Tin tức - Sự kiện

Hà Nội muốn thêm sân golf: Thấy trước rủi ro của người dân

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trao đổi về chủ trương đầu tư dự án sân golf ngoài đê sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm và quận Long Biên.

GS.TS Vũ Trọng HồngPV: - TP Hà Nội đang xin ý kiến Bộ NN&PTNT về chủ trương đầu tư dự án sân golf gần 300ha ngoài đê sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm và quận Long Biên. Ngoài sân golf còn có các hạng mục như bể bơi, khu tập gyms, tennis, nhà điều hành, trung tâm y tế, công trình phù trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ... Một phần dự án này nằm trong hành lang thoát lũ sông Đuống.

Theo quy định quản lý đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực hành lang dọc hai bên sông có quy định được phép phát triển các công trình thể dục thể thao, công viên vui chơi giải trí; không được phép phát triển các công trình trong hành lang thoát lũ.


Vậy việc xây dựng sân golf cùng các hạng mục nói trên có phù hợp hay không, thưa ông?

GS.TS Vũ Trọng Hồng:
- Sân golf là một công trình thể thao nên có rất nhiều công trình phụ trợ đi kèm phải xây dựng kiên cố, chứ không phải công trình tạm. Với một số hạng mục kể trên, rõ ràng người ta phải đổ đất sét đầm nện, trồng những loại cỏ đặc biệt.

Trong khi đó, Luật Đê điều năm 2006 có ghi rõ, trong hành lang bảo vệ đê không được xây dựng công trình, dù là công trình kiên cố hay bán kiên cố. Trong phạm vi này, người dân được trồng lúa, cây ngắn ngày.

Nếu có làm khu giải trí, vui chơi như bể bơi thì chỉ dùng phao làm các đường ngăn cách, khi cần có thể dỡ ra chứ không xây dựng tường, hay đường xe đạp trên bãi cát, có chăng có thể rải những lớp sỏi... Nghĩa là phải thiết kế sao cho nó là một bãi tự nhiên, đến mùa lũ thì cho phép ngập, xói rửa. Liệu sân golf cho chịu làm theo kiểu này: sẽ là nơi chơi golf trên cát chứ không phải có các công trình phù trợ đi kèm?

Theo Luật Đê điều, dòng sông có hai nhiệm vụ: cấp nước (cả về lượng và chất) cho con người và thoát lũ để bảo vệ con người.

Đối với nhiệm vụ cấp nước, dự án sân golf sẽ vi phạm nếu như muốn biến thành sân golf vĩnh cửu. Họ phải phun hoá chất để nuôi dưỡng cỏ chứ không phải loại sân golf đánh trên cát như nhiều nước vẫn làm. Giống như dự án sân golf Đồng Mô, sau khi đổ đất đầm nền, người ta trồng cỏ, phun hoá chất lên để chống mối, côn trùng, gây ô nhiễm nguồn nước.

Tại sao không làm sân golf ở bãi giữa sông Hồng mà lại làm ở ngoài đê sông Đuống? Vì nguồn nước đó ô nhiễm thì người dân Hà Nội không chịu mà Thái Bình, Hải Phòng phải chịu.

Mặt khác, nếu làm sân golf với nghĩa có công trình, nó sẽ thu hẹp dòng chảy vào mùa lũ, làm tắc nghẽn dòng lũ và khiến nước lũ dâng cao. Nên nhớ rằng, một khi sân golf đã làm kiên cố thì bờ bên kia sẽ bị xói, và khi ấy khả năng kiện nhau, tranh chấp tỉnh này tỉnh nọ, thậm chí người dân bờ bên kia sang phá sân golf khó tránh khỏi. Mà dự án đã lỡ duyệt rồi, liệu có dám dùng quyền lực để cấm sân golf ?

Còn nếu sân golf chỉ như một bãi nổi tự nhiên giữa sông mà người dân sông Hồng vẫn trồng ngô, khoai, lạc, thì đến mùa lũ họ lại đi, còn lũ muốn xói đến đâu thì xói. Nhưng như vậy thì chẳng nhà đầu tư nào làm bởi đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận.

