Hé lộ chi phí ước tính "cắt ngọn" tòa nhà 8B Lê Trực?
Những ngày qua, dư luận sốc nặng trước sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội). Ngay khi tiếp nhận thông tin, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Lê Văn Dục đã có văn bản số 9476 gửi Chủ tịch UBND quận Ba Đình về đề nghị xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Ba Đình yêu cầu chủ đầu tư lập và phê duyệt phương án phá dỡ bộ phận công trình vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực theo quy định của pháp luật, gửi UBND quận để chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, việc phá dỡ phần xây dựng sai phép không đơn thuần là phá 1 tầng, cắt chiều cao mà còn phải gọt theo chiều thẳng đứng để đảm bảo khoảng lùi, khoảng giật. Thực hiện phá dỡ sao cho không ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà là một trong những nhiệm vụ rất khó khăn.
Đáng chú ý, đơn vị tháo dỡ phải đảm bảo nguyên tắc an toàn trong quá trình phá dỡ, an toàn cho người và công trình lân cận, bảo đảm vệ sinh môi trường và phải được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra. Vậy tòa nhà 8B Lê Trực phải cắt bỏ ít nhất 5 tầng (chiều cao vượt 16 m so với giấy phép được cấp) sẽ phải thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn, chất lượng?
Trao đổi về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, ông Trương Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam (Tập đoàn Phương Bắc) - đơn vị chuyên tháo dỡ các công trình cỡ lớn ở Việt Nam chia sẻ: "Việc "cắt ngọn" công trình 16m không hề đơn giản. Bởi vì, công trình nhà cao tầng số 8B Lê Trực là nơi tương đối phức tạp, nhạy cảm, một phần là quá gần Lăng Bác, gần với khu trung tâm chính trị Ba Đình. Hơn nữa, tòa nhà lại sát đường, không có khoảng không thừa nên việc tháo dỡ hết sức khó khăn".
"Chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực phải tìm được một đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm về tháo dỡ công trình lớn thì mới không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình cũng như nhà dân xung quanh và môi trường” - ông Hải nhấn mạnh.
Nói về tiến độ tháo dỡ cũng như chi phí, ông Trương Văn Hải nhận định: “Để tháo dỡ phần vi phạm của tòa nhà số 8B Lê Trực thì cần phải huy động 50-60 công nhân chia làm hai ca, đồng thời sẽ mất khoảng nửa năm mới hoàn thành. Kinh phí dự tính khoảng 10 tỉ đồng. Việc phá dỡ được thực hiện thủ công, dùng máy nén khí, búa căn, không dùng máy móc nên khá mất nhiều công sức”.
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vào chiều 12/10, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trả lời thắc mắc của cửa tri về tòa nhà 8B Lê Trực. Cử tri đặt câu hỏi, về tòa nhà 8B Lê Trực, trách nhiệm để xảy ra như vậy là của ai, giải quyết thế nào?
Ông Khanh cho biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, cùng đó là chỉ đạo các sở ngành liên quan như Sở Xây dựng, quận Ba Đình có biện pháp xử lý nghiêm. Qua kiểm tra đã xác định vi phạm của chủ đầu tư, xây dựng vượt tầng, xây dựng sai quy hoạch. Khi làm việc với thành phố chủ đầu tư đã chính thức nhận trách nhiệm với các vi phạm. Họ cũng cam kết khắc phục thông qua việc dỡ hạng mục vi phạm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo