Hai kịch bản của bão số 14 khi đổ bộ vào Khánh Hòa - Bình Thuận
Theo Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trường hợp xấu là bão đạt cực đại cấp 8-9 khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ trưa 19/11.
Trao đổi với Zing.vn chiều 18/11, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho hay bão số 14 (tên quốc tế Kirogi) xuất hiện vào cuối mùa mưa bão, vốn là một vùng áp thấp, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Bão có tốc độ di chuyển nhanh.
"Sáng 18/11, áp thấp nhiệt đới này đã mạnh lên thành bão, hiện mạnh cấp 8. Đêm nay, có thể bão sẽ mạnh lên cực đại, đạt cấp 8-9, giật cấp 10-11 và đi vào vùng biển phía bắc của quần đảo Trường Sa", ông Hải nói.
Hai kịch bản
Đưa ra các kịch bản, ông Hải nhận định trường hợp xấu là sáng 19/11, bão số 14 đạt cực đại cấp 8 đến cấp 9 và đổ bộ trực tiếp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do khu vực này có nhiều đảo vịnh ven bờ, ông Hải lưu ý người dân cần chú ý các phương án sẵn sàng đối phó với bão, bởi gió ngoài biển lúc này hoạt động rất mạnh.
"Một kịch bản khác là lúc vào ven bờ, bão có thể vẫn ở cấp 8 hoặc suy yếu. Khi tới sát bờ, nó giảm còn thành áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7", ông cho biết.
Đề cập đến ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ông Hải cảnh báo từ đêm 18/11 đến hết trưa 19/11, gió hoạt động mạnh, gây ra đợt mưa ở Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và khu vực ven biển ở Nam Bộ.
Bên cạnh đó, vùng biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ (từ Phú Yên đến Cà Mau) có thể xuất hiện giông lốc nguy hiểm.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia. Ảnh: Hoàng Như.
Hơn nữa, cũng theo ông Hải, ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 18 đến 22/11, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận đề phòng sạt lở đất. Cũng theo ông Hải, hiện chưa thể khẳng định liệu đây có phải là cơn bão cuối cùng của năm 2017 hay chưa. "Sẽ còn khoảng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động ở vùng biển phía nam Biển Đông và vùng biển Trường Sa. Song, khả năng đổ bộ vào đất liền là không cao", Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định. Bão cuối mùa tiềm ẩn bất ngờ Trong khi đó, theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, dù là cơn bão cuối mùa nhưng bão số 14 tiềm ẩn những bất ngờ, phức tạp, khó lường. Bão số 14 không mạnh như bão số 12 nhưng hoàn lưu gây mưa của bão rộng từ Đà Nẵng vào tận Cà Mau. Theo bà Lan, bão ít có khả năng đổi hướng, di chuyển nhanh và ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Nam Trung Bộ. Dự kiến tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào Ninh Thuận nhưng cường độ ở tâm bão chỉ cấp 8-9 rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan nhanh trên đất liền. "Tôi đánh giá khả năng hướng đi của bão sẽ đúng như dự báo của các mô hình dự báo các nước vào khu Khánh Hòa - Bình Thuận. Do bão di chuyển khá nhanh, không 'nạp thêm năng lượng' nên khả năng mạnh thêm không nhiều. Cộng với không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ nước biển giảm, bão sẽ suy yếu nhanh khi gần vào bờ”, bà Lan nói.
Theo chuyên gia, cường độ bão giữ nguyên từ hôm nay đến ngày mai do không khí lạnh chỉ về phía Bắc. Khi không khí lạnh về hướng nam, vùng biển sẽ giảm nhiệt độ nên bão sẽ suy yếu. Thời điểm bão đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ, cường độ gió ở mức cấp 8, cấp 9. Trong bán kính 300 km, gió mạnh cấp 6. Cường độ nhỏ nhưng hoàn lưu gây mưa rộng gây nguy hiểm. Từ hôm nay, khu vực TP.HCM sẽ có mưa, mưa vừa đến mưa to, trong cơn mưa sẽ có dông, gió giật mạnh, đề phòng lốc xoáy. Đổ bộ vào Khánh Hòa đến Bình Thuận Theo bản tin dự báo khí tượng cuối chiều 18/11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h, tâm bão chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 400 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km về phía bắc, 100 km về phía nam tính từ vùng tâm bão.Trong đêm nay và rạng sáng mai, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km. Đến 4h ngày 19/11, tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km về phía Bắc, 150 km về phía nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão cao 5-6m.
Gió mạnh trên đất liền: Từ sáng sớm 19/11, trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Phú Yên và khu vực nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Mưa lớn trên đất liền: Từ đêm nay (18/11), các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).
Cảnh báo lũ: Từ ngày 19 đến 24/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3.