Hỗ trợ doanh nghiệp

Hà Nội: Số tiền nợ thuế từ các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh lên gần 2.500 tỷ đồng

(DNVN) - Tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Hà Nội diễn ra sáng 3/12, hội trường trở nên "nóng" hơn thường lệ vì các đại biểu dồn dập chất vấn về vấn đề nợ thuế của doanh nghiệp trên địa bàn.

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu, trong 10 tháng đầu năm 2015, đã có 12.557 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hà Nội bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 47% so với cùng kỳ 2014) và phần lớn các doanh nghiệp này đều nợ thuế. Đại biểu Mai chất vấn số doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh luỹ kế đến nay có bao nhiêu? Theo quy định, doanh nghiệp bỏ trốn bị xử lý như thế nào? 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thùy đề nghị làm rõ phân cấp nhiệm vụ thu thuế phí giữa các chi cục thuế, vấn đề hậu kiểm của ngành với các doanh nghiệp. 

Cũng chất vấn liên quan đến vấn đề thuế, đại biểu Lê Văn Thành cũng cho rằng, việc thất thu thuế, thành lập công ty để xuất hóa đơn trái phép là vấn đề rất nghiêm trọng. Để công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an phải làm đến cùng. Do đó, phải xem xét việc thành lập công ty thật thận trọng.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Minh Hải.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Cục trưởng Cục Thuế Hà Minh Hải cho biết, trong báo cáo của UBND TP Hà Nội đã nêu đầy đủ về nguyên nhân nợ và giải pháp khắc phục. Về nguyên nhân nợ, từ năm 2007, trước thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng, số nợ thuế là trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 5%. 

Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng lan rộng, cộng với tình hình bất động sản đóng băng, đến năm 2014, số nợ thuế tăng có khả năng lên 18.699 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số. Tiền chậm nộp lên trên 5.275 tỷ đồng, chiếm 28% tổng số nợ thuế. Hiện nay, tiền chậm nộp 10 tháng đầu năm 2015 là 7.092 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng nợ, tăng theo cấp số cộng, gần 2.000 tỷ đồng/năm.

Số tiền nợ thuế từ các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên rất nhanh, khoảng gần 2.500 tỷ đồng. Cục Trưởng Cục Thuế cho biết, hiện các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh ở 3 trạng thái cơ bản:

Đầu tiên là các DN thành lập để buôn bán hoá đơn, làm ăn bất hợp pháp. Đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Qua đối chiếu chéo, Cục Thuế đã phát hiện gần 400 tỷ đồng nợ thuế của nhóm đối tượng DN này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Trong năm 2015, đã xử lý một số trường hợp. 

Đối tượng này thường số nợ thuế không lớn. Cơ quan CA mất nhiều thời gian mới tiếp cận được đối tượng, nhưng họ lại là xe ôm, đang trong tù, người mất chứng minh nhân dân nên xử lý rất khó. Thường hầu hết muốn phát hiện cơ quan CA phải bắt quả tang để xử lý.

 

Thứ hai là những DN thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ hẳn thì không nhận diện được và cuối cùng là các đối tượng bỏ DN này để lập DN khác mà vẫn là cá nhân đó với ý đồ chiếm đoạt thuế. Cục Thuế đang phối hợp với cơ quan CA để nhận diện, kiến nghị về hình thức xử lý vì có dấu hiệu và ý đồ chiếm đoạt tiền thuế.

Theo Cục trưởng Cục Thuế, hiện, tổng nợ thuế phí của các doanh nghiệp là hơn 6.900 tỷ đồng, giảm so với 2014. Qua làm việc với các doanh nghiệp, nhiều đơn vị rất khó khăn và khó có khả năng thu hồi. Trong số nợ thuế, trên 50% là của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản. Thành phố và các địa phương đã làm việc rất quyết liệt, nhưng đây thực sự là khó khăn thách thức với cả doanh nghiệp và ngành thuế.

Cục Thuế đang kiến nghị trường hợp chủ đầu tư ký trực tiếp với nhà thầu chính thì không được tính là chậm nộp, đồng thời xem xét, xác định phần nợ này để có giải pháp xử lý phù hợp. Cục trưởng Cục Thuế cũng cho biết, nếu năm 2016, TP không xử lý triệt để thì số nợ tiếp tục sẽ tăng lên do chậm nộp sẽ làm việc xử lý nợ thêm nhiều khó khăn. Các đơn vị nợ thuế mà có dòng tiền thuộc đối tượng phải thu, TP sẽ áp dụng tất cả các giải pháp để thu hồi. 

Liên quan đến việc xử lý khoản nợ 21.800 tỷ đồng, có nhiều vấn đề do lỗi liên quan đến ứng dụng khách quan, chủ quan của hệ thống tính thuế qua ứng dụng công nghệ thông tin. Cục đang thanh lọc lại dữ liệu, đảm bảo dữ liệu sạch để thu đầy đủ, trong đó, có giải pháp công bố công khai thông tin. Cục trưởng Cục Thuế khẳng định, năm 2016, chắc chắn việc triển khai dữ liệu sẽ tốt hơn.

Về xác minh hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, Cục đã xử lý nhiều vụ việc. Có trường hợp khi doanh nghiệp vừa thành lập, cơ quan thuế đến kiểm tra thì doanh nghiệp đã không có. Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, Nhà nước cần tạo sự thông thoáng cho DN trong hoạt động nhưng cũng cần có cơ chế xác minh nhân thân. Nếu DN thành lập mà không có vốn, chất xám, nhân lực thì không thể có khả năng triển khai hoạt động.

 

Hoàng Thiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo