Hành trình của người mẹ 20 năm “trực chiến” bên lớp học của con
Suốt 20 năm qua, chỉ cần thấy cô giáo vẫy tay ra hiệu là cô Ba lại hớt hải từ sân trường chạy vào để xem con trai có chuyện gì không. Rồi đến giờ ra chơi, cô lại chạy vào lớp chơi cùng, học cùng con.
Những tháng ngày “trực chiến” ở lớp học cùng con
Người mẹ ấy là cô Mai Thị Ba, 48 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM. Cô Ba kể, Toàn sinh ra như bao đứa trẻ khác, bụ bẫm, đáng yêu. Cho đến khi em 13 tháng tuổi, lúc những đứa trẻ khác bước những bước chập chững đầu đời thì Toàn không thể nhấc nổi đôi chân của mình. Đi khám, bác sĩ bảo Toàn bị bệnh teo cơ tủy khiến người mẹ khóc hết nước mắt, đưa con đi chạy chữa khắp nơi, từ phục hồi chức năng đến phục hồi bại liệt, sinh học nhưng cậu con trai vẫn không thể đi được.
Đến tuổi cắp sách đến trường, cũng như bao đứa trẻ khác, Toàn khao khát được học đọc học viết, nhưng đi đến đâu người ta cũng không nhận. “Họ nói thằng Toàn nên vô mấy trường khuyết tật mà học. Tôi khóc lóc, năn nỉ bảo trí não nó hoàn toàn bình thường, chỉ có đôi chân là không đi được thôi nhưng họ nhất định không nhận. Đến trường khuyết tật, họ lại bảo con mình có thể học ở lớp bình thường được…” cô Ba cay đắng nói.
Thuyết phục mãi, cô được một hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.8 chấp nhận cho Toàn vào học, với điều kiện sẽ thử thách Toàn trong một tháng rồi sẽ quyết định cho em học tiếp hay không.
Trong suốt thời gian này, cô Ba vừa làm nhiệm vụ cõng con tới trường vừa ở luôn trong trường chăm con. Cứ vào giờ học, bà mẹ lặng lẽ chọn một bóng mát trong sân trường ngồi nghỉ và chăm chú nhìn vào lớp học. “Chỉ cần cô giáo ngoắc tay ra hiệu là cô sẽ chạy vào ngay lớp giúp con việc này việc kia. Giờ ra chơi, trong khi bạn bè vui đùa, chạy nhảy thì cô lại vào chơi với Toàn hay giúp con vệ sinh cá nhân”.
Suốt 5 năm Toàn học cấp 1, cô cứ ngồi ở sân trường đợi con như vậy trong tâm thế “trực chiến”. Cũng 5 năm liền, Toàn là học sinh giỏi của trường, được thầy yêu bạn mến. “Nó viết chữ đẹp lắm nha”, cô Ba hớn hở khoe.
Đến năm học cấp 2, cơ thể Toàn cứng cáp hơn nên cô Ba có thời gian rảnh để làm thêm những công việc khác. Cứ 7h – 9h sáng cô cùng con trai đến lớp rồi tranh thủ về nhà dọn dẹp, cơm nước. Đến 9h30 là lúc giờ ra chơi, cô lại tất tả quay lại trường chơi với con. 11h trưa, cô lại tới trường, đón Toàn về nhà.
Cuộc sống của hai mẹ con cứ xoay vòng như vậy cho đến năm Toàn đỗ vào cấp 3 trường chuyên. Đó cũng là năm Toàn ốm liệt giường gần 3 tháng, có lúc tưởng chừng có thể ra đi mãi mãi. Thế nhưng, nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Toàn có thêm nghị lực để sống tiếp. “Đặc biệt nhất là quả cầu giấy hình tròn được xếp bằng 1.000 con hạc giấy do các bạn của em gấp khiến em cảm động vô cùng. Quả cầu ấy đến bây giờ em vẫn giữ như một vật thiêng liêng!”, Toàn nói.
“Đừng bỏ con, mẹ nhé!”
Biết bao lần, cô Ba tính buông xuôi khi gặp muôn vàn khó khăn trên quãng đường đưa con đến trường. Đó là lần cô đẩy Toàn đi học trên chiếc xe lăn thì bị xe tông. Nguyên một chiếc bánh xe lăn rớt ra giữa đường, nhưng Toàn vẫn bình yên vô sự, chỉ có cô Ba là bị chấn thương phần mềm phải nghỉ mất một thời gian. Hay là lần đi khám bệnh, bác sĩ bảo bệnh của em không thể chữa được, sống ngày nào hay ngày ấy.
Thế nhưng, lần nào Toàn cũng nói với mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con. Mẹ ráng thêm mấy năm nữa khi con có thể cầm tấm vé để bước chân đi thi đại học, được biết mùi thi đại học như thế nào rồi con sẽ nghỉ liền, mẹ nghe!?” khiến cô Ba không thể cầm lòng. Song, đến khi có tên trong danh sách đỗ Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, chàng trai sinh năm 1994 này lại một lần nữa thuyết phục mẹ: “Mẹ, mẹ cho con đi học tiếp mẹ nhé!”.
Cô Ba cho biết, hiện Toàn được nhà trường cho ở trong ký túc xá nên cô Ba đỡ được một phần đưa đẩy con tới trường. Thay vào đó, cô chỉ tắm rửa cho con khi đi học. Những ngày nghỉ, Toàn cũng thường dạy học ở nhà cho 2 đứa em hoặc ngồi quậy sinh tố phụ mẹ bán hàng.
“Chẳng biết rồi học xong, thằng bé có xin được việc không nhưng với tính cách lạc quan của nó thì chuyện gì rồi cũng giải quyết được. Và hơn hết, dù thế nào, cô vẫn sẽ mãi là đôi chân là nơi Toàn có thể dựa vào bất cứ lúc nào”, cô Ba nói.
Tiếp lời mẹ, Toàn nói, Toàn vẫn còn đôi chân và đôi tay lành lặn nên vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những bạn khuyết tật khác. “ Anh Nick Vujicic còn không có cả chân lẫn tay mà anh ấy vẫn làm chủ được cuộc sống thì em vẫn còn nhiều hy vọng lắm!”. Toàn cũng cho biết thêm, Nick cũng là một tấm gương để Toàn nỗ lực vươn lên.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Long An
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’
Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện đề án Khu thương mại tự do trình Chính phủ
Cột tin quảng cáo