PV: - Ở phía trên, ông có cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khi sân golf phun hoá chất để trừ sâu bệnh, nấm mốc gây hại cho cỏ. Ông có thể phân  tích rõ hơn những hoá chất ấy ảnh hưởng đến người dân ở phía hạ lưu như thế nào?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Dòng sông của Việt Nam chảy từ trên xuống, cho nên tất cả chất độc hại đều dồn xuống hạ lưu. Hải Phòng rất ô nhiễm bởi gần sát nó có nhiều khu công nghiệp.

Trước kia Hải Phòng phải đưa công trình lấy nước lên tận thượng nguồn để có nước sạch. Nếu trên thượng nguồn sông Đuống lại làm sân golf, sân golf phun hoá chất xuống cỏ, ngấm vào nguồn nước thì Hải Phòng biết lấy nước sạch ở đâu? Họ không thể làm một đường kéo dài vượt ra tận sông Hồng bởi nếu thế, dự án nước sạch ấy sẽ ngốn hết mấy chục nghìn tỷ. Mà nếu lúc đó sân golf được ký rồi, chủ đầu tư có quyền đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của họ.

Năm 2015 chúng ta nói là Năm doanh nghiệp, nếu đã đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư thì phải bảo vệ họ, khi doanh nghiệp rủi ro thì phải chia sẻ với họ. Nhưng rủi ro này đã được các nhà khoa học thấy trước và cảnh báo.

Chúng tôi lên sân golf Đồng Mô, họ bảo không phun hoá chất làm sao giữ được cỏ, mà lượng hoá chất này rất cao. Nếu Đồng Mô không làm sân golf nữa và trả lại đất thì nông dân cũng chẳng dám dùng đất ấy. Phải rửa đất hàng chục năm cho xói rửa hết hoá chất. Giống như nhiều khu công nghiệp hiện nay như khu công nghiệp Biên Hoà, Đồng Nai trả lại dân, dân kêu phải mất vài chục năm xử lý hoá chất. Muốn xử lý phải dùng nước, vậy bao nhiêu nước cho vừa?

Tôi vừa đi thăm bãi giữa sông Hồng ở phường Cự Khối và xã Đông Dư, Gia Lâm. Một doanh nhân mua 10ha ở đó và các công trình ông ấy dựng lên đúng là công trình tạm: nhà lợp mái cọ, không có tường kiên cố, trong nhà chỉ lát ít gạch, bóc lên rất dễ. Ngoài vườn trồng cây ngắn ngày và một ít cây dài ngày, đường đất... Nơi vui chơi, giải trí trong Luật Đê điều chính là hình ảnh đó, tức là hoàn toàn để bãi đất tự nhiên, chỉ tôn tạo lên với những công trình tạm.

Với dự án sân golf, nếu chỉ là bãi đánh golf bình thường trên cát, ai thích cứ ra đánh thì tôi ủng hộ. Chứ còn đắp đất, trồng cỏ thì chắc chắn phải phun hoá chất. Phải lường trước được hậu quả của nó chứ đừng nghĩ rằng sẽ có một sân golf bình thường.

PV: - Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, những trận lũ lớn có xu hướng tăng cả về số lượng và cường độ. Trong trường hợp xảy ra lũ cực hạn và dự án sân golf được xây dựng trong một phần hành lang thoát lũ, nguy cơ khi ấy là gì, thưa ông?


GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Nói đến biến đổi khí hậu người ta cứ hay nói nước biển dâng, thời tiết bất thường, lũ nhưng người ta quên mất một điều, trong chiến lược về phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu có nói rằng, trong trường hợp biến đổi khí hậu có thể xảy ra những trận lũ đặc biệt, có thể không phải chỉ lũ lịch sử, nó có thể vượt lũ lịch sử, do đó con người phải lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Việt Nam tính được đối với hồ Hoà Bình, lũ cực hạn (PMF) là trên 60.000m3/s thì sông Hồng không thể chịu được. Liệu khi ấy người ta có phá đê cho lũ tràn vào khu vực nào đó để bảo vệ Thủ đô hay không? Liệu phân lũ đập đáy có đủ chứa được không trong khi lại vướng 1 sân golf ở đó? Nếu chỉ vì có 1 sân golf án ngữ thu hẹp dòng chảy và làm tắc nghẽn dòng chảy khiến tính mạng người dân gặp nguy hiểm thì khi ấy người ta sẽ kết tội sân golf.

 

Sân golf Đồng Mô


Những nhà đầu tư dự án này và rất nhiều người đã và có thể sẽ phát biểu rằng, Việt Nam có hồ Sơn La, hồ Hoà Bình chứa trên 20 tỷ m3 nước, rồi lâu nay dòng sông bị cạn... nhưng nhân đây, tôi xin nói lại về tình huống mà chúng tôi gặp phải vào năm 1997.

Năm ấy, Việt Nam có một trận lũ lớn nhưng lũ không phải trên thượng nguồn, mưa ở phía sau hồ Hoà Bình, còn dưới biển đang có triều cường, bão sắp vào, nước lúc ấy đã mấp mé mặt đê 5-10 phân. Chúng tôi phải lên gặp Tổng Bí thư xin ra lệnh kêu gọi nhân dân nếu bão vào, vỡ ở đâu  thì phải ra sức khắc phục ở đó, ngoài ra chuẩn bị phương án phân lũ đập đáy. Nếu lũ tràn trên chục cây số đê thì không lực lượng nào có thể lấy thân mình che hết được và họ cũng sẽ phải hy sinh. Không ai mong muốn điều ấy xảy ra cả. Đợt đó may là bão không vào, nếu không sẽ phải phân lũ đập đáy, mà phân lũ không đủ chắc chắn phải phá đê.

Như vậy, biến đổi khí hậu không chỉ có những trận lũ đặc biệt mà có thể có những tình huống bất thường mà Việt Nam có thể gặp. Nếu làm sân golf ngoài đê sông Đuống, làm thu hẹp dòng chảy, xảy ra tình huống đến hồ chứa cũng không đảm bảo thì lúc ấy sân golf sẽ trở thành "tội đồ".

PV: - Sông Đuống làm nhiệm vụ dẫn nước sông Hồng sang sông Thái Bình, nhưng những năm gần đây, nước sông Hồng ngày càng cạn và nhiệm vụ vận tải của sông Đuống trở nên nặng nề hơn. Nếu dự án sân golf thành hiện thực, vận tải trên sông Đuống có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông? 

GS.TS Vũ Trọng Hồng:
- Nhiệm vụ sông Đuống là phân dòng chảy sông Hồng sang sông Thái Bình nhưng nó cũng là nơi thoát lũ cho sông Hồng, ngoài phương án phân lũ đập đáy. Khi phân lũ đập đáy, vùng Mỹ Đức, Chương Mỹ sẽ bị ngập.

Hàng năm, chính phủ vẫn hỗ trợ tiền để người dân trồng trọt, nếu có phân lũ, gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ bồi hoàn cho họ. Người dân không mong khu vực mình sinh sống trở thành nơi phân lũ nhưng đó là điều buộc phải làm. Để hạn chế tình huống phân lũ phải nghĩ đến sông Đuống, nơi đóng vai trò quan trọng giúp sông Hồng thoát lũ. Nếu sông Đuống bị thu hẹp thêm thì nhiệm vụ phân lũ tăng lên rất nguy hiểm.

Trở lại nhiệm vụ vận tải của sông Đuống, Ngày xưa người ta chỉ nghĩ sông Đuống phân lũ và chuyển nước sông Hồng sang sông Thái Bình nhưng gần đây Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT từng thảo luận về tình trạng nước sông Hồng ngày càng cạn và muốn chuyển nước sang sông Đuống. Người ta đã làm một số kè, tường để nắn dòng chảy sang sông Đuống. Nếu bây giờ làm 1 công trình sân golf, nghĩa là phải thu hẹp dòng chảy thì chắc chắn Bộ GTVT cũng sẽ vướng, mà Bộ NN&PTNT lại đồng ý là không được.

Bởi sông Đuống đang phải làm nhiệm vụ vận tải rất lớn và Chính phủ cũng đã có chủ trương chuyển nước lên sông Đuống, cho nên muốn làm sân golf, theo tôi, phải xin ý kiến Bộ GTVT, nhân dân dưới Thái Bình và Hải Phòng xem họ có đồng ý không.

Giữa lợi nhuận và thiệt thòi, rủi ro phải cân nhắc, đặc biệt đừng để người dân phải gánh rủi ro.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo