Chiều 25/6, ông Lê Mạnh Hùng – Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết kết quả kiểm nghiệm nhiều mẫu hạt trân châu tại Hà Nội phát hiện có hàm lượng các chất bảo quản, chất tạo ngọt vượt mức giới hạn quy định.
(Vietnam+) Ông Hùng cho hay, sau khi có thông tin cảnh báo từ Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Đài Loan, Cơ quan lương thực thực phẩm và thú y Singapore liên quan đến việc sử dụng axít maleic (chất không được phép sử dụng trong thực phẩm), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã kiểm tra và tiến hành lấy 11 mẫu hạt trân châu để kiểm tra.
11 mẫu trên được lấy tại một số cơ sở kinh doanh tại quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai và 5 quầy hàng thuộc chợ Đồng Xuân-Hà Nội để kiểm soát một số chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm như Acid maleic, chất tạo ngọt (Aspartam, Acesulfam K, Sacarin, Natri Cyclamat), chất bảo quản (Natri benzoat,Kali sorbat).
Kết quả giám sát và đánh giá mức độ an toàn thực phẩm cho thấy, 11/11 mẫu không phát hiện Acid maleic, không phát hiện có chất tạo ngọt Aspartam.
Qua kiểm tra, có 4 trong tổng số 11 mẫu hạt trân châu có hàm lượng Kali sorbat dưới mức giới hạn, 4 mẫu có hàm lượng Kali sorbat cao hơn mức giới hạn quy định.
Về kiểm tra hàm lượng Acesulfam K, có 3 trong tổng số 10 mẫu có hàm lượng Acesulfam K dưới mức giới hạn quy định; có 2/10 mẫu có hàm lượng Sacarin dưới mức giới hạn quy định, có một mẫu hạt trân châu có hàm lượng Natri benzoat dưới mức giới hạn quy định.
Đặc biệt, qua kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã phát hiện có 2/10 mẫu có hàm lượng Sacarin (105-120 mg/kg sản phẩm) cao hơn mức giới hạn quy định (100 mg/kg sản phẩm); 2/10 mẫu hạt trân châu có hàm lượng Natri cyclamat (từ 2260-2450 mg/kg sản phẩm) cao hơn mức giới hạn quy định (250 mg/kg sản phẩm) – cao hơn gần 10 lần mức cho phép và có 4/10 mẫu có hàm lượng Natri benzoat (từ 1050-1650 mg/kg sản phẩm) cao hơn mức giới hạn quy định định (1000 mg/kg sản phẩm).
Như vậy, tính đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện hạt trân châu có chứa Acid maleic. Tuy nhiên kết quả kiểm nghiệm vẫn phát hiện trong hạt trân châu có hàm lượng các chất bảo quản, chất tạo ngọt vượt mức giới hạn quy định.
Bàn về hàm lượng Natri cyclamat trong hạt trân châu cao hơn 10 lần cho phép, tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trước đây đường hóa học cyclamate bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2013, chất này lại được cho phép sử dụng.
Theo tiến sỹ Thịnh, đường hóa học cyclamat trong hạt trân châu có tác dụng tạo ngọt cho sản phẩm. Đây là loại chất được nhiều nhà sản xuất sử dụng thay cho đường mía, độ dinh dưỡng thấp.
Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, loại hạt trân châu có chất Natri cyclamat cao hơn 10 lần không gây độc, tuy nhiên người tiêu dùng không nên dùng, bởi loại đường trên được lạm dụng dùng nhiều không có lợi cho sức khỏe, vì hàm lượng chất dinh dưỡng rất ít, chỉ phù hợp với những người bị bệnh tiểu đường, người béo. Trong trường hợp những người gầy cảm thấy đói, muốn ăn sản phẩm từ hạt trên để lấy no thì không nên, do sản phẩm ít chất dinh dưỡng.
Để tiếp tục theo dõi sản phẩm trên, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng mở rộng giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh hạt trân châu trên địa bàn Hà Nội, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm qui định pháp luật về an toàn thực phẩm./.
Thùy Giang