Quốc tế

Hậu Brexit: Người Anh tuyệt vọng muốn trưng cầu dân ý lần 2

(DNVN) - Viễn cảnh phải ở ngoài Liên minh Châu Âu (EU) là điều dường như quá thảm họa đối với khoảng 16 triệu người Anh. Điều này khiến hơn 1 triệu người Anh muốn trưng cầu dân ý lần 2.

Tin tức tên báo Vnmedia, trong sự lo lắng và tuyệt vọng, lực lượng những người Anh ủng hộ đất nước họ ở lại trong EU đã lập trang kiến nghị trực tuyến đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.

Dù chỉ mới được đưa ra vài giờ sau khi kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Anh được công bố, trang kiến nghị trực tuyến nói trên đã nhanh chóng đạt mốc hơn 100.000 chữ ký và nó tiếp tục vượt xa con số này. Điều đó đồng nghĩa với việc kiến nghị của họ sẽ phải được tranh luận tại Quốc hội Anh trong vòng 1 năm.

Đơn thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về việc Anh rời EU. Ảnh: Metro

Tính đến sáng nay (25/6), trang kiến nghị đòi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh nên ở lại hay rời EU đã nhận được sự ủng hộ của 850.000 người. Lượt truy cập vào trang này tiếp tục tăng mạnh khiến nó bị quá tải và đã bị rớt mạng tạm thời.

“Trang kiến nghị trực tuyến đã bị tắc nghẽn tạm thời do tình trạng số lượng người truy cập vào trang cùng lúc cao một cách bất thường, cao hơn bất kỳ trang kiến nghị nào trước đây”, một nữ phát ngôn viên của Quốc hội Anh cho biết.

Theo quy định, quốc hội Anh sẽ xem xét một thỉnh nguyện thư nếu nó thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký. Người phát ngôn Hạ viện Anh cho biết, đơn kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 sẽ được đưa ra thảo luận tại một ủy ban chuyên trách vào 28/6. Báo Zing news thông tin.

“Chúng tôi cùng ký tên dưới đây kêu gọi chính phủ thực hiện một luật lệ rằng, nếu tỷ lệ phiếu bầu ‘ở lại’ hoặc ‘rời’ đạt dưới 60% dựa trên tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu không quá 75% (lượng đăng ký) thì cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2”, BBC trích dung bức đơn viết.
Ủy ban bầu cử Liên hiệp Anh cho biết tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu trong ngày 23/6 chỉ đạt 72,2% so với số lượng đăng ký ban đầu. Phe “rời” thắng sít sao trước nhóm “ở lại”, với 17,4 triệu phiếu so với 16,1 triệu phiếu.

Tình trạng không hiểu biết về tác động của Brexit đối với nền kinh tế đất nước thể hiện rõ rệt trên khắp nước Anh hôm 25/6. Tập đoàn Google thông báo số lượt tìm kiếm những câu hỏi liên quan tới tác động của cuộc trưng cầu dân ý tăng vọt.

 

8 giờ sau khi cuộc trưng cầu ở Anh kết thúc, số lượt tìm bằng cụm từ "Việc gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi rời EU?" tăng gấp 3 lần so với khoảng thời gian trước đó.

Mặc dù cả hai phe - ủng hộ và phản đối Anh rời EU - đều vận động ráo riết từ vài tháng trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, nhiều người dân Anh vẫn không quan tâm tới những hậu quả có thể xảy ra nếu họ rời EU. Thậm chí nhiều người còn không biết những điều cơ bản nhất về EU.

Brexit là viết tắt từ hai từ để chỉ việc nước Anh (Britain) rời khỏi EU (Exit), tương tự như Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU. Đây là một mục tiêu chính trị được nhiều cá nhân, nghiệp đoàn và đảng phái chính trị theo đuổi nhằm yêu cầu Anh rút tư cách thành viên từ khối liên minh 28 nước châu Âu theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu.
Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo