Hàng nghìn ha cao su bị chặt bỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại sao một chủ trương sai, bất chấp rủi ro, đẩy nông dân vào thế khó vẫn được quyết tâm thực hiện? Trách nhiệm thuộc về ai hay lại nông dân tự trồng, tự chịu như trồng mía, trồng khoai?
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lên tiếng trước thực trạng hàng ngàn hec-ta cây cao su bị chặt phá. Dù trước đó ông đã đưa ra nhiều lời cảnh báo, khuyên ngăn.
Dân phá cao su: Ứng nghiệm lời cảnh báo 10 năm
Cây cao su là một trong 4 loại cây công nghiệp (hồ tiêu, chè, cafe, cao su) lâu năm đem lại nguồn sản phẩm quý, góp phần làm giàu cho nông dân và là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhất.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã XK được 188.505 tấn cao su, đạt 376,5 triệu USD với đơn giá bình quân khoảng 1.997 USD/tấn. Chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Chính nhờ ý nghĩa lớn như vậy mà thời gian qua cây cao su đã phát triển nhanh chóng, hiện trên cả nước đã có khoảng 915.000 ha cao su (trong đó quy hoạch của Thủ tướng tới năm 2015 là 800.000 ha) bao gồm cả diện tích đang cho thu hoạch và cả cao su chưa cho thu hoạch.
Thế nhưng, những ngày này nông dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ hàng ngàn ha vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.
Không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị nông dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.
Vậy đâu là nguyên nhân? Đây phải xem là hậu quả của một sai lầm về chủ trương, làm trái quy hoạch mà nhiều người đã can ngăn từ cách đây 10 năm. Lời cảnh báo giờ đã ứng nghiệm, nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu.
Tại sao tôi nói vậy? Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, sợ nhất gió bão, rét và đất dốc. Nếu ở điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp cây cao su không gãy đổ thì sẽ bị ức chế mủ.
Thuận lợi hơn, có thể cây không chết nhưng thời gian sinh trưởng kéo dài, bình thường 5 năm đã cho thu hoạch mủ giờ phải mất 8 năm. Thời gian cạo mủ cả năm bị rút ngắn, năng suất mủ thấp, đương nhiên trồng cao su lỗ.
Do đó, chủ trương đưa cao su vào miền Trung và các tỉnh Phía Bắc là cực kỳ mạo hiểm nếu không muốn nói là một chủ trương sai lầm.
Thứ hai, phát triển hàng 100.000ha cao su tại Lào và Campuchia cũng là một chủ trương theo kiểu trồng lấy được, chưa được tính toán kỹ.
Xét ở góc độ kinh tế-xã hội, trồng cao su tại Lào và Campuchia việc khai thác, cạo mủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cao, không có nhân công cạo mủ. Nếu vậy, trồng mà không khai thác được thì coi như bỏ.
Thứ ba, về thị trường, cao su là cây nguyên liệu công nghiệp, thị trường tiêu thụ lớn nhưng lại phụ thuộc vào phát triển ngành công nghiệp. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su Việt Nam đang gặp hai yếu tố giới hạn là suy thoái kinh tế chung và sự phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ cao su lớn của Việt Nam, nhưng do khủng hoảng kinh tế cộng với lượng hàng tồn kho tại quốc gia này quá lớn, sức mua giảm. Như vậy, ngay cả khi không phát sinh vấn đề trên Biển Đông thị trường cao su của Việt Nam cũng đã gặp rất nhiều rủi ro.
Thứ hai, khi Trung Quốc mở rộng phát triển cao su tại Lào, Campuchia đã không được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận một cách chiến lược.
Mỗi diện tích cao su Trung Quốc trồng bên Lào lớn lên cũng đồng nghĩa với cơ hội cho thị trường cao su Việt Nam đang bị thu hẹp lại. Thực tế này đã đẩy cao su Việt Nam vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
"Mê" lợi ích, DN lấy nông dân làm "chuột bạch"
Vậy tại sao một chủ trương sai, bất chấp rủi ro, đẩy nông dân vào thế khó vẫn được quyết tâm thực hiện? Trách nhiệm thuộc về ai hay lại nông dân tự trồng, tự chịu như trồng mía, trồng khoai?
Bản thân tôi đã chứng kiến nông dân Tây Nguyên rồi tới hàng loạt các tỉnh bắc miền Trung, tới Bình Dương, Bình Phước những vùng được coi là miền đất hứa đã phải tự tay chặt bỏ công lao bao nhiêu năm, bỏ tiền của, công sức chấp nhận không một nguồn thu, tay trắng. Điều này phải khẳng định vì nông dân không còn niềm tin vào thị trường.
Để xảy ra tình trạng ồ ạt phát triển cao su, vượt hàng ngàn ha so với quy hoạch phải được xem xét trách nhiệm một cách nghiêm khắc. Trong đó có vai trò của người định hướng, đưa chủ trương sai gây thiệt hại cho dân.
Cụ thể ở đây là Tập đoàn cao su Việt Nam. Do bị "mê" bởi lợi ích cao su quá lớn nên ngẫu hứng phát triển. Từ sự mê muội lợi ích của mình mà vận động chính sách đưa ra những chủ trương kêu gọi người dân làm.
Dưới hình thức cho hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn, Tập đoàn bỏ tiền đầu tư vốn, giống, phân bón, rồi lôi kéo địa phương và người dân. Bất chấp những dự báo rủi ro của thị trường.
Bằng những chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, địa phương ham thành tích cũng mê muội nghe theo.
Đó chính là sai lầm bắt nguồn từ chủ chương phát triển nền kinh tế nhà nước. Tập đoàn cao su không tự bỏ tiền đầu tư, vốn là của nhà nước lấy từ ngân sách, tiền thuế của dân. Khi có lợi DN hưởng, khi xảy ra biến dân chịu thiệt, ngân sách thất thu.
Do đó, phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo của Tập đoàn cao su Việt Nam. Không thể coi Tập đoàn là vô can. Tất nhiên, xem xét trách nhiệm sẽ dựa trên hai yếu tố.
Thứ nhất, quy hoạch Tập đoàn tự đầu tư phải tự chịu trách nhiệm trực tiếp. Nếu gây thiệt hại Tập đoàn phải tự bỏ tiền túi đền bù cho dân. Không thể vì bảo toàn lợi ích cá nhân mà trốn tránh trách nhiệm với dân.
Thứ hai, kêu gọi nông dân liên kết, góp đất, doanh nghiệp hỗ trợ vốn thực hiện theo chủ trương sai, Tập đoàn cao su cũng phải chịu trách nhiệm.
Đi vào cụ thể, với cao su miền Trung vừa rồi xảy ra sự cố gãy đổ hàng loạt là có lỗi của quy hoạch sai. Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, nhưng không được tiếp thu, để dân mất trắng đó là chủ trương sai. Chính phủ phải chịu trách nhiệm trực tiếp, sau nữa là Tập đoàn cao su Việt Nam.
Nhà nước phải hỗ trợ cho người dân, không thể biến nông dân thành "chuột bạch" hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác.
Đối với tỉnh Tây Bắc, trồng gần chục năm chưa thu hoạch, đến thời gian thu hoạch thì lại chưa chắc đã bán được. Dân còn khổ.
Tất nhiên, trong trường hợp người dân không làm theo quy hoạch thì người nông dân cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Về mặt quản lý, các cơ quan Bộ ngành liên quan cũng phải chịu trách nhiệm.
Kể cả trách nhiệm hình sự, không thể lấy tiền thuế của dân để đầu tư mạo hiểm, đẩy dân vào chỗ khó. Trong đó không thể không nói tới trách nhiệm của địa phương.
Vậy phải làm thế nào...?
Trước thực tế hàng ngàn ha cao su bị chặt bỏ đó là điều đáng lo ngại, tuy nhiên chặt cao su là quyền của dân nhưng chặt thế nào là những người lãnh đạo phải tính toán.
Thứ nhất, vẫn phải xác định cao su vẫn là cây công nghiệp có lợi thế ở Việt Nam, để cao su phát triển thuận lợi nhất, giá thành tốt nhất, cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới bền vững nhất phải có chiến lược phát triển.
Trong đó phải tính tới thị trường Trung Quốc, từ đó có những thay đổi quy hoạch trong nước.
Đầu tiên, việc cần phải làm ngay là dừng lại, không được trồng thêm diện tích cao su mới. Kiên quyết không đưa cao su lên vùng cao Tây Nguyên.
Thứ hai, không được phá rừng khộp ở Tây Nguyên và các tỉnh miền trung Nam Bộ để trồng cao su. Tuyệt đối không trồng cao su tại Tây Bắc.
Với những diện tích đã trồng thì phải tính toán thế nào?
Không tự tiện để người dân chặt phá, phải ngăn chặn ngay không để "bệnh" chặt này lan rộng không thể kiểm soát được.
Với cao su đã hết tuổi khai thác, có thể cho nông dân chặt lấy gỗ làm nguyên liệu sản xuất giấy, gỗ. Chặt rồi có trồng mới không thì phải tính toán, không nhất thiết phải trồng mới khi tín hiệu thị trường chưa thuận lợi.
Thứ hai, với những khu vực không phù hợp, để người dân chặt bỏ, hỗ trợ dân trồng cây khác.
Với khu vực thích hợp nhưng cao su còn non, không nên để dân tự chặt. Phải có chỉ đạo dân trồng xen canh để phát triển, tăng thu nhập, tất nhiên trồng cây gì phải tính toán.
Về lâu dài thì phải tính toán để cao su phát triển mạnh lên, hướng tới chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường.
Tóm lại, bài toán cao su phải cần tới sự ngồi lại của các nhà hoạch định chiến lược bàn tính kỹ để đưa ra phương án tái cơ cấu ngành cao su, hướng tới phát triển ổn định.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo