Hàng loạt Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lỗ hàng nghìn tỷ đồng
Theo báo PL. TP HCM, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Theo đó, báo cáo cho thấy có 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lỗ lũy kế là 24.451 tỉ đồng và 10 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.891 tỉ đồng. Cụ thể, Tổng Công ty Hàng hải VN - Vinalines lỗ 20.687 tỉ đồng; Tổng Công ty Lương thực miền Nam (1.125 tỉ đồng); Tổng Công ty Sông Đà (413 tỉ đồng); Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (334 tỉ đồng); Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC (196 tỉ đồng),… Riêng công ty mẹ Vinalines có mức lỗ lũy kế là 388 tỉ đồng; công ty mẹ Tổng Công ty Lương thực miền Nam là 1.095 tỉ đồng,…
Đi kèm với số liệu lỗ lãi, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2014, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt gần 251.000 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2013.
Theo báo cáo của Chính phủ, những DNNN có mức doanh thu lớn như Tập đoàn Dầu khí VN - PVN (381.359 tỉ đồng); Tập đoàn Điện lực VN - EVN (209.241 tỉ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel (193.003 tỉ đồng); Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (80.205 tỉ đồng); Tổng Công ty Hàng không VN (70.611 tỉ đồng); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN - VNPT (68.495 tỉ đồng); Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (36.258 tỉ đồng).
Trong đó, lợi nhuận trước thuế của PVN là 67.846 tỉ đồng; Viettel là 42.184 tỉ đồng; EVN là 5.351 tỉ đồng; Mobifone là 7.483 tỉ đồng; VNPT là 6.373 tỉ đồng.
Theo báo VnEconomy, từ các số liệu này, Chính phủ đánh giá, kết quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty chưa cao. Có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi, nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013.
Phân tích theo lĩnh vực, Chính phủ cho rằng xây dựng, kinh doanh bất động sản còn gặp khó khăn. Hầu hết hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty đều dựa trên vốn vay.
Song thông qua giải pháp hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho vay mua nhà đã giảm thiểu chi phí tài chính, chi phí lãi vay cho doanh nghiệp hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục tích cực và có tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực dầu khí, báo cáo cho biết, giá dầu suy giảm mạnh từ tháng 10/2014 nên tình hình thu ngân sách gặp khó khăn. Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch tất cả các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính và sản xuất, kinh doanh năm 2014 với sản lượng khai thác quy dầu tăng 4,3% so với năm 2013.
Nhưng xét theo số liệu báo cáo hợp nhất của toàn tập đoàn các chỉ tiêu đều giảm nhẹ. Cụ thể, doanh thu giảm 6%, lợi nhuận trước thuế giảm 4%, số phát sinh phải nộp ngân sách giảm 1% so với thực hiện năm 2013.
19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn lỗ lũy kế trên 24 nghìn tỷ đồng, riêng Vinalines lỗ 20.687 tỷ đồng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất