Xã hội

Hãi hùng lời kể của người thoát chết vụ ngạt khí lò vôi ở Thanh Hóa

(DNVN) - “Tôi tìm cách cứu họ nhưng bất lực”, ông Ngọc kể và cho hay nếu không nhanh chân trèo ra khỏi miệng hố có lẽ cũng đã mất mạng.

Là một trong những người đầu tiên tới hiện trường và tham gia cấp cứu các nạn nhân trong vụ ngạt khí lò vôi khiến 8 người chết và 1 người bị thương ở Thanh Hóa, dường như vẫn chưa hoàn hồn sau vụ việc, giọng đứt quãng không rõ thành lời, ông Lê Đình Ngọc (53 tuổi) trả lời trên báo VnExpress cho biết vẫn chưa hết sợ hãi khi chứng kiến giây phút từng người đổ gục trong miệng lò. 

“Tôi đang ở nhà trông cháu, nghe làng xóm tri hô có người bị ngất xỉu trong lò vôi nhà ông Thong nên vội chạy ra, đến nơi thấy mấy người nằm la liệt dưới hố sâu hơn 2m”, ông Ngọc nói.

Ông Lê Đình Ngọc. Ảnh: Zing.vn.

Vội nhảy xuống hố nhưng thấy khó thở, ông Ngọc vội bịt mũi xua tay và hô lớn để mọi người đừng vào. Tuy nhiên, trong lúc hoảng loạn, vợ và hai con gái ông Thong cùng một người nữa vẫn lao xuống.

“Tôi tìm cách cứu họ nhưng bất lực”, ông Ngọc kể và cho hay nếu không nhanh chân trèo ra khỏi miệng hố có lẽ cũng đã mất mạng.

Thoát được ra ngoài, ông Ngọc vội chạy về nhà lấy một chiếc quạt công suất lớn, hướng thẳng vào hố bật gió. Có luồng gió mạnh, khí độc mới khuếch tán bớt rồi một số thanh niên khỏe mạnh được phân công bế từng nạn nhân chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, 8 người đã ngừng thở.

Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ việc, theo tin tức từ báo Công an TP. HCM, nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa vừa công bố kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn lao động này.

Người nhà nạn nhân đau đớn trước tai họa bất ngờ. Ảnh: Zing.vn.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, gia đình ông Lê Văn Thong và bà Lê Thị Nguyên là chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công, có thuê ông Phạm Văn Tuyên (SN 1963, ở thôn 1 xã Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hóa) làm công nhân kỹ thuật.

 

Khoảng 14h30 ngày 1/1/2016, khi đã xếp được 2/3 nguyên liệu (đá và than) vào lò thì ông Thong đốt lửa ở dưới lò, ông Tuyên tiếp tục xếp nguyên liệu ở trên lò cho đầy (đây là quy trình sản xuất vôi được nhân dân áp dụng nhiều năm nay).

Khi đang xếp nguyên liệu thì bất ngờ ông Tuyên ngất, ông Thong hô hoán để mọi người biết, đồng thời lao vào cứu ông Tuyên. Không thấy ông Tuyên và ông Thong ra, những người xung quanh (7 người gồm vợ, con ông Thong và người thân, hàng xóm) chạy vào cứu thì cũng không ra được.

Lúc này nhân dân đã phá hông lò, lấy quạt thổi khí và đưa nạn nhân đi cấp cứu, đến 19 giờ thì 8 nạn nhân đã tử vong. Cơ quan công an nhận định nhiều khả năng 9 nạn nhân bị ngộ độc khí CO.

Các nạn nhân tử vong gồm: Ông Lê Văn Thong (SN 1959 là chủ lò vôi); Lê Thị Mai (SN 1985 con gái ông Thong) và Lê Thị Nga (SN 1990, con dâu ông Thong) đang mang thai tháng thứ 5; ông Hoàng Văn Việt, ông Lê Đình Hòa, ông Phạm Văn Tuyên đều ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống và ông Lê Gia Cường, ông Lê Văn Tân, cùng ngụ xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống. Người hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là bà Lê Thị Nguyên (SN 1959, vợ ông Thong).

Bước đầu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 5 triệu đồng đối với mỗi nạn nhân tử vong, 3 triệu đồng và miễn hoàn toàn tiền viện phí điều trị tại bệnh viện đối với người bị thương và bàn giao tử thi cho gia đình mai táng theo phong tục của địa phương.

 

Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các ngành chức năng để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo