Hà Nội lọt top du lịch bụi giá rẻ dù... chặt chém
Ngày 14/2, chuyên trang về du lịch Priceoftravel vừa công bố danh sách các điểm đến rẻ nhất trên thế giới, trong đó Hà Nội đứng thứ hai và TP HCM giữ vị trí thứ năm.
Tờ VnExpress đưa tin, trang web Priceoftravel công bố danh sách các thành phố đắt và rẻ nhất thế giới dành cho dân du lịch bụi (Backpacker) trong năm 2014.
Trong đó, Hà Nội đứng thứ hai trong danh sách với chi phí 15,88 USD/ngày (hơn 330.000 đồng). Chiang Mai, Thái Lan đứng thứ ba với tổng chi phi 17,66 USD/ngày (hơn 370.000 đồng). TP HCM đứng thứ năm với 18.27 USD (khoảng 385.000 đồng).
Trong khi đó, Priceoftravel cũng công bố các thành phố đắt đỏ nhất dành cho dân du lịch. Đứng đầu các thành phố chỉ dành cho "dân nhà giàu" này là Zurich (Thụy Sĩ). Trung bình một ngày, khách du lịch phải tiêu tốn 122,22 USD (hơn 2,5 triệu).
Chi phí trung bình mỗi ngày được tính dựa trên tổng chi một ngày của mỗi du khách cho chỗ nghỉ ngơi tại nhà nghỉ giá rẻ, ba bữa ăn giá rẻ, hai chuyến đi sử dụng phương tiện công cộng, tiền vé để vào một điểm du lịch và 3 cốc bia giá rẻ.
Điều đáng bàn ở đây, là du lịch nước ta được xếp vào du lịch giá rẻ trong khi việc chặt chém du khách bị phản ánh rất nhiều.
Chỉ trong 5 ngày (từ ngày 23/4 đến 28/4/2013) đã liên tiếp xảy ra 3 vụ việc nổi cộm về tình trạng người Việt chặt chém khách du lịch.
Cụ thể, vào ngày 23/4, ba mẹ con bà Ilona Schultz (quốc tịch Australia) đi xích lô từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) dài chừng 5 km cũng bị yêu cầu trả 1,3 triệu đồng. Tài xế xích lô này sau đó bị công an xử phạt hành chính.
Tiếp đó, vào ngày 25/4, 3 du khách Pháp vừa đến sân bay Nội Bài đã bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng.
Ngày 28/4, anh David Patrick cùng vợ Brandi Dawn Burmey (quốc tịch Australia) bắt taxi Trung Việt từ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (phố Điện Biên Phủ, Hà Nội) đến bảo tàng Dân tộc học (phố Nguyễn Văn Huyên). Đồng hồ tính cước hiển thị 98.000 đồng nhưng tài xế viết hoá đơn 980.000 đồng, bắt vợ chồng anh phải thanh toán.
Sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng quan chức đầu ngành du lịch đã lên tiếng xin lỗi và Sở VHTTDL Hà Nội khẳng định thời gian tới sẽ phối hợp cùng các ban ngành của quận Hoàn Kiếm tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý những trường hợp bắt chẹt du khách.
Tuy nhiên những vụ việc chặt chém khách vẫn tiếp tục xảy ra, điển hình là ngày 9/5, lại có thêm một tài xế taxi của hàng Thanh Nga chặt chém một cặp vợ chồng nước ngoài 480.000 đồng cho quãng đường 2km.
Trước tình trạng chèo kéo, đeo bám, chặt chém, thậm chí cướp giật khách du lịch ngày càng khó lường, Sở VHTTDL Hà Nội lên kế hoạch thiết lập đường dây nóng để nhanh chóng tiếp nhận và xử lý vụ việc nhanh nhất.
Thế nhưng, lập thì lập thế thôi, chứ Sở lại không có thẩm quyền giải quyết, chỉ có vai trò trung gian thông báo cho Công an để tiến hành xử lý. Thế nên, tình trạng này vẫn cứ xảy ra kể cả khi Tổng cục trưởng du lịch phải đứng ra xin lỗi du khách. Có nghĩa lời xin lỗi của lãnh đạo du lịch cũng chỉ là "lời nói gió bay".
Trong khi, chặt chém, chèo kéo du khách vẫn diễn ra, không giải quyết được, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng sụt giảm, thế nhưng, ngày 5/11, bà Hoàng Thị Điệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết hiện nay nếu như số liệu về khách quốc tế được ghi nhận từ các cửa khẩu hàng không, đường biển, đường bộ khá rõ ràng thì số liệu về khách du lịch nội địa còn chưa chính xác. Nên cần phải đầu tư tính toán lại với chi phí 20 tỷ đồng.
Không những vậy, lãnh đạo ngành du lịch còn đề xuất cứ mỗi một khách quốc tế vào Việt Nam, ngân sách bớt ra 1 USD đề đầu tư ngược trở lại.
"Từ 1/2013, lệ phía visa đã tăng từ 25 lên 45 USD, do vậy mỗi năm ngân sách cũng tăng thu lên khoảng 70-80 triệu USD/năm. Chúng tôi đề xuất một cơ chế giản dị là cứ mỗi khách du lịch đến Việt Nam xin đầu tư lại cho ngành 1 USD để xúc tiến quảng bá du lịch", ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, mong muốn.
Đầu tư thì nhiều, dự án xin để kích cầu du lịch cũng không ít, thế nhưng, việc du khách bị chèo kéo, chặt chém, chất lượng dịch vụ du lịch còn kém hơn cả Lào, Campuchia.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Cột tin quảng cáo