Tin tức - Sự kiện

Hành vi chuyển giá của Doanh nghiệp FDI – Bài toán khó giải

Các cơ quan chức năng đang làm rõ nghi vấn chuyển giá của hơn 20 Doanh nghiệp FDI, với hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ của Việt Nam, việc các cơ quan Việt nam để các doanh nghiệp FDI "qua mặt" trong việc chuyển giá phải chăng chỉ còn do trình độ hay đạo đức của cán bộ các cơ quan chức năng?

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm trốn tránh các khoản thuế, phí thông qua việc báo lỗ trong hoạt động kinh doanh và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài. Việc chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ lâu đã không còn là chuyện xa lạ đối với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, làm cách nào để vạch trần và xử lý triệt đề tình trạng chuyển giá không phải là vấn đề đơn giản. Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục Thuế mới đây cho thấy hầu như doanh nghiệp FDI nào bị kiểm tra cũng vi phạm về khai lỗ, trốn thuế. Mặc dù vậy, chọ vẫn không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất tại thị trường Việt Nam. Nghịch lý này dường như là một thách thức đối với Nhà nước và các doanh nghiệp nội địa.

Theo các cơ quan thuế địa phương, hành vi chuyển giá phổ biến là tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách nhằm trốn nộp thuế. Các doanh nghiệp có hiện tượng trên thường hoạt động ở các ngành có nhiều tài sản vô hình là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, nên không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh. Hoặc là nhà đầu tư tận dụng công ty mẹ ở nước ngoài. Do công ty mẹ cung cấp nguyên liệu, đồng thời bao đầu ra của sản phẩm, nên việc kiểm soát giá nguyên liệu cũng như giá sản phẩm xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Trong năm 2013, ngành thuế đã tập trung trong việc chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Kết quả khảo sát và phân tích về hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2013, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng cho thấy, khoảng 20% doanh nghiệp FDI thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế.

Đứng đầu danh sách bị nghi ngờ có chuyển giá là Công ty CocaCola Việt Nam. Sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam (từ 1993 - 2013), dù doanh thu cứ ngày một tăng nhưng chưa năm nào CocaCola có lãi. Theo số liệu của Cục thuế Tp. HCM, con số lỗ luỹ kế tính đến 30/9/2011 của đơn vị này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Với số lỗ như vậy, CocaCola Việt Nam đương nhiên chưa từng phải nộp thuế thu nhập vào Ngân sách. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện tượng của CocaCola rất đáng ngạc nhiên và hoàn toàn phi logic. Bình thường, một doanh nghiệp nếu 3 năm liền làm ăn thua lỗ thì chắc chắn sẽ phải đóng cửa. Trường hợp của CocaCola lại ngược lại, dù kinh doanh không có lợi nhuận, họ vẫn quyết định mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nâng công suất từ 30 triệu thùng/năm lên 300-500 triệu thùng/năm.

Không chỉ CocaCola, Công ty PepsiCo Việt Nam cũng có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá. Theo số liệu, kể từ khi thành lập năm 1991 cho tới năm 2007, PepsiCo cũng lỗ liên tục (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỷ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng. Thực tế, năm 2009, PepsiCo đạt doanh thu 3.840 tỷ đồng, còn năm 2011 là 6.915 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng cũng giống như CocaCola, PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), mới đây nhất là tại Bắc Ninh (73 triệu USD), nâng tổng vốn đầu tư của “đại gia” này tại Việt Nam lên tới khoảng 500 triệu USD.

Mánh khóe trốn thuế mà các doanh nghiệp như CocaCola, PepsiCo lợi dụng tại Việt Nam lâu nay là cố tình hạ giá bán xuống sát chi phí để bán được hàng. Các doanh nghiệp này phá giá cạnh tranh để “bóp nghẹt” các đối thủ Việt Nam. Thực tế cho thấy, lượng nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng hơn 30%, trong khi các doanh nghiệp FDI lên đến 70 – 80%. Không biết trong số đó, có bao nhiêu phần trăm là lợi nhuận đã được chuyển ra nước ngoài, rồi lại quay ngược lại trong nước để cạnh tranh không lành mạnh.

Việc chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI trước hết gây thiệt hại cho chính cổ đông công ty đó, đặc biệt là những cổ đông có phần vốn nhỏ hơn, thiếu kinh nghiệm thị trường và thường là các cổ đông trong nước. Nghiêm trọng hơn, chuyển giá thực chất là hành vi trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước và làm méo mó môi trường đầu tư, kinh doanh của nước sở tại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi chuyển giá, đến nay đã có Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Triển khai các văn bản này, hàng năm, ngành thuế đã thực hiện hàng nghìn cuộc thanh, kiểm tra. Thế nhưng, hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra vừa qua chỉ dừng lại ở việc giảm lỗ, truy thu và phạt vi phạm về thuế, chứ chưa xử lý được hành vi chống chuyển giá. Có nhiều lý giải cho thực tế này của cơ quan quản lý nhà nước, từ những “lỗ hổng” pháp lý đến năng lực cán bộ, rồi cơ chế phối hợp chưa hiệu quả…

Rõ ràng, nếu như “nghi án” “chuyển giá” hòng trốn thuế của các doanh nghiệp FDI như CocaCola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam là sự thật thì với thị phần đồ uống được tiêu thụ lớn như hiện nay, có thể thấy số thuế mà doanh nghiệp này “tránh” được trong nhiều năm qua sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trước thực tế CocaCola trốn nghĩa vụ thuế với Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp nội địa nhưng cơ quan quản lý không thể xử lý được, thì đã tới lúc người dân Việt Nam nên cân nhắc có dùng sản phẩm này nữa hay không.

Anh Đào
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo