Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Phụ huynh khó hiểu vì "giấy khen từng mặt"

(DNVN) - Đọc tờ giấy khen con gái học lớp 1 tại trường tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội, phụ huynh khó hiểu khi con gái đạt "danh hiệu học sinh khen từng mặt".

Tin tức trên báo Phụ nữ Việt Nam, cầm tờ giấy khen cuối năm học của con gái học lớp 1, anh Đ.D (Hà Nội) ngớ người với dòng chữ khen: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”, vì chưa từng thấy danh hiệu này bao giờ.

Anh Đ.D chia sẻ: "Mình thật không hiểu con được khen mặt gì nữa. Thật hoang mang quá!". Trên giấy khen ghi rõ trường Tiểu học Tân Phương, Ứng Hòa, Hà Nội khen thưởng ngày 25/5/2016 do Hiệu trưởng Trần Thị Tám ký.

Phụ huynh khó hiểu khi nhân được giấy "khen từng mặt" của con mình. Ảnh báo Zing news. 

Không giải thích nổi, anh Đ.D đã đăng tải lên mạng xã hội facebook để "cầu cứu" mọi người giải thích cho bản thân và chỉ sau vài giờ đăng tải đã có hàng trăm người bình luận chỉ trích kiểu khen "ẩu" này.

Rất nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về giấy khen thiếu trách nhiệm của nhà trường như "Bó tay, thật không thể hiểu nổi". Có nhiều người nói rằng "đến hôm nay mới được thấy giấy khen như thế này".

Thậm chí có người còn cho đây là một trò đùa: "Kể cả là khen nhưng khen vậy là chưa đầy đủ. Hoàn thành tốt môn gì, giỏi cái gì thì phải ghi rõ thành tích ấy! Trường này định đùa phụ huynh đây".

Xác nhận đây là giấy khen thuộc trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội), bà Trần Thị Tám - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: Giấy khen được ghi theo quy định của Thông tư 30. Cụ thể, trường có hai hình thức khen là học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt. Báo Zing news thông tin.

Trước tranh luận của nhiều phụ huynh, bà Tám nhận lỗi từ ngữ trong giấy khen gây khó hiểu: “Chúng tôi nên cụ thể hóa cho thấy các em nổi trội mặt nào, ví dụ về môn Toán, tiếng Việt, hay thể dục thể thao thay vì ghi quá chung. Nhà trường sẽ rút kinh nghiệm”.

 

Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về đánh giá và khen học sinh tiểu học theo Thông tư 30 ban hành ngày 6/1/2015, có ghi: “Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn”.

Hiện nay, mỗi trường đều có cách đánh giá, ghi giấy khen riêng. Kết thúc năm học, nhiều phụ huynh thi nhau khoe giấy khen của con trên mạng xã hội đạt danh hiệu: “Học sinh tiêu biểu”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Nổi bật về phát triển phẩm chất”, “Hoàn thành tốt các môn tiểu học và phát triển năng lực phẩm chất”…

Tuy nhiên, nhiều người lại đặt câu hỏi băn khoăn: Không biết vì sao con được khen? Được khen như thế này đang xếp loại gì? Con mạnh về phương diện nào? Theo nhiều giáo viên và phụ huynh: Thông tư 30 cũng có cái hay nhưng giáo viên phải biết sử dụng, giống như thuốc uống, phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không lợi bất cập hại.

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo