Hàng tiêu dùng Thái Lan "ép chết" hàng Việt trong siêu thị
Khi những e ngại về chất lượng hàng Trung Quốc dấy lên cũng là lúc hàng Thái có cơ hội đổ bộ vào thị trường Việt, phủ sóng hầu hết các ngóc ngách, từ chợ truyền thống cho đến “chợ” online, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, siêu thị
Theo nguồn tin từ báo VOV, hàng Thái còn được đưa đến tận vùng sâu, vùng xa. Các chợ đầu mối chuyên phân phối hàng sỉ như Đồng Xuân (Hà Nội), Tân Bình, An Đông (TP HCM) cũng chuyển dần sang hàng Thái Lan. Đặc biệt với chiêu thức “giao hàng miễn phí cho hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên”, hàng Thái đã chinh phục không ít các bà nội trợ vì tiết kiệm được thời gian.
Lý giải về nguyên nhân hàng Thái nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, các chuyên gia cho rằng, hàng Thái rẻ hơn hàng Nhật, Hàn Quốc, chất lượng lại ưu việt hơn hàng Trung Quốc và mẫu mã thì đẹp hơn hàng Việt Nam nên đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Không chỉ chất lượng tốt và ổn định, việc ưu đãi giá đến 20% kèm hỗ trợ chi phí quảng bá, xúc tiến, biển bảng... là cách mà các doanh nghiệp Thái thuyết phục nhiều nhà phân phối Việt Nam.
Để chinh phục người Việt, hàng ngoại không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có mức chiết khấu hấp dẫn..., chúng còn được giới thiệu, xuất hiện ở những vị trí đắc địa trong trung tâm thương mại, siêu thị, nhằm khuếch trương hàng ngoại.
Không phải ngẫu nhiên tập đoàn Central Group, TTC của Thái Lan chi hàng triệu USD để mua đứt hệ thống bán lẻ siêu thị Big C, Metro tại Việt Nam bởi các hệ thống siêu thị này đều nằm ở những vị trí đắc địa, thu hút lượng lớn khách hàng tới mua sắm.
Tính đến thời điểm hiện tại, người Thái đã có trong tay 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’s Mart có 75 cửa hàng tiện lợi, Big C có 32 siêu thị và Robinson với chuỗi siêu thị thuộc doanh nghiệp Thái Lan. Có được hệ thống bán lẻ trong tay, dĩ nhiên hàng Thái cũng dễ dàng “lọt” vào chuỗi bán lẻ này.
Trên thực tế, số lượng các cửa hàng tiêu dùng chuyên bán hàng Thái xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng nhiều. Các hãng bán lẻ đang kinh doanh tại Việt Nam như Aeon, BigC và Lotte Mart đã bắt đầu tăng tỷ lệ hàng Thái, báo Vietnamnet đưa tin.
Nhiều mặt hàng Thái Lan đã vươn lên vị trí dẫn đầu xuất khẩu vào Việt Nam như ôtô, rau quả, nông phẩm. Trên đà này, đại gia bán lẻ Thái mua lại những thương hiệu nước ngoài có tên tuổi đã khẳng định vị thế trên thị trường Việt Nam.
Do độ dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, các nhà bán lẻ Thái Lan sau khi vững chân trên thị trường Việt Nam đang bộc lộ ý đồ muốn soái ngôi đầu từ nước láng giềng Trung Quốc.
Khi hàng rào thuế quan trong AEC dần được gỡ bỏ, cơ hội làm ăn tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái sẽ tăng mạnh, việc hàng Thái chiếm ưu thế tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Còn việc tận dụng cơ hội này của phía ta đẩy hàng sang Thái thì chưa thể, thậm chí không thể.
Do hai nước gần, nhiều mặt tương đồng, thị hiếu tương tự mà đẳng cấp của họ luôn ở thứ bậc khá cao so với ta, thì mọi chuyện đều có thể xảy, chỉ có điều là cố không để dòng thác hàng Thái chảy vào thành dòng xoáy, “lũ quét” như đã từng chịu trận với hàng Tàu.
Chính việc bị hàng Thái lấn sân cũng là sức ép buộc doanh nghiệp Việt phải cải cách, cạnh tranh và bật lên. Đó chính là cơ hội đan xen thách thức. Để vượt qua vũ môn này, hàng Việt cần lớn mạnh, vươn mình để người tiêu dùng trong nước lựa chọn đầu tiên, chứ không phải là hàng Thái. Và xu thế đó sẽ lan tỏa đối với hàng của ASEAN và các đối tác FTA mới đã và sẽ theo nhau vào nước ta.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT