Hậu kiểm để nâng chất FDI
Đang là thời điểm để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới đã đề cập khá nhiều giải pháp để quản lý vốn FDI sau cấp phép. Không chỉ cần thường xuyên nắm tình hình để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, mà theo Dự thảo Nghị quyết, đối với những dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng không phù hợp với định hướng về ngành, lĩnh vực, địa bàn… và nhà đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ cam kết, thì xem xét việc chấm dứt hoạt động và thu hồi chứng nhận đầu tư, hoặc điều chỉnh quy mô, mục tiêu. Việc hậu kiểm các vấn đề liên quan đến chuyển giá, gian lận đầu tư, bảo vệ môi trường… cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập.
“Đây là việc làm cần thiết, bởi có thể đảm bảo giám sát được tiến độ giải ngân của từng dự án, phát hiện ra những khó khăn của nhà đầu tư và kịp thời hỗ trợ”, ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) bình luận.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, thời điểm này là cơ hội lớn để thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nếu không làm được thì chất lượng đồng vốn FDI không bao giờ được cải thiện. “Ngay từ khi vốn FDI bắt đầu vào Việt Nam, tôi đã đề xuất việc thực hiện hậu kiểm, nhưng lâu nay, chúng ta chưa làm được”, ông Mại nói.
Thực tế, những mặt trái của FDI mà lâu nay dư luận thường nhắc tới, như gây ô nhiễm môi trường, lách luật để chuyển giá, dự án đăng ký đầu tư nhưng không triển khai… được cho là hệ lụy của việc thời gian qua, Việt Nam mới chỉ tập trung vào tiền kiểm, mà chưa chú trọng hậu kiểm, trong khi hậu kiểm mới là quan trọng nhất.
“Tôi chỉ lấy ví dụ về vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu chúng ta kiểm soát tốt, thì đã không có tình trạng như Vedan. Tại sao lại quá coi trọng báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi dự án chưa đi vào hoạt động. Chưa hoạt động thì làm sao biết được dự án đó có gây ô nhiễm môi trường hay không”, ông Mại bình luận và chia sẻ kinh nghiệm rằng, các quốc gia trên toàn cầu đều quản lý FDI theo phương thức hậu kiểm.
“Cứ để doanh nghiệp xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động, lúc ấy ta kiểm tra, nếu họ vi phạm thì yêu cầu tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa. Không một nhà đầu tư nào liều lĩnh vi phạm để bị đóng cửa nhà máy cả, vì lúc ấy, họ đã bỏ cả một đống tiền ra đầu tư”, ông Mại bày tỏ quan điểm.
Câu chuyện ưu đãi đầu tư cũng được các chuyên gia cho rằng, nên thực hiện hậu kiểm. “Việc này là để đảm bảo rằng, những nhà đầu tư được hưởng ưu đãi là xứng đáng. Phải có những tiêu chí rõ ràng, nếu nhà đầu tư khi đi vào hoạt động mà không đạt được những tiêu chí đó, ví dụ về công nghệ, lao động, môi trường, tỷ lệ xuất nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa…, thì chúng ta sẽ thu hồi các cam kết về ưu đãi đầu tư cho họ”, ông Thắng nói.
Đồng quan điểm, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam đã trải qua một thời gian dài quản lý FDI theo kiểu, doanh nghiệp xin cơ chế ưu đãi trong khi xin chứng nhận đầu tư, chúng ta đồng ý rồi bỏ đó, mà không cần biết nhà đầu tư có đạt được các tiêu chí đề ra, có thực hiện đúng cam kết và xứng đáng được hưởng ưu đãi trong quá trình hoạt động hay không. “Chính vì vậy dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ trong nhiều năm không nộp một đồng thuế nào nhưng vẫn được hưởng ưu đãi”, ông Mại bình luận.
Liên quan đến câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, cũng đã khẳng định, hậu kiểm là cần thiết, bởi như thế mới đánh giá được bản chất của dự án, giữa những đăng ký ban đầu và cam kết của nhà đầu tư với hiện thực. “Có rất nhiều cách để hậu kiểm về chính sách. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư được hưởng ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, thì sau khi lắp đặt máy móc, vận hành, phải kiểm tra, rồi mới chấp nhận là công nghệ cao và cho hưởng ưu đãi. Với công nghệp phụ trợ cũng vậy”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện như vậy. “Đấy là điều rất khoa học và cần phải làm như vậy”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Thực tế, Samsung, Nokia… khi đầu tư vào Việt Nam đã được Chính phủ chấp thuận các cơ chế ưu đãi ở mức cao nhất. Tuy nhiên, sẽ có một quy trình hậu kiểm đằng sau, để đảm bảo rằng, các nhà đầu tư này thực hiện đúng cam kết của mình. Nếu không, họ sẽ bị thu hồi các ưu đãi đầu tư đã được nhận khi cấp phép.
Hậu kiểm là cần thiết để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, để hậu kiểm thành công, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, trong khi lâu nay, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam rất kém. “Cũng phải có quy định, tiêu chí về hậu kiểm rõ ràng để tránh gây phiền hà, khó khăn cho nhà đầu tư”, ông Thắng nhấn mạnh.
Công Duy
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo