Hà Nội: Nhồi nhét trong thùng xe khóa kín để đến trường
Để đến trường, ngày ngày học sinh ở nhiều địa phương phải đánh cược tính mạng của mình với tử thần khi đu dây trên sông, tự chèo thuyền... hoặc ngồi trong những chiếc thùng, chỉ có duy nhất một cửa ra vào và bị khóa kín.
Hà Nội: Chen chúc sau thùng xe khóa kín
Chỉ trên địa bàn xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang có khoảng 12 chiếc xe tự chế, thường xuyên đưa đón học sinh. Mỗi xe chở gần 30 học sinh, chen chúc ngồi trong chiếc thùng lợp kín, duy nhất một cửa ra vào.
Thùng xe loại này được hàn ghép lại từ các thanh sắt đơn giản, rộng khoảng 2m2, dưới gầm có hàn trục đỡ và lắp hai bánh xe nhỏ. Một chiếc xe máy hiệu dream hoặc wave... được nối với thùng xe bằng thanh sắt để làm sức kéo chính. Sau khi cho các học sinh vào thùng xe, lái xe khoá cánh cửa duy nhất phía sau.
Ông Tạ Văn Bình (60 tuổi, thôn Nam Cương, xã Hiền Ninh) tự nhận mình là người đầu tiên tạo ra loại xe này. Ông Bình cho biết lý do “chế” xe ba gác: Do con bận việc cả ngày nên phải đảm nhận việc đưa đón cháu đi học. Các cháu đông, nếu dùng xe máy, phải đi lại nhiều lần, rất vất vả.
“Khoảng năm 2006, tôi nghĩ ra ý tưởng và đóng một thùng xe kéo rồi cho các cháu ngồi vào. Mình có thể đưa đón được nhiều cháu trong cùng một lần đi”, ông Bình nói.
Từ khởi xướng của ông Bình, đến nay, trên địa bàn xã Hiền Ninh đã có thêm 11 hộ khác đóng thùng xe tương tự để thực hiện việc đưa, đón học sinh bậc tiểu học và mầm non mỗi ngày.
Được biết, mỗi thùng xe được chủ nhân đặt đóng ở xưởng cơ khí với giá khoảng 3-5 triệu đồng. Hiện, các xe đều đang trong tình trạng quá tải. Riêng xe của ông Bình (rộng nhất), chở tới 25 học sinh; các xe còn lại chở 20 học sinh.
Một phụ huynh nói: “Biết xe tự chế không an toàn, các cháu lại ngồi trên ba hàng ghế được xếp song song với nhau trong thùng chật chội (khoảng 2m2), không khác gì ngồi trong chiếc cũi nhỏ. Bọn trẻ lại hiếu động, thường vô tư nô đùa, nghịch ngợm. Nói dại mồm, nếu không may xảy ra tai nạn, cháy nổ, hậu quả thật khó lường”.
Tuy nhiên, theo vị phụ huynh này, do hai vợ chồng làm công nhân, phải dậy sớm nên đành phó mặc công việc đưa đón con mình cho các lái xe với chi phí 100 - 200 nghìn đồng/tháng/học sinh
Anh Trần Văn Liêu, cha của em Trần Lan Phương (học lớp 2, Trường Tiểu học Hiền Ninh) băn khoăn: “Về thông số kỹ thuật và hệ thống phanh chắc chắn không đảm bảo an toàn. Bởi lẽ, đây là loại xe do người dân tự chế, không qua quá trình kiểm tra của các nhà máy hay đơn vị chức năng”.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết: Theo quy định, loại xe tự chế này không được phép lưu thông, nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân nên xe vẫn hoạt động trên đường làng.
“Trường hợp xảy ra sự cố va chạm với xe khác hoặc lật, đổ, hậu quả sẽ rất lớn. Bởi vì, mỗi xe chở từ 15 đến 20 học sinh lại bịt kín, không có lối thoát ra ngoài. Chúng tôi biết nguy hiểm, nhưng mấy năm qua chưa thấy xảy ra sự cố nên... làm ngơ để các phương tiện này hoạt động”, ông Quyết nói.
Chèo thuyền nan, đu dây đến trường
Nếu như ngay tại Hà Nội, các học sinh phải chen chúc sau những thùng xe khóa kín thì nhiều năm qua, rất đông học sinh ở xã Xuân Thái, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) phải tự chèo thuyền nan mỏng manh vượt hồ Sông Mực đến trường.
Do đường bộ từ thôn đến trường vừa xa, vừa bị ngập nước sâu vào mùa mưa lũ, để kịp giờ học buổi sáng, học sinh ở hai thôn Làng Lúng và Ao Ràng phải dậy sớm, tự chèo thuyền trên hồ Sông Mực hết khoảng 30-40 phút từ nhà đến trường. Nhiều hôm đi thuyền ra xa bờ, gặp sóng to gió lớn, thuyền chòng chành, lật úp làm các em rớt xuống hồ.
Ông Lê Văn Hùng- Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Ngay từ đầu năm học 2013-2014, chính quyền địa phương đã có văn bản gửi UBND tỉnh và ngành chức năng để xem xét việc quyết định thành lập Trường PTDT bán trú THCS Xuân Thái, để học sinh ở đây đỡ khó khăn, vất vả hơn. Thế nhưng, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng.
Dù cực kì nguy hiểm nhưng các em vẫn cố gắng để được đến trường. Còn có những nơi không có cầu, không có thuyền các em phải đu dây cáp cheo leo.
Các em học sinh Kon Tum cũng từng phải liều mình vượt con Pô Kô để đến trường. Hai bờ sông Pô Kô cách xa chừng 130 mét, không có cầu qua sông. Ở đây, người dân hay học sinh muốn qua sông chỉ đi bằng dây cáp.
Không chỉ ở Kon Tum, ở huyện vùng cao Sơn Hà - Quảng Ngãi, hàng ngàn người dân, học sinh cũng phải đánh cược tính mạng của mình bằng cách đi bè vượt sông Re làm ăn, đến trường học tập mỗi ngày.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo