Hà Nội, Tp.HCM cùng nhảy 45 bậc về mức đắt đỏ
Trong xếp hạng các thành phố trên thế giới về mức độ đắt đỏ đối với người nước ngoài năm 2015 do công ty tư vấn nguồn nhân lực Mercer thực hiện (Mercer’s 2015 Cost of Living), hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Tp.HCM lần lượt xếp ở vị trí thứ 86 và 90.
Năm ngoái, hai thành phố này đứng ở vị trí tương ứng là 131 và 135. Như vậy, chỉ sau một năm, Hà Nội và Tp.HCM đã nhảy 45 bậc trong xếp hạng về độ đắt đỏ đối với người nước ngoài tới sống và làm việc.
Trong tổng số 207 thành phố được xếp hạng, Hà Nội có mức độ đắt đỏ cao hơn 121 thành phố, trong khi giá cả ở Tp.HCM được Mercer đánh giá là đắt hơn ở 117 thành phố.
Thậm chí, giá cả tại hai thành phố lớn của Việt Nam đối với người nước ngoài được cho là “chát” hơn so với những thành phố lớn của thế giới như Houston và Atlanta của Mỹ, Berlin và Frankfurt của Đức, Barcelona của Tây Ban Nha, Doha của Qatar...
Tuy vậy, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội và Tp.HCM vẫn “mềm” hơn so với nhiều thành phố lớn trong khu vực như thủ đô Manila của Philippines (vị trí 75), Bangkok của Thái Lan (45), hay Singapore (4).
Thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài năm 2015 theo xếp hạng của Mercer là thủ đô Luanda của quốc gia châu Phi nhiều dầu lửa Angola. Từ năm 2012 đến nay, Luanda liên tục nắm giữ vị trí này, trừ lần tụt hạng do sự vượt lên của Tokyo vào năm 2012.
Theo lý giải của Mercer, hàng nhập khẩu và các dịch vụ đảm bảo cuộc sống an toàn ở Luanda rất đắt đỏ, đẩy chi phí sinh hoạt đối với người nước ngoài ở thành phố này lên cao ngất ngưởng.
Chẳng hạn, một bữa ăn nhanh ở Luanda có giá 17 USD, một chiếc quần jean có giá 250 USD, một căn hộ có giá cho thuê 6.800 USD/tháng...
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất trong xếp hạng đều là các thành phố của châu Phi, châu Á và châu Âu, gồm Luanda, Hồng Kông, Zurich, Singapore, Geneva, Thượng Hải, Bắc Kinh, Seoul, Bern, và thủ đô N'Djamena của Chad.
Nghiên cứu của Mercer xếp hạng 207 thành phố dựa trên so sánh giá cả của hơn 200 hàng hóa và dịch vụ tại mỗi thành phố, từ nhà ở, giao thông, quần áo, thiết bị gia dụng, giải trí... tính bằng USD. Báo cáo này giúp các công ty đa quốc gia và chính phủ xác định được mức lương và phụ cấp phù hợp khi cử nhân viên ra làm việc ở nước ngoài.
Mercer cho biết, sự mất giá của đồng Euro so với đồng USD đã khiến nhiều thành phố châu Âu xuống hạng về mức độ đắt đỏ. Chẳng hạn Paris và Milan giảm tương ứng 19 và 23 bậc, xuống vị trí 46 và 53.
Trong khi đó, các thành phố ở Mỹ và ở các quốc gia có đồng tiền neo buộc vào tỷ giá USD, chi phí sinh hoạt đối với người nước ngoài gia tăng do đồng USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới