Hé lộ giá trị thương vụ lớn của Ocean Group
Tuần qua là một tuần khá lặng lẽ trên thị trường, tuy nhiên các thương vụ sáp nhập cũng không vì vậy mà bớt im ắng.
Vingroup chi ngàn tỷ để “thâu tóm” Dự án vành khăn
Mặc dù thương vụ đã được thực hiện trong tháng 8 song mới đây, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean group - mã OGC) mới chính thức hé lộ giá trị của thương vụ này.
Theo đó, vào ngày 13/8, OGC đã ký kết thỏa thuận về phương án tái cơ cấu nghĩa vụ tài chính của OTL. Qua đó, công ty sẽ chuyển nhượng cổ phần tại Blue Star cho Vincom Retail, một công ty con của Vingroup với số tiền nhận thanh toán là 2.148,636 tỷ đồng. Với việc chuyển nhượng toàn bộ 41,6 triệu cổ phần Blue Star, ước tính giá chuyển nhượng mỗi cổ phần lên tới 51.625 đồng/cổ phần.
Thực chất nhận chuyển nhượng Blue Star cũng chính là việc Vingroup “thâu tóm” mảng đất vàng hiếm hoi còn sót lại tại khu vực Đông nam Trần Duy Hưng. Dự án tại lô HH hay còn được biết đến với tên gọi Dự án vành khăn nằm trên diện tích đất 5ha và là dự án BT đối ứng với Bảo tàng Hà Nội.
T&T chi tiền trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương
Cho đến 16h30 ngày 20/8 (thời hạn chót để nộp hồ sơ đăng ký trở thành cổ đông chiến lược), Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Bệnh viện GTVT TƯ chỉ nhận được đơn và hồ sơ của hai nhà đầu tư trong nước là CTCP Tập đoàn T&T và CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.
Theo Quyết định số 2783, các nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn nếu thỏa mãn được một trong hai tiêu chí: doanh nghiệp hoạt động cùng ngành nghề kinh doanh (khám chữa bệnh), có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 200 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế; nếu là doanh nghiệp không hoạt động khám chữa bệnh thì phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế.
Ngoài ra, các nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu là 5 năm; chấp nhận phương án thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT để giảm tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước xuống còn 30% vốn điều lệ…
Theo thông tin báo chí, Tập đoàn T&T của bầu Hiển đã chiến thắng tuyệt đối để trở thành cổ đông chiến lược (được quyền mua 30% vốn điều lệ với phương thức bán thỏa thuận trực tiếp trước khi IPO).Trong khi đó, hồ sơ của đối thủ duy nhất là Công ty Bảo Sơn đã không thỏa mãn được bất cứ tiêu chí nào mà Bộ GTVT đưa ra.
Mặc dù còn phải chờ phê duyệt của Bộ GTVT, cũng như tìm được tiếng nói chung giá bán cổ phiếu chiến lược, nhưng T&T đang đứng trước cơ hội rất lớn để thâu tóm được cơ sở y tế lớn này.
Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương
Tỷ phú Indonesia “thâu tóm” nhà máy chế biến bột mỳ ở Việt Nam
Nhằm mở rộng mạng lưới nhà máy bột mỳ ở Đông Nam Á, tập đoàn Interflour của tỉ phú Indonesia Anthony Salim đã nhanh chóng thâu tóm nhà máy chế biến bột mỳ ở Đà Nẵng, Việt Nam.
Mặc dù không tiết lộ mức giá mua nhà máy ở Đà Nẵng nhưng theo một số thông tin từ phía đối thủ của Interflour, CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco đã bán nhà máy này cho Interflour với giá 4 triệu USD.
Vào tháng 11/2014, Interflour đã mua nhà máy bột mỳ Golden Grand tại Cảng Cilegon ở Tây Java với giá 19 triệu USD. Interflour là nhà sản xuất lúa mỳ lớn thứ 15 trên thế giới. Hiện tại, tập đoàn này đang cố gắng để lọt vào top 5 nhà sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới với 10.000 tấn/ngày.
Bất động sản An Phát tham gia kiểm soát Vinaconex 3
Đây là nội dung được thông qua trong ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) tổ chức sáng ngày 4/9. Trước đó, ngày 24/07/2015, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) đã bán hết gần 4,1 triệu cổ phiếu VC3 mà Tổng công ty này đang nắm giữ và hoàn tất việc thoái vốn khỏi Vinaconex 3.
Thay vào đó, VC3 có cổ đông mới là CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát nắm 1,92 triệu cổ phiếu tương đương 24% vốn điều lệ và 28,92% số cổ phiếu đang lưu hành.
Tại Đại hội bất thường tổ chức hôm qua, cổ đông của Vinaconex 3 đã chấp thuận tờ trình của HĐQT, cho CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát tăng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu mà không phải chào mua công khai. Tỷ lệ này tương ứng số cổ phần mà An Phát nắm giữ sau khi chuyển nhượng là 4,08 triệu cổ phần.
Theo báo điện tử Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Cột tin quảng cáo