Hà Nội tăng cường chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm
Tổng Cục Hải quan cho biết, trong tháng 11/2015, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các nhóm hàng, ngành hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán.
Đồng thời, tăng cường đấu tranh với các đối tượng buôn lậu lớn, các đầu lậu, ổ nhóm buôn lậu và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.
Kết quả trong tháng 11, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã thanh, kiểm tra 4.289 vụ; tổng số vụ xử lý là 2.111 vụ; trong đó hàng cấm nhập lậu là 196 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm SHTT là 91 vụ, gian lận thương mại: 1.730 vụ.
Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá hàng chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy là 263,39 tỷ đồng trong đó phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu là 261 tỷ đồng; trị giá hàng chưa bán là 1,42 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy là 915 triệu đồng.
Bên cạnh các kết quả đạt được trên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn ra phức tạp do nhu cầu người dân trong dịp cuối năm tăng cao và hoạt động sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước về giá cả, mẫu mã hàng hóa. Vẫn còn tồn tại một số tụ điểm về buôn lậu, buôn bán hàng giả; khu vực bến xe, ga tàu, kho tàng, bến bãi, làng nghề, chợ đầu mối… được tập kết từ đó phân phối, xé lẻ vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ.
Do vậy, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội sẽ tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng trên địa bàn trong dịp cuối năm 2015, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016 thì người đứng đầu đơn vị tại địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2015 tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc nổi cộm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Kiểm soát diễn biến, ổn định tình hình thị trường trong dịp cuối năm 2015 và tết Nguyên đán, kịp thời phát hiện vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, đèn trời, đồ may mặc, da giầy, điện tử, điện lạnh, thực phẩm,…
Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh điện thoại di động, điện tử tin học và đồ gia dụng; kiểm tra, kiểm soát mặt hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; mặt hàng quần áo, vải may mặc, giầy dép, túi xách và đồ da; kiểm tra mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo.
Đồng thời kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc pháp luật, tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD