Tin tức - Sự kiện

Hãi hùng những món ăn “lạ”

Khác với những thức ăn vặt thông thường, bỏng khói, snack khói, mì siêu cay đang trở thành món ăn “đắt khách” của giới trẻ. Tuy nhiên, chỉ mới nghe tên những món ăn "lạ" này, nhiều người đã cảm thấy lo lắng về mức độ an toàn của chúng.

Bỏng nhả khói “ngậm” hóa chất
Snack, bỏng làm từ nitơ lỏng đang là trào lưu thịnh hành ở các nước phương Tây. Đánh vào thị hiếu thích mới lạ của giới trẻ, nhiều quán ăn tại Việt Nam đã nhập công nghệ bình nitơ lỏng từ nước ngoài về làm kem, bánh, đồ ăn vặt. Món ăn này đã xuất hiện ở nhiều cửa hàng bán đồ ăn vặt chuyên phục vụ giới trẻ. Một cửa hàng nằm trên phố Hàng Giầy còn tung ra chiêu hút khách bằng cách cho nhân viên mặc đồng phục, đeo kính như ở phòng thí nghiệm để chế biến kem mây, bỏng khói, khách hàng có thể tận mắt chứng kiến cách làm kem. Tuy nhiên, do sử dụng nitơ lỏng, món ăn này cũng dễ khiến các thực khách bị bỏng lạnh.

 

Tại Anh, một cô gái trẻ đã từng bị phản ứng phụ khá nặng khi dùng đồ uống được pha với nitơ lỏng có hiệu ứng nhả khói. Sau khi uống, cô gái đã bị khó thở, đau bụng dữ dội được đưa tới bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thủng dạ dày và phải mổ cấp cứu để cắt dạ dày.
Thế nhưng, khi đặt câu hỏi về khí nitơ lỏng với một nhân viên bán bỏng khói trên khu vực phố cổ Hàng Giầy, nhân viên ở quán cho biết, món ăn này bảo đảm an toàn. Bình thường trong không khí cũng có chứa nitơ, không có gì độc hại cả. Hầu hết các thực khách đều không tỏ ra quan ngại về món ăn này, họ chỉ quan tâm đến độ đẹp mắt và muốn thử cảm giác “hà hơi thành khói” rất sành điệu giữa trời nắng nóng. Món bỏng khói chỉ có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/cốc nên cũng phù hợp với đông đảo khách hàng “teen”.
Theo các chuyên gia, nitơ lỏng được sản xuất công nghiệp bằng cách chưng cất phân đoạn không khí lỏng. Nó là một chất lỏng trong suốt, không màu, trọng lượng riêng 0,807g/ml ở điểm sôi của nó và một hằng số điện môi 1.4. Ở áp suất khí quyển, nitơ lỏng sôi ở nhiệt độ 77K (-196°C, -321°F) và là một chất lỏng đông lạnh có thể gây đóng băng nhanh chóng khi tiếp xúc với mô sống, có thể dẫn đến bị tê cóng. Tuy nitơ không phải là khí độc nhưng có thể gây ra bỏng lạnh hoặc hoại tử da khi tiếp xúc nhiều ở mức độ lớn vì rất lạnh. Nguy hiểm hơn, khi hít phải khí nitơ nồng độ cao vào máu, não bộ sẽ phát một tín hiệu cho haemoglobin (đây là một protein phức tạp chứa phần tử sắt có khả năng thu nhập, lưu trữ và phóng thích ôxy trong cơ thể) ngừng vận chuyển ôxy làm tim ngừng đập.
Nitơ lỏng có thể được ứng dụng phổ biến trong việc chế biến thực phẩm nhưng khi ăn phải để nó bốc hơi hết. Song có nhiều người lại thích sử dụng luôn trong khi khí nitơ vẫn còn chưa tan hết, khi ăn vào miệng sẽ tỏa ra một làn khói mát lạnh.
Hại dạ dày vì ăn “siêu cay”
Cùng với trào lưu món ăn “nhả khói”, nhiều quán ăn cũng bày bán thêm món mì siêu cay, được chế biến với 7 cấp độ. Thử thách ăn cay và nhận các phần quà giá trị là một trong những chiêu thức quảng cáo thu hút khách hàng của những quán mì cay hiện nay. Đa phần mọi người chỉ thưởng thức mì cay cấp độ nhẹ, rất hiếm người có thể ăn được ở mức trung bình như cấp độ 4, 5.
Mì cay có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Món này ăn đơn giản với nước lèo có vị kim chi, mì tôm cùng các nguyên vật liệu kèm như thịt, hải sản, bò viên, nấm... Khó nhất trong cách chế biến mì cay là khâu tạo độ cay cho ớt. Thay vì ăn tại nhà hàng, một số nơi cũng nhận bán nguyên liệu mì cay và chuyển hàng tận nhà để thực khách tự chế biến.
Em Hoàng Vũ ở quận Thanh Xuân chỉ vì nghe lời thách đố của bạn bè mà liều thử sức món mì cay với mức độ 7 cao nhất. Sau khi ăn xong cổ họng đều đau rát, dạ dày “nóng như lửa”, chút xíu là phải nhập viện. 
Bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y cho biết, các món ăn cay quá mức có thể làm nặng hơn tình trạng đau dạ dày do viêm, gây ra triệu chứng của trào ngược dạ dày, tổn thương vị giác ở lưỡi (cơ quan cảm nhận vị thức ăn), gây cảm giác nóng rát khi đi tiêu ở người bị trĩ (do thành phần capsaicin không bị thoái hóa ở đường ruột), gây mất ngủ... Mức độ chấp nhận cay tùy thuộc vào mỗi người, vì thế hãy dừng ăn khi cảm giác đau do cay quá nhiều, đó là tín hiệu cơ thể không chấp nhận được mức độ cay đó.
Nên đọc
Theo báo Hà Nội mới.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo