Tin tức - Sự kiện

Hà Nội phạt "quên" phí đường bộ: Thu phí dân còn mắng...

Người không đóng phí đường bộ cũng không bị xử phạt, biên lai chỉ lôi ra vài lần là rách là lý do khiến người dân chây ỳ, không chịu đóng phí.

Liên quan đến vấn đề thu phí đường bộ và có ý kiến đề xuất nên có chế tài xử phạt với những người không đóng phí đường bộ, một số phường trên địa bàn Hà Nội đã chia sẻ về những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc thu phí ở địa phương.

Ông Lê Ngọc Tú, Chủ tịch UBND Phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa-Hà Nội, cho biết, hiện nay phường đang chuẩn bị triển khai thu phí đường bộ.
 
Theo ông Tú, năm trước phường triển khai thu bằng cách tổng hợp gửi danh sách cho tổ trưởng tổ dân phố rồi rổ dân phố thu rồi nộp ra phường rồi lấy biên lai về đưa cho dân. Còn năm nay việc thu phí gặp nhiều khó khăn hơn vì các tổ dân phố ở phường sát nhập khi mà các tổ dân phố sát nhập vào nhau, bây giờ mới gộp tổ dân phố rồi đưa danh sách cho người ta.
 
Ông Tú cho biết, bên phường đã tuyên truyền, vận động về việc đóng phí đường bộ nhưng nhiều nhà người ta cũng không đóng. Bên cạnh đó, người dân phản ánh là biên lai thu phí đường bộ là tờ giấy mỏng như thế đút vào ví vài lần thì nát nhàu hết, sau này nếu kiểm tra thì nó nát hết rồi chả nhìn thấy dòng chữ trên đó ghi tên ai nữa, chả giải quyết được vấn đề gì. Việc thu phí từ năm ngoái đến nay có rất nhiều bất cập.
 
“Phường chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu phí vì không có chế tài xử phạt những người không đóng phí. Nhiều người dân tỵ nạnh nhau và không xử phạt nên đâm ra nhiều hộ không chịu đóng” ông Tú chia sẻ thêm.
 
Đề xuất xử phạt người không đóng phí đường bộ.
 
Theo ông Tú, ở Phường Quốc Tử Giám tỷ lệ người đóng cao hơn là không đóng, có nhiều trường hợp hộ dân chây ì không chịu đóng cũng không biết làm sao hết.
 
Đối với những xe tỉnh khác, hiện nay đang cư trú sinh sống trên địa bàn vẫn thu phí bình thường. Cứ đóng phí đường bộ là được, nếu về quê giơ cái biên lai ra thì không ai xử phạt mình cả.
 
Trước những khó khăn trên, giải pháp hiện nay của phường là cho công an, cảnh sát khu vực đôn đốc nhắc nhở người dân. Tuy nhiên thực tế thì nhiều người dân cứ chây ỳ, lơ là làm ngơ người ta không đóng cũng phải chịu vì không có chế tài. Trường hợp đấy chỉ có cách ra đường CSGT yêu cầu xuất trình không có thì xử phạt thôi.
 
“Quan trọng nhất là có chế tài, làm thế nào khi thu phí phải có chứng nhận hay loại tem gì đấy dán lên xe để CSGT biết được người dân đó đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí đường bộ đấy. Ví dụ như ô tô có cái tem dán trên gương thì CSGT sẽ biết được cái xe đó đã đóng phí rồi”, ông Tú cho biết thêm.
 
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch UBND Phường Phúc Xá-Quận Ba Đình- Hà Nội, cho biết: Hiện nay chỉ có một tờ biên lai mỏng mà không có 1 tờ cứng rắn như các loại giấy tờ khác để cho người dân có thể xuất trình. Việc này người dân đã kiến nghị từ năm ngoái nhưng vẫn chưa được giải quyết.
 
Cũng như phường Quốc Tử Giám, Nguyễn Thị Mai Linh, cán bộ tài chính kế toán phụ trách việc thu phí đường bộ ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy-Hà Nội, cho biết phường đã tiến hành thu phí đường bộ, năm nay thu được ít hơn năm ngoái, tỷ lệ hộ đóng được 70%.
 
Năm ngoái triển khai thu được rất là nhiều nhưng năm nay thu gặp rất nhiều khó khăn. Lý do thứ nhất là do cái biên lai nó mỏng, năm ngoái chúng tôi đã phản ánh chi cục thuế rồi nhưng không có thay đổi gì.
 
Thứ 2 là không có chế tài gì xử lý nên nhiều trường hợp người ta không chịu đóng. Có những tổ dân phố chỉ thu được bằng một nửa năm ngoái thôi bởi vì người ta bảo người đóng với người không đóng cũng như nhau, năm ngoái không đóng cũng không có ai hỏi, chẳng có vấn đề gì nên người ta không đóng.
 
Theo chị Linh, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì sang năm chắc chắn sẽ không thể thu được vì nhiều người không đóng lắm. Người đóng cũng như người không đóng nên cần có những chế tài xử phạt không thì sang năm không thu nổi 1/3 mất.
 
Chị Linh cho biết, nếu như nhà nào chấp hành thì chấp hành hết, ví dụ nhà có 2 cái xe thì đóng cả 2 nhưng nhà nào mà đã không chấp hành thì 1 cái cũng không đóng.
 
Về cách triển khai thu phí, chị Linh cho biết cũng như các phường khác, trên phường sẽ mua biên lai ở trên chi cục thuế về đóng dấu, lập sổ phí đường bộ theo hướng dẫn rồi gọi tổ trưởng dân phố lên, các tổ làm tờ khai rồi phát giấy cho các hộ gia đình để họ kê khai vào.
 
Sau đó, các tổ trưởng lạu thu về gửi lên phường lập thành sổ. Phường sẽ triển khai các tổ trưởng tổ dân phố thu theo kê khai của các hộ dân và triển khai thu trong vòng 10-15 ngày, nhưng vẫn kéo dài để chờ thu hết.
 
Chị Linh cho biết, phường vẫn triển khai thu phí những người đến địa bàn cư trú nhưng chủ yếu là dân ở đây đóng phí chứ những người đến thuê trọ đi học đi làm ít ai đóng phí.
 
Chị Linh cho rằng, phí đường bộ là không bắt buộc, không như thuế nhà đất nên không thể bắt người ta phải đóng được, việc đóng phí này không khác như việc ủng hộ, mình chỉ đến mình thu thôi, tổ trưởng dân phố đến nhà người ta 2 lần nếu trường hợp không có nhà đến lần thứ 3 không đóng thì thôi.
 
“Đi thu phí thì cũng gặp rất nhiều bức xúc từ người dân vì thấy không có chế tài xử phạt gì, người đóng và người không đóng bằng nhau nên người ta nói thẳng luôn là không đóng. Các bác tổ trưởng tổ dân phố bị dân nói cho rát mặt vì cái này không có cái quy định nào buộc phải thực hiện cả. Không có biên lai thu phí đi ra đường cũng không bị công an xử phạt nên chả việc gì phải đóng cả”, chị Linh chia sẻ thêm.
 
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch UBND Phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết, việc thu phí đường bộ sẽ thông qua các tổ dân phố, lập danh sách gửi lên phường, sau đó phường thông tin cho các hộ nộp, còn hộ nào không lên phường nộp được thì nộp cho các đồng chí dưới dưới tổ dân phố rồi họ sẽ nộp lên cho phường, phường sẽ chuyển biên lai thẳng về.
 
Theo ông Thành, ở phường triển khai, quán triệt mạnh nên hầu như là thu được hết, rất ít hộ không đóng.
 
Ông Thành cũng cho biết thêm, là phường có nhiều người lao động ngoại tỉnh đến đây cư trú nhưng việc thu phí vẫn diễn ra như thường. Những người tỉnh khác đến cư trú ở phường cũng kê khai và thực hiện đóng phí như các hộ khác, không có sự trốn tránh nào xảy ra. Nhà có bao nhiêu xe là đóng bấy nhiêu. Còn nếu như đã đóng phí ở nơi khác rồi thì không phải đóng nữa. Hàng năm phường lại rà soát số lượng xe đang có trên địa bàn.
 
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 10 HĐND sáng 17/7, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội cùng Bộ Giao thông đã có kiến nghị Chính phủ đưa ra chế tài xử phạt những người không nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe môtô.
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo