Hà Nội: Hơn 300 doanh nghiệp nợ thuế bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh
Đây là thông tin được Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết ngày 3/12 tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội.
Theo đó, tân Phó bí thư Thành ủy Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Công an thành phố đã hợp tác với Cục Thuế xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh và truy thu thuế bỏ trốn của các công ty này.
Năm 2014, CATP đã phát hiện ra công ty do Nguyễn Trường (ở Thanh Nhàn) đã thành lập 16 công ty từ năm 2008 đến năm 2014 như công ty TNHH Mạnh Tuấn, Phúc Minh, Xuân Lộc… kinh doanh các ngành nghề khác nhau và tự in hóa đơn, thuê in hóa đơn trong TP Hồ CHí Minh để hợp thức hóa đầu vào công trình xây dựng…Qua quá trình điều tra, đối tượng Trường đã bán hóa đơn cho hơn 2.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khi chuyển tiền, các công ty mua hóa đơn cầm tiền mặt và trả cho Trường 12% số tiền ghi trên hóa đơn.
Ông Chung cũng cho biết, qua điều tra thấy nổi lên một số vấn đề, đó là hoạt động quản lý các doanh nghiệp đang bộc lộ những sơ hở; việc xác minh nhân thân với các đối tượng thành lập công ty là chưa chặt chẽ; cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng còn lỏng lẻo, để DN rút tiền mặt quá quy định; việc quản lý hóa đơn do doanh nghiệp tự in còn sơ hở. Cần có mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của các DN, qua đó sẽ giúp việc quản lý DN chặt chẽ hơn và các vi phạm cũng sẽ giảm. Giám đốc CATP khẳng định, các hành vi vi phạm liên quan đến việc thành lập công ty để bán hóa đơn sẽ bị xử lý nghiêm túc và sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề nợ thuế của các doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Thuế Hà Minh Hải cho biết: Trong báo cáo của UBND TP Hà Nội đã nêu đầy đủ về nguyên nhân nợ và giải pháp khắc phục. Về nguyên nhân nợ, từ năm 2007, trước thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng, số nợ thuế là trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 5%. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng lan rộng, cộng với tình hình bất động sản đóng băng, đến năm 2014, số nợ thuế tăng có khả năng lên 18.699 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số. Tiền chậm nộp lên trên 5.275 tỷ đồng, chiếm 28% tổng số nợ thuế. Hiện nay, tiền chậm nộp 10 tháng đầu năm 2015 là 7.092 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng nợ, tăng theo cấp số cộng, gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Số tiền nợ thuế từ các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên rất nhanh, khoảng gần 2.500 tỷ đồng. Cục Trưởng Cục Thuế cho biết, hiện các DN bỏ địa chỉ kinh doanh ở 3 trạng thái cơ bản:
Thứ nhất là các DN thành lập để buôn bán hoá đơn, làm ăn bất hợp pháp. Đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Qua đối chiếu chéo, Cục Thuế đã phát hiện gần 400 tỷ đồng nợ thuế của nhóm đối tượng DN này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Trong năm 2015, đã xử lý một số trường hợp. Đối tượng này thường số nợ thuế không lớn. Cơ quan CA mất nhiều thời gian mới tiếp cận được đối tượng, nhưng họ lại là xe ôm, đang trong tù, người mất chứng minh nhân dân nên xử lý rất khó. Thường hầu hết muốn phát hiện cơ quan CA phải bắt quả tang để xử lý.
Thứ hai là những DN thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ hẳn thì không nhận diện được. Thứ ba là các đối tượng bỏ DN này để lập DN khác mà vẫn là cá nhân đó với ý đồ chiếm đoạt thuế. Cục Thuế đang phối hợp với cơ quan CA để nhận diện, kiến nghị về hình thức xử lý vì có dấu hiệu và ý đồ chiếm đoạt tiền thuế.
Theo Cục trưởng Cục Thuế, hiện, tổng nợ thuế phí của các doanh nghiệp là hơn 6.900 tỷ đồng, giảm so với 2014. Qua làm việc với các doanh nghiệp, nhiều đơn vị rất khó khăn và khó có khả năng thu hồi. Trong số nợ thuế, trên 50% là của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản. Thành phố và các địa phương đã làm việc rất quyết liệt, nhưng đây thực sự là khó khăn thách thức với cả doanh nghiệp và ngành thuế. Cục Thuế đang kiến nghị trường hợp chủ đầu tư ký trực tiếp với nhà thầu chính thì không được tính là chậm nộp, đồng thời xem xét, xác định phần nợ này để có giải pháp xử lý phù hợp.
Cục trưởng Cục Thuế cũng cho biết, nếu năm 2016, TP không xử lý triệt để thì số nợ tiếp tục sẽ tăng lên do chậm nộp sẽ làm việc xử lý nợ thêm nhiều khó khăn. Các đơn vị nợ thuế mà có dòng tiền thuộc đối tượng phải thu, TP sẽ áp dụng tất cả các giải pháp để thu hồi. Liên quan đến việc xử lý khoản nợ 21.800 tỷ đồng, có nhiều vấn đề do lỗi liên quan đến ứng dụng khách quan, chủ quan của hệ thống tính thuế qua ứng dụng công nghệ thông tin. Cục đang thanh lọc lại dữ liệu, đảm bảo dữ liệu sạch để thu đầy đủ, trong đó, có giải pháp công bố công khai thông tin. Cục trưởng Cục Thuế khẳng định, năm 2016, chắc chắn việc triển khai dữ liệu sẽ tốt hơn.
Về xác minh hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, Cục đã xử lý nhiều vụ việc. Có trường hợp khi doanh nghiệp vừa thành lập, cơ quan thuế đến kiểm tra thì doanh nghiệp đã không có. Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, Nhà nước cần tạo sự thông thoáng cho DN trong hoạt động nhưng cũng cần có cơ chế xác minh nhân thân. Nếu DN thành lập mà không có vốn, chất xám, nhân lực thì không thể có khả năng triển khai hoạt động.
ĐB Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi Cục Thuế đã có giải pháp gì để giúp thành phố thu hồi hơn 20 nghìn tỷ đồng nợ trong năm 2016? Số liệu thuế chúng ta quản lý không chính xác, vậy đã chấn chỉnh công tác này như thế nào? Ngành thuế có cam kết với DN về tình trạng thống kê số liệu không chính xác này hay không? Còn ĐB Nguyễn Xuân Diên đặt vấn đề khả năng sẽ thu được bao nhiêu và khả năng không thu được là bao nhiêu, xử lý như thế nào? Việc thu đối với nhà thầu chính và nhà thầu phụ, xử lý ra sao?
ĐB Phạm Thanh Mai và Đỗ Trung Hai cũng băn khoăn về khoản nợ thuế trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP kiến nghị nên công khai trên Cổng Giao tiếp Điện tử TP Hà Nội - một địa chỉ đáng tin cậy để đảm bảo quyền lợi cho người dân, vậy Cục Thuế đã thực hiện kiến nghị này như thế nào? Đối với DN như vậy, thực hiện như thế nào cho công bằng? Còn đối với DN nợ thuế thật thì có chính sách hỗ trợ gì?
Trả lời các câu hỏi này, Cục Trưởng Cục Thuế cho biết, qua đánh giá việc quản lý số liệu thuế có 17 lỗi, được chia thành 4 nhóm. Để có dữ liệu sạch, giải pháp là tập trung lực lượng, làm "cuốn chiếu" từ trên xuống dưới, từ DN nợ lớn, chây ỳ. Sau khi phân loại xong, đối với nhóm nợ sai, nợ chờ điều chỉnh tập trung giải quyết để giảm. Một cán bộ phải trực tiếp đối chiếu với một đơn vị. Do đó, phải có kế hoạch cụ thể. Hiện chỉ mới tập trung vào các trường hợp cố tình chây ỳ nợ, đã bán hàng, đã thu tiền người dân mà tiếp tục nợ tiền dự án; Trong đó nhóm chờ xử lý gối vào để bảo đảm cái gì tập trung ưu tiên. Kết quả điều chỉnh 6 tháng 2015 chưa giải quyết triệt để nhóm bị sai.
Với số nợ thuế có khả năng thu, Cục đang đánh giá tổng nợ thuế phí, tiền sử dụng đất có khả năng thu trên 13.000 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ phải được đôn đốc thu vào ngân sách nhà nước bằng tất cả các giải pháp theo đúng quy trình. Trường hợp đang chờ xử lý tiếp tục kiến nghị để xử lý.
Kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề kinh tế, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy tình trạng nợ thuế rõ ràng có chiều hướng gia tăng và tình hình nợ về tiền sử dụng đất gia tăng. UBND TP đã chỉ đạo trực tiếp và có nhiều giải pháp nỗ lực nhưng tình trạng nợ thuế vẫn gia tăng. Do đó, đề nghị UBND TP cần có những giải pháp như tiếp tục tăng cường thu nợ thuế, đồng thời hỗ trợ DN, để DN phát triển sản xuất để có tiền trả nợ.
Tập trung phân loại các loại nợ, phân cấp trách nhiệm các biện pháp mạnh, đúng luật tập trung vào nợ có khả năng thu là 19.000 tỷ đồng. Cần công khai các doanh nghiệp có nợ đọng thuế, phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành có giải pháp mạnh hơn để giải quyết tình trạng doanh nghiệp gian lận trong sử dụng hóa đơn, trốn khỏi nơi kinh doanh... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương và các giải pháp của TP trong thực hiện nghĩa vụ thuế tới doanh nghiệp, người dân và các cấp, các ngành của TP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo