Hàng loạt gói giải pháp của ngân hàng, doanh nghiệp vẫn chết
Ngân hàng tung hàng loạt gói giải pháp
Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa lên kế hoạch rà soát lại toàn bộ khách hàng vay vốn trên toàn hệ thống, đánh giá và phân loại mức độ khó khăn của từng khách hàng và thực hiện gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hơn 500 khách hàng với tổng dư nợ các khoản điều chỉnh hơn 1.800 tỉ đồng.
Ngoài các khách hàng đã được điều chỉnh và tiếp tục gia hạn nợ như trên, SHB sẽ xem xét cấp thêm vốn lưu động cho các khách hàng khó khăn về vốn để hoàn thành các sản phẩm dở dang nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh cá thể.
Cùng với việc giảm trung bình 2,9% lãi suất trong tháng 5, SHB còn điều chỉnh lãi suất cho khách hàng đã đến hạn và chưa đến hạn điều chỉnh.
Theo đó, đối với khách hàng đã đến hạn điều chỉnh lãi suất, có 3.500 khoản vay của 2.450 khách hàng với tổng dư nợ (quy đổi) được điều chỉnh là 4.700 tỉ đồng và số lãi giảm tương ứng là 7,53 tỉ đồng.
Điều chỉnh giảm lãi suất trước hạn gồm 4.276 khoản vay của 3.467 khách hàng với tổng dư nợ (quy đổi) được điều chỉnh là 5.320,4 tỉ đồng và số lãi giảm tương ứng là 9,52 tỉ đồng.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa khuấy động thị trường bằng chương trình cho vay VNĐ lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỉ giá USD/VNĐ, với lãi suất chỉ 7%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay từ nay đến cuối năm.
Điều kiện để tiếp cận mức lãi suất này là khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỉ giá USD/VNĐ với mức dự kiến từ nay đến cuối năm tối đa là 3%. Nếu tỉ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3%.
Một nguồn cung vốn tốt nữa trên thị trường phải kể đến NH NN-PTNT (Agribank). NH này vừa thực hiện giảm lãi suất đối với các hợp đồng cũ với số tiền giảm gần 2.000 tỉ đồng.
Kể từ cuối tháng 5 vừa qua một số ngân hàng lớn đã đồng loạt dành các gói tín dụng có trị giá 2.000 - 4.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, mua nhà với lãi suất ưu đãi nhằm kích cầu.
...nhưng DN vẫn gặp khó và đang chết dần, chết mòn (Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet)
Chẳng hạn, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã giảm lãi suất cho vay tiêu dùng, Bất động sản (BĐS), sản xuất kinh doanh xuống 15,5%/năm từ ngày 28/5 (tùy theo thời hạn, số tiền vay và sản phẩm tín dụng).
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tung ra gói 2.000 tỉ đồng cho cá nhân vay kinh doanh với lãi suất 13%/năm, còn vay mua, xây, sửa chữa nhà là 14%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) dành 1.000 tỉ đồng cho vay BĐS với lãi suất 14,2%/năm trong 3 tháng đầu của khoản vay, thời gian vay 180 tháng, mức vay tối đa là 90% nhu cầu vốn...
Trước đó, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra mức lãi vay "sốc" là 10%/năm nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng mua căn hộ tại một số dự án cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chết dần, chết mòn
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp (DN) đã giải thể và dừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh, lên đến 17.735 DN, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011.
DN phá sản nhiều nhất thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ, tiếp theo đó là xây dựng và chế biến chế tạo.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một điều đáng lưu ý là tỷ lệ ngừng hoạt động hoặc giải thể của DN ngoài quốc doanh trong nước ở chiếm đa số, tới trên 9,2%, còn khu vực DN FDI chỉ gần 2,6%.
Vậy liều thuốc mà ngân hàng tung ra liệu đã đủ mạnh hay chưa? (Ảnh: Internet)
Theo phản ánh của VCCI, hiện nay tình hình chung của các DN là rất khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao (chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu và giá vốn cao) và thị trường tiêu thụ thu hẹp (do sức mua giảm mạnh).
Ngoài ra, DN cũng gặp khó do lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo,thương mại, vận tải kho bãi…
Về triển vọng kinh doanh trong năm 2012, theo VCCI sẽ có 13,1% số DN dự kiến giảm quy mô về lao động, 10% số DN dự kiến giảm quy mô về vốn và có tới 25,8% DN dự kiến giảm về doanh thu. Gần 30% DN dự kiến giảm về lợi nhuận.
Có thể thấy, dù ngân hàng đã tung đủ chiêu để kích cầu, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ hơn, nhưng số lượng doanh nghiệp xin giải thể và dừng hoạt động đang không ngừng tăng lên. Vậy liều thuốc mà ngân hàng tung ra liệu đã đủ mạnh hay chưa?
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Langfarm Center: Điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm mới lạ của Đà Lạt
‘Thúc’ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội
Giá vàng ngày 5/1/2025: SJC dao động quanh mức 85 triệu đồng/lượng
Giá ngoại tệ ngày 5/1/2025: USD giảm tốc sau chuỗi tăng trưởng mạnh
Giá nông sản ngày 5/1/2024: Cà phê ổn định, hồ tiêu tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 5/1/2025: Biến động tăng trên cả ba miền