Hà Nội đầu tư 2.222 tỷ đồng xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm sạch
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định số 5818/QĐ-UBND, phê duyệt dự án Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Theo quyết định, xây dựng, hoàn thiện 11 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố. Đến năm 2020 các chuỗi cung cấp thực phẩm cho thị trường 14 tấn thịt lợn/ngày, 6 tấn thịt gia cầm/ngày, 105 nghìn quả trứng gà/ngày, 105 tấn sữa tươi/ngày, 1 tấn thịt bò/ngày; xây dựng 12 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi.
Cụ thể, 11 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm gồm: Mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt gà có 3 nhóm sản phẩm (gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây và gà đồi Sóc Sơn); mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp vịt Vân Đình; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học Quốc Oai; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học Liên Việt; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm A-Z; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm Greenibod; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm 3F; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm Tiên Viên; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt bò Hà Nội; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì.
Cùng với đó, sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá các tác nhân tham gia 11 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho các tác nhân là cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật…
Ngoài ra, hoàn chỉnh các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi như: Tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức sản xuất, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm... cho người sản xuất chăn nuôi; thuê chuyên gia xây dựng quy trình chăn nuôi, quy chế quản lý chuỗi và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi (sử dụng đệm lót sinh học hoặc hầm biogas); phân tích mẫu thức ăn, nước uống sử dụng trong chăn nuôi; phân tích mẫu nước tại các cơ sở giết mổ; cơ giới hóa trong khâu chăn nuôi bò sữa (trang thiết bị như máy vắt sữa, máy thái cỏ, hệ thống chống nóng...); hỗ trợ dụng cụ sát trùng chống viêm vú bò sữa; chứng nhận cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn dịch bệnh; hỗ trợ cơ giới hóa giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ dụng cụ, thiết bị phục vụ kiểm tra nhanh chất lượng sữa; hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn nhận diện sản phẩm; hỗ trợ điểm bán và giới thiệu sản phẩm (đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ trưng bày, bảo quản sản phẩm tại các điểm bán hàng)…
Tổng vốn đầu tư thực hiện các nội dung công việc nêu gần 2.222 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân hơn 2.199 tỷ đồng (chiếm 98,92%), vốn ngân sách thành phố 24 tỷ đồng (chiếm 1,08% tổng vốn đầu tư). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý dự án.
Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm (2016 - 2020), qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước từ chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biển đến tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc; gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi; tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi với hội nhập quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
Sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cho cuối năm và Tết