GS Lê Văn Lan: Đại tướng Võ Nguyên Giáp hóa Thánh Tướng
Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hóa thân từ Nhân Tướng thành Thánh Tướng khi từ giã cõi đời này.
Ngậm ngùi tiếc nuối vì món quà dâng tặng Đại tướng chưa hoàn thành mà bác đã đi xa, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người vừa được tôn vinh “Công dân thủ đô ưu tú 2013” đã có những chia sẻ với VTC News về vị Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam bên lề lễ kỷ niệm 59 năm Ngày giải phóng Hà Nội.
Ông nói: “Cách đây hơn một năm, tôi và các đồng nghiệp có dự định tạc tượng Đại tướng, xem đó là món quà thành tâm dâng lên Người. Thông qua gia đình, Đại tướng đã biết tới dự án này. Nhưng thật buồn là chúng tôi chưa kịp hoàn thành thì Đại tướng đã ra đi rồi...
Trong lúc thai nghén, triển khai bước đầu dự án, chúng tôi đã thống nhất đặt tướng Giáp vào vị trí trung tâm giữa 4 danh tướng được thảo luận, lựa chọn để tôn vinh. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm hoàn tất dự án này. Hy vọng ở nơi cao xa, Đại tướng sẽ mỉm cười”.
- Ở góc độ lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc hàng danh tướng nào thưa ông?
Theo tiêu chuẩn thời xưa, các vị tướng được đánh giá theo cấp bậc như sau: trước tiên là bậc Dũng Tướng, sau đó đến bậc Trí Tướng, cao hơn nữa là bậc Nhân Tướng và cuối cùng, cao cả nhất là bậc Thánh Tướng.
Duy nhất có một danh tướng trong quá khứ của dân tộc đã đạt được tới hàng Thánh Tướng là vua Trần Hưng Đạo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn là Dũng Tướng, Trí Tướng, Nhân Tướng rồi, nhưng giờ đây rất may, chúng ta đang được chứng kiến một hiện thực - sự chuyển hóa, hóa thân từ vị trí cao trong hàng danh tướng, Đại tướng đang dần trở thành Thánh Tướng.
Với việc những cựu chiến binh trên 90 tuổi lập đền thờ, người dân khắp nơi sùng kính, tôn thờ Đại tướng bằng mọi hình thức thiêng liêng, thánh thiện, rõ ràng đó là sự chuyển hóa của Đại tướng từ chỗ Nhân Tướng thành bậc Thánh Tướng ở thời đại chúng ta.
Như vậy, lịch sử đã có thêm một vị Thánh Tướng nữa.
- Điều gì mà lịch sử chưa tường tận, chưa nói hết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thưa ông?
Tôi thấy trăm nghìn vạn người bằng tất cả sự chân thành, sự xúc động đến tận đáy lòng, với sự huy động tất cả các khả năng của trí tuệ đã phát biểu rất đầy đủ, rất đúng đắn về các phương diện cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nếu cần bổ sung, tôi nghĩ có một điều mà tôi đã trăn trở từ lâu, cũng là tâm nguyện của nhiều đồng chí lãnh đạo trong quá khứ, đó là: Nếu có một người duy nhất xứng đáng để được phong Nguyên soái thì đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nếu có một người duy nhất xứng đáng để được phong Nguyên Soái thì đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với độ lùi của thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể dùng thuật ngữ này, danh hiệu này để tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó là vị thầy, bậc tổ của học thuyết quân sự Việt Nam ở thời đại mới, học thuyết về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân.
Đó là vị trí, danh hiệu mà tôi tin rằng Đại tướng hoàn toàn xứng đáng được nhận.
- Theo ông điều gì đã giúp thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng quân sự tài ba?
Tôi muốn nhắc lại một câu của Karl Marx: “Trên đời này chỉ có một khoa học duy nhất là khoa học lịch sử”.
Từ chỗ duy nhất này hoàn toàn có thể triển khai, mở mang tới các lĩnh vực khác trong lịch sử, trong cuộc sống và trong cái thế giới mênh mang đầy rẫy bức xúc do nhu cầu, đòi hỏi như thế này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đã làm được như thế.
- Vì sao Đại tướng chọn nơi yên nghỉ là Quảng Bình, nhưng không phải là nơi "chôn nhau cắt rốn", thưa ông?
Một truyền thống của dân tộc ta đã được đọng lại ở các nhân vật lớn đó là tấm lòng vì quê hương, tự thức rõ rệt về quê hương, bản quán.
Các bậc minh quân thời xưa hay đế vương khi băng hà đều có nhu cầu trở về quê cha đất tổ của mình, từ nhà Lý, nhà Trần tới nhà Lê... Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ở trong thế giới của những tâm trạng, suy tư, truyền thống đó.
Ông đã nhận Quảng Bình là quê ở cái mức rộng hơn nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cho nên một chỗ nào đó ở Quảng Bình cũng là đúng nguyện vọng của ông nói về quê hương rộng hơn của mình.
- Theo ông, con đường nào xứng đáng để đặt theo tên Đại tướng?
Rồi sẽ phải chọn, nhưng các tiêu chuẩn đã được xác định rồi, chỉ cần lùa thực tế vào các tiêu chuẩn đó là được.
Tôi cho rằng đang có một cuộc bàn thảo, nhưng mọi người đều thống nhất là phải chọn một con đường to lớn, chính yếu, đẹp đẽ và có vị thế quan trọng để xứng với sự nghiệp, nhân cách của Đại tướng.
Tuy nhiên, không chỉ ngần ấy tiêu chuẩn, ta sẽ cần bổ sung nữa. Đó sẽ là cơ sở để chọn đường mang tên Đại tướng. Có một điều chắc chắn là phải theo các tiêu chuẩn ấy chứ không được tùy hứng, tùy tiện lựa chọn chỗ này, chỗ kia được.
- Kể từ khi nghe tin Đại tướng qua đời, hàng chục vạn người con ở khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí ở nước ngoài đã đến số nhà 30 Hoàng Diệu để viếng người anh hùng dân tộc này. Sự thành kính với tất cả tấm lòng này có ý nghĩa lịch sử gì thưa ông?
Tôn vinh bằng bia đá, bảng vàng thì cũng có lúc bia đá, bảng vàng mòn đi, nhưng sự tôn vinh của lòng dân thì vĩnh cửu, đẹp đẽ và mạnh mẽ nhất.
Đó là tấm lòng của nhân dân. Tôn vinh bằng bia đá, bảng vàng thì cũng có lúc bia đá, bảng vàng mòn đi, nhưng sự tôn vinh của lòng dân thì vĩnh cửu, đẹp đẽ và mạnh mẽ nhất.
Dòng người đến viếng Đại tướng dài vô tận chính là minh chứng hùng hồn cho điều đó.
- Vậy còn ông, người con ưu tú của Thủ đô, trong bối cảnh hiện tại, người dân khắp cả nước đang rơi lệ tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng, khúc ruột miền Trung đang chìm trong bão lũ, tâm trạng của ông khi đón nhận danh hiệu này thế nào?
Đây là một hoàn cảnh đặc biệt với những người được vinh danh vào năm 2013. Trước đó, vào năm 2010, đồng đội, bạn bè của chúng tôi đón nhận danh hiệu vẻ vang này với tâm trạng tưng bừng, hồ hởi, 1000 năm Thăng Long mới có một ngày như thế. Năm nay quả là có nhiều sự khác biệt.
Nhưng mà chúng ta đã có câu rất hay: Trong cái khó ló cái khôn chứ không phải cái khó bó cái khôn. Tôi cho là chính trong hoàn cảnh đặc biệt của năm 2013 này, chúng tôi càng thấm nhuần câu nói của Đại tướng mà mấy ngày qua người ta nhắc đi nhắc lại nhiều: “Tôi sống ngày nào là sống vì Tổ quốc của tôi”.
Cá nhân tôi, thôi không dám theo như đồng chí Võ Đại tướng vĩ đại, tôi sống ngày nào cũng là vì Hà Nội yêu dấu của tôi.
Chúng tôi sẽ nhân việc khắc phục khó khăn trong hoàn cảnh này, càng thêm hiểu biết, nhận thức về công việc của mình – thứ từ lâu nay gần như vắt kiệt hết sức lực, tâm trí và khả năng của chúng tôi.
Trong bối cảnh vừa tưng bừng, vui vẻ, vừa khó khăn, buồn rầu như thế này, tôi cho rằng đây là dịp để 4 hạng mục công trình mình đã làm suốt bao nhiêu năm nay là viết, nói, làm các chương trình vô tuyến truyền hình, điện ảnh, là thành viên thuộc hội đồng thẩm định các dự án, tư vấn và thẩm duyệt các đề tài..., giờ tôi phải làm sao cho tốt hơn, mạnh mẽ hơn dù khó khăn đến mấy.
- Ông từng nói ông còn ba món nợ của đời mình với Thủ đô...
Thứ nhất, nợ Hà Nội – nơi đã hình thành, nuôi dưỡng, rèn tạo tôi thành nhà sử học như bây giờ.
Thứ hai là món nợ với những người không phải là Hà Nội gốc như tôi, nhưng họ đã đến với Hà Nội và đã làm được rất nhiều việc cho Hà Nội, thậm chí còn có những người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như lời Bác Hồ từng nói. Tôi nợ các vị đó điều lớn lao ấy.
Thứ ba, tôi nợ cả những người giờ đang đến ngấu nghiến, khai thác Hà Nội để hưởng thụ những lợi ích cá nhân, cả những người coi Hà Nội là chỗ đất thánh để đến đây ăn chơi nhảy múa, đua xe chẳng hạn hay thi thố những việc rất không xứng đáng với Hà Nội.
Tôi nợ cả những người giờ đang đến ngấu nghiến, khai thác Hà Nội để hưởng thụ những lợi ích cá nhân, cả những người coi Hà Nội là chỗ đất thánh để đến đây ăn chơi nhảy múa...
Tôi nợ những vị này ở chỗ chưa mang đến cho các vị ấy tình yêu, tình thương với Hà Nội, nhất là chưa mang đến được cho các vị ấy sự hiểu biết sâu sắc, đúng đắn về Hà Nội để họ xem thành phố - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi đứng đầu cả nước trong bao nhiêu nghìn năm như thế này thì phải ứng xử với nơi này như thế nào. Tôi nợ các vị ấy ở chỗ đó.
- Ngoài những đóng góp trong thời gian qua, ông còn có những tâm nguyện nào muốn hoàn thành trước khi sức cùng, lực kiệt?
Trong cuộc hành trình từ nôi đến mộ của mình, tôi đã đi được phần lớn, nếu không muốn nói là sắp hết cuộc đời, tôi luôn sống vì công việc của mình với Hà Nội. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành các dự án còn dang dở và cố gắng trả được phần nào 3 món nợ đời trên.
- Xin cảm ơn ông!
VTC
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo