Hàng Việt vào Nga: “Cánh cửa” vẫn rộng mở
“Số lượng người Việt làm ăn, sinh sống ở Nga khá đông đảo. Họ là những người ở Nga đã lâu, biết văn hóa, tập quán sinh hoạt, thị hiếu tiêu dùng của người Nga khá rõ. Đây là lợi thế của chúng ta mà không phải nước nào cũng có được. Chúng tôi coi họ là cầu nối kinh tế - thương mại, đầu tư rất quan trọng giữa Việt Nam và Nga. Thị trường Nga vẫn rất rộng mở cho hàng Việt” – Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Nga Phạm Quang Niệm cho biết.
Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Nga các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, sản phẩm hàng công nghiệp nhẹ, công nghiệp cơ khí, cụ thể là hàng rau quả, cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, đồ mây tre, thủy sản, dệt may, giày dép, túi sách, va li, mũ, ô dù, máy vi tính, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác… Năm 2012, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch các loại hàng hóa này của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nga đạt 1.618,5 triệu USD.
Theo ông Niệm, một số nguyên nhân khiến hàng hóa Việt vào thị trường Nga chưa xứng với tiềm năng là do: Nga đã và đang áp dụng rào cản thuế quan và phi thuế quan; Việc thanh toán tiền hàng với các doanh nghiệp Nga không phải hoàn toàn theo phương thức thanh toán quốc tế thông dụng L/c, mà còn áp dụng những phương thức khác, dễ gây rủi ro cho các nhà xuất khẩu; Còn tồn tại tâm lý e ngại rủi ro từ nhiều năm qua của DN Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Nga - nơi cơ chế thị trường chuyển biến chậm hơn so với Việt Nam.
Để giúp DN Việt Nam quảng bá và đưa hàng Việt vào thị trường Nga, Thương vụ Việt Nam tại Nga thời gian qua đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cụ thể là tích cực quảng bá hàng Việt Nam tại Nga, giúp các DN tiếp cận để đưa hàng Việt thâm nhập thị trường thông qua hội chợ - triển lãm, hội thảo, diễn đàn DN, trao đổi đoàn DN, tìm kiếm bạn hàng Nga để giới thiệu với các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, Thương vụ còn đẩy mạnh tư vấn về thông tin đối tác, về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa các DN hai nước. Ngoài ra cũng kịp thời thông báo, tham mưu với các cơ quan hữu quan về việc xuất hiện những rào cản thương mại để phía Việt Nam có những giải pháp kịp thời.
Ngoài những giải pháp trên, một trong những lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được chính là lực lượng người Việt sinh sống, làm ăn, học tập tại đây khá đông đảo. Đây chính là lực lượng có nhu cầu tiêu thụ hàng Việt khá dồi dào. Dù sinh sống tại Nga đã lâu nhưng những thói quen, sở thích, nhu cầu của họ về các sản phẩm đặc trưng của hàng Việt như gạo, nông sản, gia vị… là không nhỏ. Bên cạnh đó, do hiểu biết văn hóa, tập quán sinh hoạt, thị hiếu tiêu dùng của người Nga khá rõ nên họ còn là cầu nối cực kỳ tự nhiên và hữu hiệu để đưa hàng Việt vào sâu thị trường Nga. Cô Nguyễn Thị Thơ – Việt kiều Nga chia sẻ: “Mỗi lần về Việt Nam, tôi thường lựa chọn tơ lụa hoặc các sản phẩm thủ công như mây tre đan để làm quà, bạn bè tôi rất thích. Bên cạnh đó, khi dùng một sản phẩm Việt Nam, nếu thấy chất lượng, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè để họ cùng sử dụng”. Rõ ràng “Đây là lợi thế của chúng ta mà không phải nước nào cũng có được. Chúng tôi coi họ là cầu nối kinh tế - thương mại, đầu tư rất quan trọng giữa Việt Nam và Nga” - ông Niệm nhấn mạnh.
Để hàng Việt vào sâu thị trường Nga
Theo khuyến nghị của Thương vụ Việt Nam tại Nga, các DN Việt nên quan tâm nhiều hơn đến thị trường Nga. “Đây là thị trường mở, dung lượng lớn, có nhiều cơ hội để thâm nhập và tăng thị phần hàng hóa. Người Nga còn giữ và có nhiều thiện cảm với hàng Việt so với hàng hóa nước khác. Nga cũng là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng theo lộ trình đang giảm xuống. Hơn nữa, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước không trùng lặp, cạnh tranh nhau, mà ngược lại, còn bổ sung cho nhau” – ông Niệm khẳng định.
Bên cạnh đó, các DN Việt nên tham gia các hội chợ - triển lãm hàng năm để giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác Nga. Việc kết hợp với DN Nga để thành lập các xí nghiệp liên doanh chế biến sâu, gia công các sản phẩm Việt tại lãnh thổ Việt Nam và Liên bang Nga để đưa hàng vào Nga cũng là cơ hội tốt cho việc thâm nhập và mở rộng thị trường hàng Việt ở Nga. Các DN Việt Nam xuất khẩu hàng Việt vào Nga cần đảm bảo, duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và nên xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở Nga. Hiện nay, thu nhập, đời sống của người Nga đã được cải thiện rõ rệt so với trước kia. Loại hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn. Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở Nga hoạt động khá chặt chẽ. Quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga không còn phù hợp nữa./.
Minh Trí
Theo VEN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Cột tin quảng cáo