Hàng Việt đang dần được tin tưởng!
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đến thời điểm hiện tại, "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã triển khai được 6 năm và đã mang lại những kết quả tích cực khi tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể.
Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%).
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Thường trực Ban chỉ đạo “Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động” cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước.
Về xúc tiến thương mại (XTTM) nội địa, Chương trình XTTM quốc gia năm 2015 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động XTTM phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị này cũng đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh, v.v… Mỗi phiên chợ có khoảng từ 15 đến 25 doanh nghiệp tham gia với 20 đến 40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng. Các chương trình khác đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua tiếp tục được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động.
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức được 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 600 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 8 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi hơn 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 109.000 lượt người, doanh thu mang lại là gần 9 tỷ.
Hoạt động bán hàng khuyến mại trên cả nước tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tập trung vào thời điểm những ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức được 27 đợt khuyến mại thu hút hơn 210 nghìn lượt khách hàng tham quan, mua sắm với tổng giá trị khuyến mại là hơn 11 nghìn tỷ đồng; tiếp nhận, theo dõi hơn 9000 đợt khuyến mại thu hút khoảng 11 nghìn doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại là hơn 90 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động hội chợ, triển lãm hàng Việt, các Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện được gần 100 hội chợ, triển lãm, thu hút hơn 50 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng là khoảng hơn 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các Sở Công Thương cũng đã phối hợp tiếp nhận theo dõi 357 hội chợ, thu hút hơn 11.000 doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng là khoảng hơn 360 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số lượng hàng Việt chiếm phần lớn so với hàng ngoại, có mặt tại các siêu thị ngày càng tăng. Điển hình, tại hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% hàng Việt, hệ thống siêu thị Saigon Coop Mart có khoảng 95%, hệ thống siêu thị Vinatex Mart khoảng 100% hàng sản xuất trong nước. Tại hệ thống các cửa hàng bình ổn thị trường cũng có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực hiện những chương trình tiếp theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo