Thị trường

Hạt lúa củ khoai và "lợi ích nhóm"

Việt Nam vẫn có thể sản xuất ra được những giống lúa chất lượng cao, giá phải chăng nhưng lợi ích nhóm khiến gạo Trung Quốc vẫn tràn lan thị trường. Cũng vì lợi ích nhóm, những doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính, đột nhiên bị tố sai phạm. Tiền hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo cũng làm nông dân khổ hơn, càng làm càng lỗ.

Ai tiếp tay cho lúa giống Trung Quốc tràn lan thị trường

Nhiều năm nay, giống lúa Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam. Giống lúa Trung Quốc được bán với giá cao hơn một số giống lúa trong nước tự sản xuất, chất lượng gạo không bằng, hàm lượng dinh dưỡng của gạo thấp hơn tuy nhiên lại cho sản lượng cao hơn giống lúa của Việt Nam rất nhiều. 
 
Nhưng việc sản lượng cao không phải là nguyên nhân chính khiến giống lúa Trung Quốc thống lĩnh ở một số vùng trồng lúa các tỉnh thành phía Bắc mà nguyên nhân chính, theo đánh giá và quan sát của GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về Nông nghiệp cho biết, do nhiều quan chức lại đứng đằng sau lưng những công ty nhập khẩu lúa giống Trung Quốc để kiếm lợi ích cá nhân, khuyến cáo nông dân nên trồng lúa Trung Quốc, không trồng giống lúa Việt Nam.
 
Các chủ thể liên kết với nhau, trong đó có cả quan chức, để kinh doanh lúa giống Trung Quốc. Họ lập công ty, nhập sản phẩm, rồi dụ nông dân mua. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng “giết chết” lúa giống trong nước.
 
Lợi ích nhóm tham gia vào các khâu cung ứng đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí đầu ra của lúa gạo.
 
Không chỉ giống lúa, thị trường phân bón cũng bị khống chế bởi nhóm lợi ích, các doanh nghiệp đã phải “tố khổ” vấn đề này tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
 
Cụ thể, không ít doanh nghiệp “đại gia” kinh doanh lĩnh vực phân bón đã “ngớ người” khi nhận được thông tin từ các Chi cục Quản lí thị trường, Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản, Thanh tra Sở NN&PTNT các tỉnh về việc “phát hiện dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng” tại các cơ sở, đại lý phân phối các mặt hàng sản xuất, nhập khẩu của các công ty này. 
 
“Nghịch lý là, bây giờ các doanh nghiệp có tiềm lực thì lại “bó tay” và nghi ngại trước những chứng thư kiểm nghiệm hàm lượng sản phẩm của các trung tâm nhỏ - những đơn vị cấp Phòng trực thuộc cơ quan quản lý ngành nông nghiệp hoặc các đơn vị sự nghiệp có thu của Sở Khoa học – công nghệ các tỉnh. Hay nói cách khác, doanh nghiệp lớn đang sợ các trung tâm nhỏ” – Chủ tịch HĐQT của một “đại gia” kinh doanh phân bón bình luận.
 
Rõ ràng, đã có một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng kiểm định chất lượng hàng hóa với nhau dẫn tới góp phần làm rối thêm thị trường phân bón vốn dĩ đang hỗn loạn từ trước. 
 
Tạm trữ lúa gạo: Doanh nghiệp được lợi, nông dân càng làm càng lỗ
 
Trả lời trên báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, chính sách tạm trữ gạo là một cách làm không mang lại hiệu quả trực tiếp cho nông dân, nhưng đấy là cách làm đơn giản và dễ thực hiện nhất.
 
Thực tế là nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo trên thị trường, việc làm này tác động tăng cầu tiêu thụ gạo đẩy giá lúa trên thị trường tăng 100 - 200 đồng/kg.
 
Theo phân tích của PGS. TS Nguyễn Văn Nam, việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu giúp họ giảm chi phí cho việc thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ, và đương nhiên doanh nghiệp cũng sẵn sàng xuất khẩu với giá rẻ hơn mà lợi nhuận không bị suy giảm. 
 
Thêm nữa, nhà xuất khẩu sẵn sằng bán giá rẻ vì họ có một chân hàng rất dồi dào trong nước, và họ sẽ tiếp tục xuất khẩu lô thứ 2, 3… tổng hợp lại là lợi nhuận của họ cao hơn nhiều so với việc họ dự trữ và chờ giá cao mới xuất hàng. 
 
Vì vậy, chính sách hỗ trợ tạm trữ gạo lại vô tình đẩy giá xuất khẩu gạo Việt Nam xuống thấp. Với giá thấp đó, lợi ích nhà xuất khẩu không hề suy giảm, còn người nông dân chịu mọi thua thiệt, càng làm càng lỗ.
 
"Bản thân nông dân cần bán thóc, còn chương trình lại hỗ trợ mua gạo, như vậy “lợi ích cho người nông dân” chỉ là một con bài chính trị nhằm thực hiện lợi ích thiết thực và lớn lao cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, xưa nay chỉ có thể dự trữ thóc lúa thì mới có thể duy trì được chất lượng hạt gạo, còn dự trữ gạo chỉ có làm chất lượng hạt gạo giảm, dự trữ càng lâu chất lượng càng giảm, kéo theo giá trị giảm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
 
Như vậy, lợi ích nhóm tham gia vào các khâu cung ứng đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí đầu ra của lúa gạo.
 
Trước đó, ngày 11/9, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 tại UB Thường vụ Quốc hội đã từng bức xúc khi nói về vụ nhân bản xét nghiệm “vô lương” ở Hoài Đức đến vụ biển thủ 3 tỷ đồng của học sinh dân tộc thiểu số và nói: “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa".
 
"Ăn của dân không từ cái gì nữa" lại đúng trong trường hợp người nông dân cơ cực, vay tiền mua lúa giống, phân bón vật tư, làm ra được hạt thóc lại lo nơm nớp đầu ra của sản phẩm, được mùa mất giá... bị lợi ích nhóm vét sạch mọi thành quả.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo