Hai mối tình của người đàn ông mọc u khắp cơ thể
Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Văn Chủ (58 tuổi) nằm ngay cạnh con đường nhỏ dẫn vào khu du lịch suối cá thần Lương Ngọc (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Ở địa phương, ông mang tiếng là người đặc biệt khi có hàng ngàn khối u mọc chi chít từ đầu đến tận gót chân, cái bé thì như hạt đậu, lớn thì tương đương cái chén Ngồi trước hiên nhà sàn của gia đình, ông Chủ kể, ông là con đầu trong gia đình gồm 9 anh chị em. Thuở nhỏ, ông được biết đến là đứa trẻ thông minh, hiếu động và có làn da ngăm đen kỳ lạ.
Nhà nghèo, chẳng được học hành tử tế, tuổi thơ của Chủ gắn liền với việc ngày ngày lặn tìm bắt cua ốc trên sông Mã ngay cạnh nhà. Số bán ốc ông đều dành dụm rồi mang về đưa cho bố mẹ mua thức ăn. Năm lên 18 tuổi, cơ thể ông bắt đầu xuất hiện những nốt bọng nước ửng đỏ kỳ lạ, to bằng hạt đậu. Lo cho sức khỏe con trai, bố mẹ ông đã phải bán hết tài sản để lấy tiền chạy chữa. “Tiền mất tật mang”, một thời gian ngắn sau, các nốt lạ đó lan rộng khắp cơ thể và to lên nhanh chóng. “Từng bọng nước ngày một nhiều và to dần cứ thế mọc lên. Nhiều người già trong bản còn tung tin tôi bị quỷ ám, nếu ở lại địa phương sẽ gây họa cho cả làng”, ông Chủ kể.
Thời gian đầu mắc bệnh, ông Chủ không dám ra ngoài, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Ai gặp ông cũng sợ, cũng né tránh. Người lớn gặp đôi ba lần thành quen, còn trẻ con, hễ gặp thì đều sợ phát khóc. Sau một thời gian, nhận được sự động viên của gia đình và bạn bè thân thiết nên ông dần trấn tĩnh và chấp nhận sống Chủng với căn bệnh. Sau thời gian tham gia dân quân hỏa tuyến ở Phù Nhi (huyện Quan Hóa), ông Chủ trở về tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương. Ngoài tuổi đôi mươi, thông qua sự mai mối của cha mẹ, ông Chủ đã cưới người con gái xã bên tên Sách làm vợ.
“Khi biết tin chọn tôi làm chồng, Sách bị dân làng quở trách. Họ bảo, tôi bệnh tật thế này thì làm sao lo cuộc sống gia đình được. Con cái sinh ra cũng bệnh tật giống tôi”, ông Chủ kể. Vượt qua thử thách, tròn một năm sau ngày cưới, bà Sách sinh người con trai đầu trắng trẻo, khỏe mạnh khiến ai cũng mừng. Sau này, bà Sách lần lượt sinh thêm ba người con. Song, chỉ duy nhất người con thứ ba lành lặn, còn lại đều mắc căn bệnh giống ông Chủ.
“Thu và Phượng đều là phận gái đầu trong nhà, gia đình đã chạy chữa cho cháu khắp nơi nhưng đều vô vọng”, ông Chủ chia sẻ. Nay tuổi đã tròn 35, chị Thu vẫn chưa thể tìm được người đàn ông để lấy làm chồng. Sinh được bốn người con thì hai người mắc căn bệnh giống mình, vợ chồng ông Chủ đành tự an ủi nhau cùng nuôi các con khôn lớn. Tròn 20 năm nên nghĩa vợ chồng, bà Sách bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Từ đó, trong gia đình vốn ấm cúng chỉ còn lại chồng và 4 đứa con thơ dại.
Gần 5 năm sau, khi các con đã khôn lớn, ông Chủ được gia đình động viên đi thêm bước nữa. Lúc bấy giờ, bà Cao Thị Sú vốn là người phụ nữ xinh đẹp. Sau khi xuất giá, bà bị gia đình chồng hành hạ nên phải bỏ về ở cùng bố mẹ đẻ lánh nạn. Biết ông Chủ là người tốt tính, bà Sú đồng ý theo về làm vợ. “Vợ mất sớm để lại bốn đứa con nhỏ mắc bệnh.
Trong giấc mơ, tôi cũng không dám ước sẽ có một người nữa yêu thương và theo về làm vợ”, ông Chủ nói về mối duyên tình vợ chồng thứ hai. Ngồi bên cạnh, bà Sú tâm sự, lúc đầu quyết định làm vợ ông Chủ, bà bị gia đình và xóm giềng gièm pha, lại phải sống chung với bốn người con riêng của chồng. Dù vậy, cuộc sống gia đình họ rất hạnh phúc. "Tôi mong sao tìm được phương thuốc có thể chữa khỏi bệnh cho các con, các cháu sau này", ông Chủ tâm sự.
Những năm gần đây, ông Chủ được lãnh đạo địa phương cử làm bảo vệ hoa màu bản với mức hỗ trợ 4kg lúa mỗi năm. Mặc dù bệnh tật gây không ít phiền toái nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chính quyền và nhân dân tin tưởng, quý mến. “Tuy thu nhập chẳng đáng là bao, tôi chỉ mong làm được những công việc có ích, giúp đỡ người dân và địa phương”, ông Chủ chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo