Tin tức - Sự kiện

Hà Nội cần đi đầu trong lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Hà Nội đi đầu trong việc quán triệt Dự thảo và thực hiện lấy ý kiến nhân dân.

(VOV) Sáng 7/3, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố Hà Nội.

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đại diện Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ban Công tác đại biểu Văn phòng Quốc hội…

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh, tính đến nay 29/29 quận, huyện, thị xã, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, Sở ban ngành của thành phố Hà Nội đã tổ chức góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dưới nhiều hình thức thích hợp, huy động được đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân Thủ đô đóng góp nhiều ý kiến, trách nhiệm, trí tuệ vào văn bản pháp lý quan trọng này. Đây đang thực sự là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định: Sửa đổi Hiến pháp là một công việc rất hệ trọng của đất nước, cần phát huy được tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học… đặc biệt là của các đại biểu HĐND- người đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để Hiến pháp sửa đổi lần này là một bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật hợp hiến đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đây chính là mục đích của hội nghị để lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các đại biểu HĐND thành phố.

Nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này xác định 9 nội dung cơ bản đó là: Tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ phát triển đất nước; Tiếp tục hoàn thiện và làm rõ hơn bản chất vị trí vai trò trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; Phát huy nhân tố con người thể hiện sâu sắc hơn trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân; Tiếp tục xây dựng và thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tích cực chủ động hội nhập quốc tế; Sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi bổ sung có 11 chương, 124 Điều. So với Hiến pháp năm 1992 dự thảo sửa đổi Hiến pháp giảm 1 chương và 23 Điều; giữ nguyên 14 Điều, sửa đổi bổ sung 99 Điều và bổ sung mới 11 Điều.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn thể các tầng lớp nhân dân, trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Đại đa số các tầng lớp nhân dân đều đồng tình, nhiều ý kiến tâm huyết sâu sắc góp ý vào từng Chương, Điều nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đây là sự đồng thuận, hưởng ứng thể hiện sự tách biệt xây dựng Nhà nước của công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự tích cực và hiệu quả của các ngành, các cấp và sự quan tâm, tích cực đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân Hà Nội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội đi đầu trong việc quán triệt Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân trên địa bàn.

Cho rằng trong quá trình lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có không ít trường hợp lợi dụng để tuyên truyền chống phá, chống đối Đảng, Nhà nước, cố tình nêu các ý kiến trái với Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng, cần có biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các quan điểm sai trái, ngược chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu các cấp, các ngành thành phố trong quá trình lấy ý kiến nhân dân phải làm thế nào để nhân dân cập nhật, nắm được những nội dung của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này. Qua đó có ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, để giúp Quốc hội khi xem xét thông qua bản Hiến pháp phản ánh được ý chí nguyện vọng của nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là việc làm rất quan trọng.

Trong đó, về tuyên truyền cần làm rõ, Hiến pháp mới được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Hiến pháp 1992, căn cứ Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng (bổ sung và phát triển năm 2011), kế thừa phát huy Hiến pháp 1992 và các bản hiến pháp trước đó, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm lập hiến của các nước trên thế giới nhưng phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta.

Hồng Lĩnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo