghe cũng phải biết chọn lọc thông tin để nghe. Cái nào người ta nói đúng thì phải nghe, đừng nghĩ rằng người ta chửi mình, cái nào người ta nói không đúng thì cân nhắc, phản hồi lại.
Theo giáo sư để chữa căn bệnh này chúng ta cần áp dụng những biện pháp gì?
Trước hết là về phía người nói, (hay nói theo sự quy kết của nhiều người là “người chửi”) cũng cần phải hiểu rằng, trước đây những lời họ nói chỉ là “thông tin vỉa hè”, góc chợ, bến sông, còn bây giờ là lên mạng, là bình luận, là phản hồi, phản biện…là có vô vàn độc giả, bốn phương, tám hướng dõi theo. Vậy thì cũng phải thận trọng khi nói, đừng có thô thiển, tục tằn khiến người ta bị sốc, vừa khó nghe, khó tin, lại vừa cho là chửi bới. Họ cần phải hiểu rằng, trong nhiều trường hợp, nội dung góp ý đúng đắn nhưng cách diễn giải nặng lời cũng có thể bị hiểu thành chửi. Do vậy mà góp ý thành vô tác dụng. Tất nhiên cũng có những người “chửi” tục, “chửi” không đúng, thì rồi chính họ cũng tự bôi nhọ mình mà thôi. Trước sau gì, dư luận cũng sẽ biết, sẽ chọn lọc được đúng sai.
Về phía người nghe hay người đọc cũng cần phải biết xử lý thông tin. Theo tôi, biết lắng nghe luôn là một đức tính tốt của con người. Nghe người ta nói cái không hay của mình mà không cảm thấy bị xúc phạm, không đỏ mặt tía tai, rồi lại còn biết theo đó mà sửa mình nữa thì thật là đáng quý. Ngày xưa vua nước Tề là Tề Tuyên Vương, phán rằng, kẻ nào giám can gián ông ta trước triều đình thì được thưởng một, kẻ nào viết lời tố cáo cái sai của ông thành văn bản trình lên thì được thưởng hai, kẻ nào giám nói điều sai của ông trước cả đám đông thì được thưởng ba. Biết lắng nghe như vậy để xây dựng đất nước thành cường thịnh thì quả là một minh quân.
Thực tế là, nhiều khi người ta góp ý rất đúng, nói thẳng nhưng nếu thành kiến trước, không biết lắng nghe, chúng ta thường có cảm giác rằng đang bị nghe chửi. Do đó, cần phải luyện tập thói quen lắng nghe, phải quen nghe cả những điều thô thiển thậm chí là chửi. Nếu người ta nói không đúng thì cũng cần bình tĩnh cân nhắc xem xét đúng sai mà rút kinh nghiệm, tìm cách để nói lại, giải thích lại.
Theo giáo sư, các phương tiện truyền thông hiện nay có đang vô tình (hoặc cố ý khuyến khích chửi để câu view) tiếp tay cho căn bệnh đó hay không?
Trước tiên chúng ta cần phải hiểu rằng báo chí ngày nay cũng cần phải lựa theo thị trường, phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người đọc. Phải tìm được những gì gây chú ý, những phát ngôn hấp dẫn hoặc lạ lẫm để thu hút người đọc tạo ra một diễn đàn và từ đó mà người ta sẽ mua báo.
Tuy nhiên, báo chí cũng có danh dự của mình. Đối với những tờ báo đăng tải những phát ngôn không có căn cứ, tục tằn, thô lỗ, thì những người có học vấn, những người biết cách xử lý thông tin sẽ không thể tin đọc mãi được. Bản thân tờ báo đó sẽ mất uy tín, sẽ mất dần lượng độc giả đứng đắn, dư luận sẽ coi thường. Do đó, nhiệm vụ của tờ báo cũng hết sức quan trọng, phải làm sao giữ được uy tín của mình.
Tóm lại, trong điều kiện các phương tiện thông tin đa dạng như hiện nay, thì cả ba phía: người phát thông tin - người được coi là người “chửi”; người nghe và xử lý thông tin và cuối cùng là cơ quan truyền dẫn thông tin đều phải hết sức cẩn trọng. Nếu cơ quan thông tin xử lý tốt tất cả các vấn đề thì chúng ta sẽ bớt được những tiếng không đúng và giữ được uy tín của tờ báo, nâng cao được dân trí, cả người nói lần người nghe .
Về phía người chửi, có người lúc khen lúc chê như thế liệu rằng họ có là người ba phải?
Trên con đường tiếp cận với thông tin, nhận thức của con người luôn thay đổi và thông tin cũng vậy. Hôm nay người ta đọc thông tin này từ một trang báo thì họ sẽ hiểu và xử lý thông tin đó ở mức hôm nay. Nhưng cũng thông tin ấy, ngày mai từ một tờ báo khác, có diễn giải dẫn chứng tỉ mỉ, xử lý thông tin tốt hơn, thuyết phục hơn, người đọc sẽ thay đổi thông tin ban đầu. Tất nhiên, thông điệp được truyền đi cũng còn phụ thuộc vào trình độ của người nghe, người tiếp nhận thông tin.
Trên thực tế cũng có những người không thực sự đứng đắn khi đăng tải thông tin. Họ xem diễn đàn thông tin như một trò chơi, họ sẵn sàng tung rất nhiều thông tin khác nhau để xem thông tin đó cuối cùng sẽ được định hướng như thế nào. Với những người này, người đọc cần phải cảnh giác.
Theo giáo sư, ứng xử đúng chuẩn của truyền thông trong vấn đề này là như thế nào?
Với những thông tin phản ánh không đúng sự thật, thậm chí có những lời lẽ chửi rủa tục tĩu thì nhà quản lý thông tin cũng phải có trách nhiệm, phải có ý kiến phản hồi. Thông tin cũng có một môi trường đặc biệt của nó. Đừng để môi trường này bị ô nhiễm, cần phải làm làm cho nó luôn trong sạch. Cần phải biết tôn trọng người đọc, phải có trách nhiệm với thông tin mà mình truyền đi trước dư luận xã hội. Đó là trách nhiệm của nhà báo, mặt khác đó cũng là trách nhiệm của người truyền dẫn thông tin.
Xin cảm ơn giáo sư !
End of content
Không có tin nào tiếp theo